Biệt thự song lập là gì? Ưu nhược điểm của biệt thự song lập
Nội dung chính
Biệt thự song lập là gì?
Biệt thự song lập là loại hình nhà ở gồm hai căn biệt thự được xây dựng liền kề, đối xứng nhau trên cùng một lô đất và có chung một bức tường ở giữa. Tuy chung tường nhưng mỗi căn có lối đi riêng, sân vườn riêng, hệ thống tiện ích và thiết kế nội thất riêng biệt. Tổng thể kiến trúc thường được thiết kế hài hòa, cân đối theo cặp, tạo cảm giác đồng bộ.
Biệt thự song lập thường được xây dựng trên quỹ đất diện tích trung bình từ khoảng 150 – 250m²/căn, nhỏ hơn so với biệt thự đơn lập. Các mặt tiếp giáp thường là 3 mặt thoáng (trước, sau và một bên), mặt còn lại giáp với căn bên cạnh.
Loại hình này xuất hiện phổ biến trong các khu đô thị, khu dân cư quy hoạch bài bản. Chủ đầu tư thường thiết kế theo một mô hình tiêu chuẩn để đảm bảo sự thống nhất về quy hoạch và cảnh quan.
Khác với biệt thự đơn lập vốn là kiểu nhà ở độc lập, 4 mặt thoáng, thì biệt thự song lập giúp tiết kiệm diện tích đất sử dụng mà vẫn đảm bảo không gian sống riêng tư cho từng hộ. Chi phí đầu tư, xây dựng và giá bán của biệt thự song lập cũng thường thấp hơn so với biệt thự đơn lập.
Biệt thự song lập là gì? Ưu nhược điểm của biệt thự song lập (Hình từ internet)
Ưu nhược điểm của biệt thự song lập
(1) Ưu điểm của biệt thự song lập
- Tiết kiệm diện tích: Do chia sẻ một vách tường chung và thiết kế đối xứng, biệt thự song lập giúp tận dụng hiệu quả diện tích đất, phù hợp với các khu đô thị có mật độ xây dựng vừa phải.
- Chi phí thấp hơn biệt thự đơn lập: Vì không cần xây 4 mặt tường riêng biệt và diện tích đất nhỏ hơn, chi phí đầu tư và giá bán biệt thự song lập thường thấp hơn, phù hợp với nhóm khách hàng có tài chính ổn định nhưng không quá cao. Đây cũng là một ưu điểm của biệt thự song lập đáng kể trong bối cảnh quỹ đất đô thị ngày càng hạn chế.
- Đảm bảo sự riêng tư tương đối: Mặc dù có tường chung nhưng mỗi căn đều có lối đi, cổng, sân vườn và hệ thống sinh hoạt riêng, giúp người ở vẫn có không gian riêng biệt mà không bị ảnh hưởng nhiều từ căn bên cạnh.
- Thiết kế đồng bộ, dễ quản lý: Do được xây dựng theo mô hình đối xứng, biệt thự song lập thường mang tính thẩm mỹ tổng thể cao, dễ kiểm soát về kiến trúc và cảnh quan chung trong khu dân cư.
- Thường nằm trong khu quy hoạch bài bản: Biệt thự song lập chủ yếu xuất hiện trong các khu đô thị lớn, có đầy đủ tiện ích như công viên, trường học, trung tâm thương mại, giúp cư dân dễ tiếp cận dịch vụ công cộng.
(2) Nhược điểm của biệt thự song lập
- Không hoàn toàn tách biệt: Vì có tường chung và khoảng cách gần với căn bên cạnh, biệt thự song lập không đảm bảo sự riêng tư tuyệt đối như biệt thự đơn lập. Âm thanh và hoạt động sinh hoạt có thể ảnh hưởng giữa hai căn.
- Khó cải tạo tùy ý: Việc thay đổi thiết kế ngoại thất có thể ảnh hưởng đến tổng thể đối xứng của hai căn. Nếu muốn sửa chữa, mở rộng thì cần cân nhắc kỹ để không phá vỡ tính đồng bộ của kiến trúc. Đây cũng là một nhược điểm của biệt thự song lập khiến một số gia chủ e ngại khi có nhu cầu thay đổi theo sở thích cá nhân.
- Hạn chế về không gian sân vườn: So với biệt thự đơn lập, diện tích sân vườn của biệt thự song lập ít hơn. Các mặt thoáng cũng ít hơn (chỉ có 3 mặt tiếp xúc không khí), có thể khiến không gian ít thông thoáng hơn.
- Phụ thuộc vào quy hoạch tổng thể: Thiết kế của biệt thự song lập thường bị giới hạn bởi quy hoạch của toàn khu, nên chủ nhà khó có thể cá nhân hóa toàn bộ theo ý thích cá nhân, đặc biệt là về mặt ngoại thất.
Quyền sở hữu nhà ở được xác lập khi nào?
Căn cứ tại Điều 12 Luật Nhà ở 2023 quy định thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở như sau:
(1) Trường hợp trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(2) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở mà không thuộc trường hợp (4) thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên mua, bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(3) Trường hợp góp vốn, tặng cho, đổi nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở là thời điểm bên nhận góp vốn, bên nhận tặng cho, bên nhận đổi đã nhận bàn giao nhà ở từ bên góp vốn, bên tặng cho, bên đổi nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
(4) Trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở giữa chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở với người mua, người thuê mua thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
(5) Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
(6) Trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
(7) Giao dịch về nhà ở thuộc trường hợp (2) (3) (4) phải tuân thủ điều kiện về giao dịch nhà ở và hợp đồng phải có hiệu lực theo quy định Luật Nhà ở 2023.