Thị trường bất động sản đang phục hồi tích cực
Nội dung chính
Thị trường bất động sản đang phục hồi tích cực
Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 vừa công bố sáng 26/8.
Báo cáo nhấn mạnh tình trạng khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã được cải thiện đáng kể, cùng với Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, đã là những lực đẩy hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, do các ngân hàng tận dụng môi trường lãi suất thấp để đảo nợ trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất vay bất động sản đã thấp hơn so với trước khiến giá trị giao dịch bất động sản tăng mạnh tới 22% trong quý I năm nay so với quý IV năm ngoái.
Thị trường bất động sản phục hồi cộng với xuất khẩu tiếp tục tăng cao và nhu cầu trong nước cũng sẽ tăng nhanh vào nửa cuối năm nhờ tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện là những cơ sở quan trọng để WB đưa ra những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay và các năm tiếp theo với mức tăng trưởng GDP cao hơn nhiều so với chính dự báo trước đó của định chế tài chính này.
Thị trường bất động sản đang phục hồi tích cực (Hình ảnh từ internet)
Lấp đầy các "khoảng trống" pháp luật
Dù khá lạc quan với việc hệ thống chính sách mới sẽ thúc đẩy thị trường, mang đến những tác động tích cực cho thị trường, sẽ là “bộ lọc” loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi, song nhiều ý kiến cũng lo ngại về những bất cập sẽ diễn ra trong quá trình thẩm thấu chính sách. Theo Hội Môi giới Bất động sản, cần lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn trên thị trường nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật, hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Nếu những vấn đề này xảy ra chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các chính sách này tới tiến trình phục hồi và phát triển của thị trường.
Do đó, đơn vị này kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, đầy đủ, "trải đường" sẵn để các Luật đi vào thực tế ngay khi chính thức có hiệu lực; có giải pháp để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng như nâng cao công tác theo dõi, giám sát, có hình thức kỷ luật với các trường hợp cố tình né tránh, gây chậm trễ trong việc thực hiện và cần quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, cụ thể tới từng dự án. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả thực thi của các đạo luật mới, tích cực tiếp nhận thông tin phản hồi từ các chủ thể liên quan để đảm bảo có sự điều chỉnh kịp thời với phương châm "sai ở đâu sửa ở đó, cái gì chưa tốt, cần nâng cấp ngay".
Về chủ thể, thay đổi quan trọng nhất là nới rộng đối tượng được tiếp cận, sở hữu đất đai cho cả người có quốc tịch Việt Nam đang định cư ở nước ngoài thay vì trước đây chỉ có người Việt Nam ở trong nước có quyền này. Việc nới rộng đối tượng tiếp cận đất đai lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư về quê hương từ người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, việc được sở hữu nhà, đất sẽ là động lực để kiều bào tích cực tham gia vào các hoạt động đầu tư lâu dài ở trong nước, bao gồm cả đầu tư sản xuất kinh doanh thay vì chỉ gửi tiền về như trước đây.
Đáng chú ý, với đất nông nghiệp, Luật Đất đai 2024 cho phép sử dụng kết hợp đất đa mục đích, nhà đầu tư có thể dùng một phần diện tích đất nông nghiệp để xây dựng các công trình phụ trợ như: nhà kho, nhà nghỉ tạm cho lao động, hay công trình dịch vụ du lịch nông nghiệp. Cơ chế này đã tháo được “nút thắt” tồn tại trong nhiều năm, tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp…
Những điểm mới này sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời thổi làn gió mới làm cho thị trường Bất động sản sôi động trở lại, mang lại nguồn thu và thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và tổ chức cần lưu ý tìm hiểu luật mới một cách toàn diện, tránh tra cứu theo từng điều khoản. Việc này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vận dụng luật một cách hiệu quả và đánh giá đúng các yếu tố đang gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.
Có nên đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện nay không?
Thị trường bất động sản Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, điều này được Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam 2024. Những yếu tố hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản như đã phân tích ở trên bao gồm:
(1) Cải thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã có sự cải thiện đáng kể.
(2) Lãi suất vay thấp: Lãi suất bất động sản giảm, làm tăng giá trị giao dịch bất động sản đến 22% trong quý I năm nay so với quý IV năm ngoái.
(3) Tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu nội địa: Xuất khẩu tiếp tục tăng cao và nhu cầu trong nước dự kiến sẽ tăng nhanh vào nửa cuối năm, nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
(4) Thay đổi trong quyền sở hữu đất đai: Luật Đất đai 2024 mở rộng đối tượng được sở hữu đất, bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều này kỳ vọng thúc đẩy đầu tư từ kiều bào vào quê hương.
(5) Sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt* Luật mới cho phép sử dụng đất nông nghiệp đa mục đích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn và sinh thái.
Với những cải thiện trong chính sách và môi trường kinh tế, đây có thể là thời điểm thuận lợi để đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng luật mới và môi trường kinh doanh để đưa ra quyết định sáng suốt và hiệu quả.