19:07 - 06/11/2024

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là gì? Cơ quan nào đo đạt lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất?

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là gì? Cơ quan nào đo đạt lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất? Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là gì?

    Căn cứ Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 3. Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    1. Bản đồ địa chính là bản đồ thể hiện các thửa đất và các đối tượng địa lý có liên quan, lập theo đơn vị hành chính cấp xã hoặc theo đơn vị hành chính cấp huyện nơi không thành lập đơn vị hành chính cấp xã, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
    2. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo từng đơn vị hành chính các cấp, theo từng vùng kinh tế - xã hội.
    3. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện nội dung phân bố các loại đất tại thời điểm cuối kỳ quy hoạch của quy hoạch đó.
    4. Bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất là việc áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật, cơ giới, sinh học, hữu cơ tác động vào đất để xử lý đất bị ô nhiễm, phục hồi đất bị thoái hóa.
    5. Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất của diện tích đất thu hồi cho người có đất thu hồi.
    [...]

    Theo quy định trên, bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện nội dung phân bố các loại đất tại thời điểm cuối kỳ quy hoạch của quy hoạch đó.

    Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là gì? Cơ quan nào đo đạt lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất?

    Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là gì? Cơ quan nào đo đạt lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất? (Hình từ Internet)

    Cơ quan nào đo đạt lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất?

    Căn cứ Điều 1 Quyết định 06/2004/QĐ-BTNMT quy định vị trí và chức năng:

    Điều 1. Vị trí và chức năng
    Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai là tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về khảo sát, đánh giá, phân hạng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; đo đạc lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất; đăng ký và thống kê đất đai; thông tin và lưu trữ tư liệu về quản lý đất đai.

    Theo quy định trên, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai là tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường đo đạc lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất.

    Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc nào?

    Căn cứ Điều 60 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như sau:

    - Việc lập quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tuân thủ nguyên tắc và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

    - Quy hoạch sử dụng đất các cấp phải tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

    - Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai của quốc gia nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

    - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện phải đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    - Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất của cấp trên bảo đảm nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định được nội dung sử dụng đất đến cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

    - Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu sử dụng đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên.

    - Sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả; khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, độ che phủ rừng; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

    - Bảo đảm tính liên tục, kế thừa, ổn định, đặc thù, liên kết của các vùng kinh tế - xã hội; cân đối hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.

    - Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp phải bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch.

    - Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập đồng thời; quy hoạch sử dụng đất cấp cao hơn phải được quyết định, phê duyệt trước quy hoạch sử dụng đất cấp thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì các chỉ tiêu sử dụng đất chưa thực hiện hết được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

    - Kế hoạch sử dụng đất được lập đồng thời với lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cùng cấp. Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng cấp huyện được lập đồng thời với lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

    15