Khái niệm và vai trò của đất chăn nuôi tập trung là gì?

Lợi ích của đất chăn nuôi tập trung là gì? Các nguyên tắc sử dụng đất chăn nuôi tập trung là gì? Có những quy định nào về việc sử dụng đất để chăn nuôi gia súc quy mô lớn?

Nội dung chính

    Đất chăn nuôi tập trung là gì?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 183 Luật Đất đai 2024 quy định về khái niệm đất chăn nuôi tập trung như sau: Đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.

    Theo đó, đất chăn nuôi tập trung được xem như một yếu tố quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng suất. Việc tập trung các hoạt động chăn nuôi vào một khu vực nhất định không chỉ giúp quản lý dễ dàng hơn mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

    Khái niệm và vai trò của đất chăn nuôi tập trung là gì? (Hình từ Internet)

    Vai trò của đất chăn nuôi tập trung trong phát triển kinh tế - xã hội là gì?

    Đất chăn nuôi tập trung là khu vực riêng được quy hoạch, đầu tư để nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm, thủy hải sản với số lượng lớn. Loại đất này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

    - Đối với phát triển kinh tế:

    + Áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình chăn nuôi khoa học, đất chăn nuôi tập trung giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

    + Các trang trại chăn nuôi tập trung tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, góp phần giảm đói nghèo, tăng thu nhập mỗi cá nhân. Đây cũng là tiền đề để giúp phát triển nông thôn, thu hút đầu tư vào nông thôn, thúc đẩy đô thị hóa.

    - Đối với phát triển xã hội:

    + Đất chăn nuôi tập trung giúp đảm bảo nguồn cung thức ăn đầy đủ, ổn định và chất lượng cho người dân, từ đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

    + Mô hình trang trại chăn nuôi thường có hệ thống xử lý chất thải, giúp làm giảm thiểu ô nhiễm và các tác động xấu của môi trường.

    Các nguyên tắc sử dụng đất chăn nuôi tập trung là gì?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 183 Luật Đất đai 2024 có quy định về việc tuân thủ sử dụng đất chăn nuôi tập trung bao gồm các nguyên tắc như sau:

    - Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý chất thải và biện pháp khác để không ảnh hưởng đến người sử dụng đất trong khu vực và xung quanh;

    - Trường hợp sử dụng đất chăn nuôi tập trung mà có xây dựng công trình gắn liền với đất thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng.

    Quy mô chăn nuôi gia súc được quy định như thế nào?

    Tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi được tính bằng số lượng đơn vị vật nuôi tại cơ sở chăn nuôi cùng thời điểm. Theo đó, trường hợp chăn nuôi hỗn hợp gồm gia súc, gia cầm và vật nuôi khác thì quy mô gồm tổng số đơn vị vật nuôi của gia súc gia cầm và từng loại vật nuôi khác.

    Đồng thời, tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về quy mô chăn nuôi gia súc như sau:

    - Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên.

    - Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: Từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi.

    - Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: Từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi.

    - Chăn nuôi nông hộ: Dưới 10 đơn vị vật nuôi.

    Hồ sơ xin cấp và các bước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chăn nuôi tập trung đối với trang trại quy mô lớn là như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi với trang trại quy mô lớn sẽ phải có 2 loại giấy tờ sau:

    - Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn

    - Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

    Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm các bước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn được quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP như sau:

    - Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này đến cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn;

    - Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.

    + Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

    + Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi.

    + Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).

    + Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Như vậy, để được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chăn nuôi tập trung đối với trang trại quy mô lớn cần phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các bước như quy định trên.

    22