Cò đất là gì? Cò đất và môi giới bất động sản khác gì?

Cò đất và môi giới bất động sản đều giúp kết nối giao dịch bất động sản. Cò đất là gì? Cò đất và môi giới bất động sản khác gì?

Nội dung chính

Cò đất là gì?

Hiện nay, quy định pháp luật chưa định nghĩa "Cò đất là gì?". Nhưng có thể hiểu Cò đất dùng để chỉ những người làm trung gian trong các giao dịch bất động sản như mua bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê nhà đất, không có chứng chỉ hành nghề và không trực thuộc bất kỳ công ty hay tổ chức nào được pháp luật công nhận.

Đặc điểm của cò đất:

(1) Làm việc tự do

Cò đất thường là những người hoạt động độc lập, không cần có giấy phép hay chứng nhận chuyên môn.

Họ làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân, các mối quan hệ xã hội, thông tin địa phương hoặc quen biết trong giới mua bán nhà đất.

(2) Nguồn thu nhập chính là từ hoa hồng dẫn mối

Cò đất kiếm tiền chủ yếu bằng hoa hồng hoặc tiền công giới thiệu từ bên mua hoặc bên bán hoặc cả hai. Tỷ lệ hoa hồng này thường không cố định, do hai bên tự thỏa thuận với nhau, và đôi khi được cò đẩy lên tùy tình huống.

(3) Thỏa thuận miệng

Trong hầu hết các trường hợp, cò đất không ký kết hợp đồng môi giới bằng văn bản, mà chỉ thỏa thuận miệng hoặc nhắn tin qua điện thoại. Điều này khiến giao dịch dễ xảy ra tranh chấp và người mua hoặc người bán thường khó có cơ sở pháp lý để khiếu nại nếu có rủi ro xảy ra.

Cò đất và môi giới bất động sản khác gì?

Cò đất và môi giới bất động sản đều giúp kết nối giao dịch bất động sản. Dưới đây là điểm khác nhau giữa cò đất và môi giới bất động sản:

Tiêu chíCò đấtMôi giới bất động sản
Pháp lýKhông có chứng chỉ hành nghề, không chịu ràng buộc pháp luậtCó chứng chỉ hành nghề, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành
Hình thức làm việcCá nhân, tự do, không thuộc tổ chức nàoLàm việc trong công ty, sàn giao dịch hoặc văn phòng môi giới
Trình độ chuyên mônThường dựa vào kinh nghiệm, mối quan hệCó kiến thức chuyên sâu về pháp lý, thị trường, đàm phán
Tính minh bạchThỏa thuận miệng, thiếu hợp đồng rõ ràngCó hợp đồng dịch vụ, quy trình môi giới rõ ràng
Trách nhiệm pháp lýKhông chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy raCó cam kết dịch vụ, bị xử lý nếu vi phạm quy định
Cách tính hoa hồngTự thỏa thuận, không cố địnhCó bảng giá và tỷ lệ cụ thể, rõ ràng theo hợp đồng
Rủi ro cho khách hàngCao, dễ bị lừa đảo, thổi giá, giới thiệu tài sản sai pháp lýThấp hơn nhờ quy trình kiểm tra thông tin pháp lý, uy tín công ty
Đạo đức nghề nghiệpKhông có quy định ràng buộc cụ thểPhải tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề

Cò đất là gì? Cò đất và môi giới bất động sản khác gì?Cò đất là gì? Cò đất và môi giới bất động sản khác gì? (Hình từ Internet)

Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản

Theo Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới bất động sản;

+ Phải có cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động theo quy định của Chính phủ;

+ Có tối thiểu 01 cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động sản;

+ Trước khi hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gửi thông tin về doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh nơi thành lập doanh nghiệp để được đăng tải trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.

- Cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;

+ Phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Hợp đồng môi giới bất động sản gồm các nội dung nào?

Theo khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 nêu rõ Kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm kinh doanh các dịch vụ: sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản, tư vấn bất động sản, quản lý bất động sản.

Đồng thời, theo Điều 46 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định về nội dung chính của hợp đồng trong kinh doanh bất động sản như sau:

Điều 46. Nội dung chính của hợp đồng trong kinh doanh bất động sản
...
4. Hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ của các bên;
b) Đối tượng và nội dung dịch vụ;
c) Yêu cầu và kết quả dịch vụ;
d) Thời hạn thực hiện dịch vụ;
đ) Phí dịch vụ, thù lao, hoa hồng dịch vụ;
e) Phương thức và thời hạn thanh toán;
g) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
h) Phương thức giải quyết tranh chấp;
i) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Như vậy, hợp đồng môi giới bất động sản gồm các nội dung chính sau:

- Tên, địa chỉ của các bên;

- Đối tượng và nội dung dịch vụ;

- Yêu cầu và kết quả dịch vụ;

- Thời hạn thực hiện dịch vụ;

- Phí dịch vụ, thù lao, hoa hồng dịch vụ;

- Phương thức và thời hạn thanh toán;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Phương thức giải quyết tranh chấp;

- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

saved-content
unsaved-content
98