TPHCM muốn có bảng giá đất điều chỉnh sớm, lý do vì sao?

Bảng giá đất hiện hành có thể không còn phản ánh đúng giá trị thực tế của thị trường bất động sản. Vì vậy TP HCM muốn sớm có bảng giá đất điều chỉnh

Nội dung chính

    Vì sao TP HCM muốn sớm có bảng giá đất điều chỉnh?

    Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá đất hiện hành đang quá thấp, với một số tuyến đường chỉ ở mức 1-2 triệu đồng/m2, trong khi giá thực tế giao dịch lên tới 100-200 triệu đồng/m2.

    Dự thảo bảng giá mới mà Sở Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho thấy giá đất tại nhiều khu vực dự kiến sẽ tăng trung bình từ 5 đến 10 lần. Một số địa phương thuộc ngoại thành và vùng ven TP HCM có thể chứng kiến mức tăng đột biến từ 15 đến 50 lần so với hiện tại (chưa tính hệ số K). Tuy vậy, bảng giá mới này vẫn chỉ đạt khoảng 70% so với giá thị trường.

    Những bất cập tồn đọng ở bảng giá đất hiện hành

    Bảng giá đất hiện hành đang gặp nhiều bất cập và cần sớm điều chỉnh, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Hiện tại, bảng giá này vẫn bị khống chế bởi khung giá cũ, nhưng Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định này, yêu cầu cập nhật để làm căn cứ tính tiền sử dụng đất. Luật mới cũng thay đổi phương pháp tính tiền sử dụng đất, loại bỏ hệ số điều chỉnh K. Nếu không điều chỉnh kịp thời, nhiều giao dịch đất đai tại thành phố sẽ bị đình trệ.

    Việc xây dựng bảng giá đất mới đang được hoàn thiện theo quy trình rút gọn, đảm bảo lấy ý kiến các bên liên quan. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết quá trình này cần được xem xét kỹ lưỡng do ảnh hưởng lớn đến nhiều người dân.

    Những bất cập tồn đọng ở bảng giá đất hiện hành (Hình từ Internet)

    Kỳ vọng giảm ách tắc đầu tư công khi ban hành bảng giá đất mới

    Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, bảng giá đất mới sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án quan trọng như Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi, nhờ giá đất tiệm cận thị trường và mức hỗ trợ đền bù tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy các công trình trọng điểm tiến hành đúng tiến độ.

    Tại cuộc họp ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng các dự án rạch Xuyên Tâm và bờ bắc kênh Đôi có thể tránh bị chậm tiến độ nếu tập trung thực hiện bồi thường với giá đất mới. Ví dụ, dự án kênh Đôi dự kiến di dời hơn 1.000 hộ dân, trong khi rạch Xuyên Tâm giải tỏa 2.000 hộ. Giá đất điều chỉnh tại khu vực này tăng trung bình 167-254%, giúp thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng.

    Chủ tịch CLB Bất động sản TP HCM Nguyễn Quốc Bảo cũng nhận định bảng giá mới sẽ giúp các doanh nghiệp dễ tính toán chi phí đất đai, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng bảng giá điều chỉnh sẽ giải quyết ách tắc trong việc thẩm định giá đất, giúp thị trường bất động sản phục hồi.


    Kỳ vọng giảm ách tắc đầu tư công khi ban hành bảng giá đất mới (Hình từ Internet)

    Vẫn có những ảnh hưởng đến người dân, thị trường khi ban hành bảng giá đẩt mới

    Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định bảng giá đất mới có thể gây hai tác động không mong muốn: các hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn, nhưng điều này đảm bảo công bằng so với những người phải mua đất ở với giá thị trường. Thêm vào đó, giá đất trong bảng mới tăng từ 3-7 lần so với hiện hành.

    Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu, lo ngại bảng giá mới sẽ gây khó khăn cho những cá nhân, hộ gia đình cần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện tại, TP HCM có khoảng 13.000 thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận, tập trung ở các quận ngoại thành – nơi giá đất điều chỉnh tăng mạnh. Điều này sẽ khiến chi phí sử dụng đất và thuế, phí tăng cao, gây áp lực lớn lên người dân. Chẳng hạn, một hộ dân trên đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh) chưa thể làm sổ đỏ vì không đủ tiền đóng thuế, nay với giá đất dự kiến mới, tiền thuế sẽ tăng lên hơn 11 tỷ đồng.

    Ông Lê Hoàng Châu còn cảnh báo giá đất tăng đột ngột sẽ làm chi phí đầu vào của dự án bất động sản tăng, từ đó đẩy giá nhà và tác động đến nhiều ngành kinh tế khác. Ông Võ Hồng Thắng từ DKRA Group cũng đồng tình, cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ và biện pháp kiểm soát thị trường để tránh đầu cơ. Việc điều chỉnh các mức thu cần được thực hiện theo lộ trình để phù hợp với tình hình thực tế, tránh tăng đột biến gây khó khăn cho người dân.

    Ông Châu đề xuất TP HCM nên tiếp tục áp dụng bảng giá hiện hành đến hết 2025 thay vì ban hành bảng giá điều chỉnh ngay bây giờ, để tập trung chuẩn bị cho bảng giá mới vào năm 2026 theo Luật Đất đai 2024.

    68
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ