Nên hạ cây nêu vào ngày nào Tết 2025?
Nội dung chính
Nên hạ cây nêu vào ngày nào Tết 2025?
Dựng cây nêu ngày Tết là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Như đã biết, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 Tháng Chạp - Lễ cúng Ông Công Ông Táo. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về ngày hạ cây nêu?
Vậy nên hạ cây nêu vào ngày nào Tết Ất Tỵ 2025?
Theo phong tục, nên hạ cây nêu vào ngày Mùng 7 Tháng Giêng. Vậy nên năm nay, nên hạ cây nêu vào ngày Mùng 7 Tháng Giêng Tết Ất Tỵ, tức ngày 04/02/2025 Dương Lịch.
Nên hạ cây nêu vào ngày nào Tết năm nay? (Hình ảnh từ Internet)
Ý nghĩa và nghi thức trong ngày hạ cây nêu?
Ngày hạ cây nêu còn được gọi là Lễ khai hạ đây là thời điểm kết thúc dịp Tết Nguyên Đán, đánh dấu sự chuyển giao từ không khí Tết sang nhịp sống lao động thường ngày, với mong muốn cầu chúc một năm mới an khang, thịnh vượng và may mắn.
(1) Ý nghĩa của lễ hạ nêu
Lễ hạ nêu hay còn được gọi là Lễ Khai Hạ mang ý nghĩa kết thúc Tết Nguyên Đán, mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng, bình an và may mắn. Trong phong tục truyền thống, đây không chỉ là nghi lễ đơn thuần mà còn là dịp để con cháu tỏ lòng tri ân tổ tiên, thể hiện khát vọng về một năm thuận lợi trong công việc, mùa màng và cuộc sống.
- Khai mở năm mới
Theo phong tục, từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết, cây nêu được dựng lên như một biểu tượng trừ tà, xua đuổi điều xui xẻo, đồng thời nghênh đón may mắn và tài lộc.
Khi lễ hạ nêu được tổ chức vào ngày mùng 7 Tết, cây nêu sẽ được hạ xuống, đánh dấu việc khép lại những nghi lễ đầu năm và mở đầu một mùa xuân tươi mới.
- Cáo lễ tiễn tổ tiên
Sau khi đón tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, ngày mùng 7 là thời điểm tổ chức lễ hóa vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về âm cảnh. Đây là nghi thức quan trọng thể hiện lòng hiếu kính, đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đìn h một năm hạnh phúc, an khang.
- Báo hiệu quay trở lại cuộc sống thường nhật
Lễ cúng Khai Hạ không chỉ mang tính tâm linh mà còn mang ý nghĩa nhắc nhở mọi người quay lại với công việc, khởi đầu một năm mới đầy năng lượng và nhiệt huyết.
Đối với người nông dân, đây cũng là thời điểm bắt đầu những hoạt động canh tác, chuẩn bị cho mùa vụ mới với mong muốn bội thu.
- Cầu mong may mắn và xua đuổi xui xẻo
Cây nêu được coi là biểu tượng để bảo vệ gia đình khỏi ma quỷ trong suốt Tết. Khi hạ cây nêu, những vật trang trí như vòng tròn, lá bùa, khánh gió... cũng mang ý nghĩa hóa giải điều xấu, tiếp tục cầu chúc may mắn cho cả năm.
Lễ hạ nêu là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng, văn hóa và đời sống lao động. Đây là dịp để tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới với hy vọng về một cuộc sống no đủ, ấm áp, và hạnh phúc cho cả gia đình. Lễ này không chỉ giúp gìn giữ nét đẹp truyền thống mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.
(2) Nghi thức trong Lễ Hạ nêu
Trước khi hạ cây nêu, gia chủ thường chuẩn bị một bàn nhỏ đặt dưới gốc cây nêu, bày các lễ vật như:
- Một đĩa dưa hấu (biểu tượng của may mắn, phúc lộc).
- Hương
- Hoa tươi.
- Một ít bánh trái hoặc đồ lễ tượng trưng khác.
Sau đó, gia chủ sẽ rung nhẹ cây nêu để làm rụng hết lá khô, đồng thời báo với trời đất rằng gia đình đã đón một cái Tết vui vẻ, an lành. Sau đó, cây nêu được hạ xuống một cách cẩn thận. Những lá bùa, vật dụng treo trên cây nêu sẽ được tháo ra để treo trước cửa chính của ngôi nhà, như một cách tiếp tục bảo vệ gia đình khỏi tà ma trong suốt năm mới.
Lễ hạ nêu, hay còn được gọi là Lễ Khai Hạ không chỉ là phong tục cổ truyền mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc, nhắc nhở con người về sự cân bằng giữa đời sống tâm linh và lao động hàng ngày.
Ngày Mùng 7 Tết người lao động đã phải đi làm lại chưa?
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH năm 2024 nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành:
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ dịp tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 05 ngày nghỉ tết Âm lịch và 04 ngày nghỉ hằng tuần.
...
7. Đối với người lao động không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Thông báo này, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 như sau:
- Đối với dịp nghỉ tết Âm lịch: lựa chọn 01 ngày cuối năm Giáp Thìn và 04 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 02 ngày cuối năm Giáp Thìn và 03 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 03 ngày cuối năm Giáp Thìn và 02 ngày đầu năm Ất Tỵ.
...
- Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.
- Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 cho người lao động như quy định đối với công chức, viên chức.
Theo quy định trên:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ thứ Bảy ngày 25/01/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
- Còn người lao động trong doanh nghiệp sẽ nghỉ Tết Âm lịch 2025 theo lịch do người sử dụng lao động quyết định.
Như vậy, ngày Mùng 7 Tết người lao động đã phải đi làm hay chưa phụ thuộc vào lịch nghỉ tết của người sử dụng lao động.