Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nội dung chính
Vì sao cần giảm lãi suất hiện nay?
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp và người dân trở nên vô cùng cấp thiết. Nhận thấy rằng chi phí vay cao đang là rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn phát triển.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại yêu cầu những giải pháp kích cầu đáng kể, trong đó giảm lãi suất được xem là giải pháp tối ưu.
Việc giảm lãi suất không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.
Khi chi phí vay vốn giảm, các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào công nghệ mới và cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, lãi suất thấp còn kích thích người dân gia tăng chi tiêu, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa và tăng trưởng kinh tế.
Việc duy trì một mặt bằng lãi suất ổn định và hợp lý còn giúp Việt Nam giữ được sự cân bằng kinh tế, tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (Hình từ Internet)
Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Ngày 16/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện 135/CĐ-TTg năm 2024 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng.
Với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tín dụng, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trường kinh tế, quyết tâm đạt và vượt toàn bộ chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Bên cạnh đó, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 theo đúng chủ trương, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ theo tinh thần Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Để thực hiện mục tiêu đó, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để theo dõi sát sao tình hình kinh tế quốc tế, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả.
Chính sách tiền tệ cần được phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa cùng các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và cân đối lớn trong nền kinh tế.
Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên trong năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Các giải pháp trọng tâm bao gồm điều hành lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng một cách hiệu quả; giảm lãi suất cho vay, kiểm soát tốt lãi suất huy động; đảm bảo nguồn vốn được cung ứng kịp thời cho nền kinh tế, đặc biệt trong các dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đầu năm 2025.
Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và sinh kế, đảm bảo nguồn vốn tín dụng được sử dụng một cách thực chất, tránh tình trạng ách tắc hoặc chậm trễ.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện yêu cầu giảm lãi suất của Chính phủ
Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn các biện pháp trong thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
Điều này nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, tạo ra doanh thu, lợi nhuận và đảm bảo khả năng trả nợ cho các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm minh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền được giao.