Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Những điều bạn cần biết để tránh bẫy lừa đảo khi mua bán nhà đất

Cảnh giác với các bẫy lừa đảo khi mua bán nhà đất, từ giấy tờ giả, vi bằng đến chuyển đổi đất thổ cư. Đảm bảo giao dịch an toàn với các mẹo phòng tránh lừa đảo

Nội dung chính

    Mua bán nhà đất là một giao dịch lớn với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Những năm gần đây, không ít người đã bị lừa đảo và mất hàng tỷ đồng vì thiếu cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi. Dưới đây là những bẫy lừa khi mua bán nhà đất phổ biến nhất mà bạn cần nắm rõ để bảo vệ tài sản của mình.

    Bẫy lừa đảo khi mua bán nhà đất bằng giấy tờ giả

    Một trong những chiêu trò phổ biến là lừa đảo bằng giấy tờ giả. Kẻ lừa đảo thường đóng vai người mua để tiếp cận thông tin về giấy tờ nhà đất của chủ nhà. Sau khi có được thông tin, chúng sử dụng công nghệ tinh vi để tạo ra giấy tờ giả giống y như thật. Khi quay lại, chúng sẽ nhanh tay đánh tráo giấy tờ giả với giấy tờ thật, rồi nhanh chóng bán căn nhà hoặc đất đó với giá rẻ cho người khác trước khi mọi chuyện bị phát hiện. Đã có nhiều trường hợp bị lừa với thủ đoạn này, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

    Dàn cảnh nhiều người mua tạo giá ảo

    Dàn cảnh tạo giá ảo là chiêu lừa nhằm khiến người mua phải trả giá cao hơn giá trị thực của nhà đất. Một nhóm cò đất sẽ giả làm những người mua khác để tạo hiện trường giả, đề xuất trả giá cao hơn. Điều này làm người mua thực sự tin rằng mảnh đất hoặc căn nhà có vị trí tốt, giá trị cao, và sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua. Trên thực tế, họ đã bị lừa mua với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật, gây thiệt hại nặng nề về tài chính.

    Dàn cảnh nhiều người mua tạo giá ảo ( Hình ảnh từ Internet)

    Bán nhà đất bị kê biên tài sản

    Một bẫy lừa khác mà bạn cần đề phòng là mua phải nhà đất đang trong diện bị kê biên tài sản do vướng vào các vụ kiện tụng hoặc thi hành án. Những người này sẽ nhanh chóng bán nhà hoặc đất để tẩu tán tài sản trước khi thi hành án.

    Bán nhà đất bị kê biên tài sản ( Hình ảnh từ Internet)

    Dù bạn đã công chứng sang tên, nhưng tài sản đó vẫn có thể bị kê biên theo quyết định của tòa án, dẫn đến nguy cơ mất trắng. Để tránh rơi vào tình huống này, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng pháp lý của tài sản trước khi mua.

    Hứa hẹn chuyển đổi đất lên thổ cư

    Nhiều người mua đất với mong muốn chuyển đổi thành đất thổ cư để xây nhà, nhưng lại bị lừa mua phải đất trồng cây hoặc đất lúa với lời hứa hẹn chuyển đổi dễ dàng.

    Trên thực tế, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư không hề đơn giản và phải tuân theo quy định chặt chẽ của pháp luật. Khi mua đất, hãy luôn kiểm tra kỹ lưỡng thông tin quy hoạch và tham khảo ý kiến từ chính quyền địa phương để tránh mất tiền oan.

    Lừa bán nhà đất qua vi bằng

    Lập vi bằng là thủ đoạn lừa đảo phổ biến ở các khu vực vùng ven, nơi có nhiều nhà đất không đủ điều kiện pháp lý như nhà không phép, sai phép hoặc nhà "3 chung" (chung sổ đỏ, chung sổ hồng).

    Lừa bán nhà đất qua vi bằng ( Hình ảnh từ Internet)

    Kẻ lừa đảo sẽ sử dụng thuật ngữ "vi bằng công chứng thừa phát lại" để đánh lừa người mua rằng giao dịch của họ đã được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, vi bằng chỉ là ghi nhận sự kiện xảy ra, không có giá trị chứng thực về mặt pháp lý. Điều này khiến người mua phải đối mặt với nguy cơ mất trắng khi có tranh chấp xảy ra.

    Mua nhà dự án chưa có bảo lãnh ngân hàng

    Nhiều người mua nhà ở dự án đang xây dựng nhưng bỏ qua việc kiểm tra chứng thư bảo lãnh ngân hàng, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn. Theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng trước khi bán nhà hình thành trong tương lai. Chứng thư này bảo vệ người mua khi dự án gặp sự cố hoặc chậm tiến độ, nhưng nếu không có nó, bạn có thể mất tiền mà không nhận được nhà.

    Một bất động sản bán cho nhiều người

    Hình thức lừa đảo này thường xảy ra ở các giao dịch mua bán nhà đất bằng giấy tay, đặc biệt phổ biến ở vùng nông thôn và vùng ven đô thị.

    Kẻ lừa đảo bán cùng một bất động sản cho nhiều người khác nhau, và chỉ làm cam kết giấy tay thay vì chuyển nhượng hợp pháp. Khi đã nhận tiền cọc hoặc một phần tiền mua, chúng sẽ biến mất, để lại người mua với một tài sản không rõ ràng về pháp lý và khó có thể đòi lại tiền.

    Bán suất mua nhà ở xã hội trái phép

    Mua nhà ở xã hội là một hình thức đầu tư an toàn nếu tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều kẻ lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua để bán suất mua nhà ở xã hội trái phép.

    Họ thường làm giấy tờ tay, nhận 95% số tiền chuyển nhượng và hứa hẹn sau 5 năm sẽ công chứng sang tên. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn rủi ro rất lớn, khiến người mua dễ mất cả tiền lẫn nhà.

    Để tránh rơi vào các bẫy lừa đảo khi mua bán nhà đất, bạn cần cảnh giác và thực hiện các bước kiểm tra kỹ lưỡng. Kiểm tra giấy tờ pháp lý, tham khảo ý kiến chuyên gia, và tránh xa các giao dịch không minh bạch là những biện pháp quan trọng để bảo vệ tài sản của mình. Với sự cẩn trọng, bạn sẽ tránh được những rủi ro và đảm bảo một giao dịch bất động sản an toàn.

    7