Có cần công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai không?

Người thừa kế có phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai để được cấp sổ đỏ không?

Nội dung chính

    Có cần công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Công chứng 2024 quy định người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc có quyền yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản.

    Mặt khác, tại điểm c khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    [...]
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
    c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
    d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

    Theo quy định nêu trên thì văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó gồm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai) được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

    Do đó, trường hợp phân chia di sản thừa kế đất đai, văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải được thực hiện công chứng.

    Có cần công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai không?

    Có cần công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai không? (Hình từ Internet)

    Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai ra sao?

    Thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai được thực hiện theo Điều 59 Luật Công chứng 2024 như sau:

    Bước 01: 

    Người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc (người yêu cầu công chứng) nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng trực tuyến, trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến tổ chức hành nghề công chứng.

    Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai bao gồm các giấy tờ sau đây:

    (1) Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai (nếu có);

    (2) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, gồm: thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ khác để xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật;

    (3) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó;

    (4) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

    (5) Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật chứng minh người để lại di sản đã chết;

    (6) Di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật và trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự;

    (7) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu.

    *Lưu ý: Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã khai thác được các thông tin quy định tại mục (2), (3), (4) trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu công chứng không phải nộp các giấy tờ này nhưng phải nộp phí khai thác dữ liệu theo quy định của pháp luật để tổ chức hành nghề công chứng khai thác dữ liệu.

    Bước 02: 

    Công chứng viên kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản.

    Nếu thấy chưa rõ thì công chứng viên yêu cầu làm rõ hoặc tiến hành xác minh, yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 4 Điều 42 Luật Công chứng 2024.

    Bước 03: 

    Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc tiếp nhận công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai.

    Công chứng viên chỉ được công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai sau khi có xác nhận về việc đã hoàn thành việc niêm yết và không nhận được khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến việc phân chia đó.

    Thời hạn niêm yết việc tiếp nhận công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai là bao lâu?

    Căn cứ khoản 1 Điều 44 Nghị định 104/2025/NĐ-CP quy định thời hạn niêm yết việc tiếp nhận công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đất đai là 15 ngày kể từ ngày niêm yết.

    Chuyên viên pháp lý Huỳnh Lê Bình Nhi
    saved-content
    unsaved-content
    26