Khi nào được mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh?
Nội dung chính
Khi nào được mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh?
Đường Nguyễn Duy Trinh là một trong những tuyến đường qua trọng tại TP.Thủ Đức sắp được mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030. Tuyến đường này kết nối từ khu vực trung tâm TP. Thủ Đức ra phía cảng Phú Hữu, đi qua nhiều khu dân cư, khu công nghiệp và kết nối trực tiếp với cao tốc TP.HCM Long Thành Dầu Giây.
Cụ thể, đoạn đường từ Võ Chí Công đến đường Nguyễn Thị Tư sẽ được ưu tiên mở rộng trong thời gian tới bởi vì đây là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm do mặt đường nhỏ hẹp.
Ngoài ra, đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM Long Thành Dầu Giây đến cầu Nam Lý cũng từng được triển khai mở rộng trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự án hiện vẫn chưa hoàn tất do còn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ thi công bị chậm so với kế hoạch.
Theo thông tin nhận được, dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn trong đó chi phí giải phóng mặt bằng cũng như là di dời hạ tầng kỹ thuật chiếm tỷ trọng khá lớn.
Như vậy, sẽ triển khai mở rộng Đường Nguyễn Duy Trinh trong giai đoạn 2026 - 2030. Khi hoàn thành, đường Nguyễn Duy Trinh sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối khu vực cảng Cát Lái Phú Hữu với đường Vành đai 2, Vành đai 3 và cao tốc góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ.
Khi nào được mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh? (Hình từ Internet)
Kết nối giao thông đường Nguyễn Duy Trinh quy định ra sao?
Căn cứ tại Điều 30 Luật Đường bộ 2024 quy định như sau:
(1) Kết nối các tuyến đường bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm hiệu quả hoạt động giao thông vận tải thông suốt, an toàn.
(2) Kết nối giao thông đường bộ bao gồm:
- Kết nối các tuyến đường bộ;
- Kết nối đường bộ đến các vùng, khu vực, địa bàn khu dân cư, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các địa điểm khác;
- Kết nối giao thông đường bộ với đầu mối giao thông của các phương thức vận tải khác.
(3) Việc kết nối đường nhánh vào đường chính và giữa các tuyến đường với nhau, được thực hiện tại vị trí đấu nối và phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
- Vị trí đấu nối được thiết kế, xây dựng tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; phù hợp với cấp đường và bảo đảm an toàn giao thông, năng lực thông hành của tuyến đường;
- Trường hợp đấu nối đường khác với đường cao tốc, ngoài việc thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều 30 Luật Đường bộ 2024, khoảng cách giữa các vị trí đấu nối phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế đường cao tốc;
- Việc kết nối giao thông đường bộ thực hiện theo quy định của Chính phủ.
(4) Trách nhiệm xây dựng đường nhánh, đường gom, đường bên kết nối với đường chính trong từng địa bàn, khu vực được quy định như sau:
- Chủ đầu tư, xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính, nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cảng hàng không, bến xe, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn và các đầu mối giao thông khác có trách nhiệm xây dựng đường bộ để kết nối giao thông từ các khu vực, cơ sở này với đường đi qua khu vực, cơ sở;
- Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các cấp đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng, cải tạo đường bộ thuộc phạm vi quản lý kết nối giao thông thuận lợi đến các cảng hàng không, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, ga đường sắt.
(5) Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường quốc lộ đang khai thác; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục chấp thuận thiết kế và trình tự, thủ tục cấp phép thi công nút giao đối với đường địa phương đang khai thác.
Đất tại TP.HCM nằm trong khu vực xây dựng đường Nguyễn Duy Trinh có bị thu đồi đất không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 79. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa trong trường hợp sau đây:
1. Xây dựng công trình giao thông, bao gồm: đường ô tô cao tốc, đường ô tô, đường trong đô thị, đường nông thôn kể cả đường tránh, đường cứu nạn và đường trên đồng ruộng phục vụ nhu cầu đi lại chung của mọi người, điểm dừng xe, điểm đón trả khách, trạm thu phí giao thông, công trình kho bãi, nhà để xe ô tô; bến phà, bến xe, trạm dừng nghỉ; các loại hình đường sắt; nhà ga đường sắt; các loại cầu, hầm phục vụ giao thông; công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải; công trình hàng không; tuyến cáp treo và nhà ga cáp treo; cảng cá, cảng cạn; các công trình trụ sở, văn phòng, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong ga, cảng, bến xe; hành lang bảo vệ an toàn công trình giao thông mà phải thu hồi đất để lưu không; các kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải;
Như vậy, đất tại TP.HCM nằm trong khu vực xây dựng đường Nguyễn Duy Trinh sẽ bị nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.