Tuyên bố về chủng tộc và thành kiến chủng tộc, 1978

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 27/11/1978
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ

VỀ CHỦNG TỘC VÀ THÀNH KIẾN CHỦNG TỘC, 1978

(Do Đại Hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua ngày 27/11/1978).

LỜI NÓI ĐẦU

Đại Hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc họp tại Paris, phiên họp thứ 20, từ 24/10 đến 28/11/1978.

Xét thấy trong Lời nói đầu của Điều lệ của UNESCO, thông qua ngày 16-11- 1945, đã ghi rõ cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp giờ đây đã chấm dứt là một cuộc chiến tranh được thực hiện do sự phủ nhận các nguyên tắc mang tính dân chủ về nhân phẩm, sự bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau của con người, và do sự tuyên truyền, ở vị trí của chúng, thông qua sự không hiểu biết và thành kiến, học thuyết về sự bất bình đẳng của con người và các chủng tộc, và

Xét rằng, căn cứ vào Điều I của Điều lệ nêu trên, mục đích của UNESCO là đóng góp vào hòa bình và an ninh bằng việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm xúc tiến sự tôn trọng toàn cầu về công lý, nguyên tắc pháp quyền và các quyền con người và tự do cơ bản như đã được khẳng định trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc đối với các dân tộc trên thế giới mà không có sự phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo",

Công nhận rằng, hơn 3 thập kỷ sau khi thành lập UNESCO, những nguyên tắc này là phù hợp cũng như có tầm quan trọng đáng kể khi chúng được thể hiện trong Điều lệ của UNESCO.

Lưu ý đến quá trình trao trả độc lập và những biến động lịch sử khác đã dẫn đến hầu hết các dân tộc trước đây chịu sự thống trị của ngoại bang nay đã giành lại chủ quyền của mình và đã tạo cho cộng đồng quốc tế một chỉnh thể phổ biến và đa dạng, tạo ra những cơ hội mới cho việc xóa bỏ tai họa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cho việc chấm dứt những biểu hiện ghê sợ của nó ở tất cả các khía cạnh của đời sống chính trị và xã hội cả ở bình diện quốc gia và quốc tế,

Tin tưởng rằng, sự thống nhất mang tính bản chất của loài người và đưa đến kết quả là sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người và tất cả các dân tộc đã được công nhận trong những thuật ngữ cao quý nhất của triết học, đạo đức và tôn giáo, phản ánh lý tưởng mà đạo đức và khoa học ngày nay đang cùng hướng tới.

Tin tưởng rằng, mọi dân tộc và mọi nhóm người, bất kể thành phần hay nguồn gốc dân tộc của họ, tùy khả năng của mình, đều đóng góp vào sự tiến bộ của những nền văn hóa và văn minh mà trong sự đa dạng của chúng, và như là kết quả của sự thâm nhập lẫn nhau của chúng, đã tạo nên di sản văn hóa chung của nhân loại,

Khẳng định sự trung thành đối với các nguyên tắc được tuyên bố trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và sự quyết tâm để thúc đẩy việc thực hiện các Công ước quốc tế về nhân quyền cũng như Tuyên bố về việc thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới,

Quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc,

Ghi nhận Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội A-pác-thai và Công ước về không áp dụng những hạn chế luật th.nh đối với các [HTC1] tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại.

Đồng thời cũng nhắc lại các văn kiện quốc tế đã được UNESCO thông qua, bao gồm cụ thể là Công ước và Khuyến nghị về xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giáo dục, Khuyến nghị liên quan đến địa vị của giáo viên, Tuyên bố về các nguyên tắc về hợp tác văn hóa quốc tế, Khuyến nghị liên quan đến giáo dục về sự hiểu biết, hợp tác và hòa bình quốc tế và giáo dục về các quyền con người và tự do cơ bản, các Khuyến nghị về địa vị của những nhà nghiên cứu khoa học và Khuyến nghị về sự tham gia rộng rãi của nhân dân và sự đóng góp của họ vào đời sống văn hóa,

Xác nhận bốn báo cáo đánh giá về vấn đề chủng tộc được các chuyên gia do UNESCO nhóm họp thông qua,

Khẳng định lại mong muốn đóng góp một phần to lớn và có tính xây dựng trong việc thực hiện Chương trình Thập kỷ Hành động chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt chủng tộc mà đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 28,

Ghi nhận sự quan tâm sâu sắc nhất rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự biệt chủng tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chế độ A-pác-thai tiếp tục làm tổn hại đến thế giới ở mọi hình thức biến tướng hay thay đổi như là một kết quả của cả việc tiếp tục các quy định pháp luật, việc cai trị và những tập quán hành pháp trái với các nguyên tắc nhân quyền và cả sự tiếp tục tồn tại của các cấu trúc chính trị và xã hội và những mối quan hệ, thái độ được đặc định bởi sự bất công và coi thường con người đang dẫn đến sự loại trừ, làm nhục, sự bóc lột, hay dẫn đến sự đồng hóa cưỡng bức đối với các thành viên thuộc những nhóm bất lợi,

Bày tỏ sự phẫn nộ đối với những hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm con người này, lên án những cản trở do chúng đặt ra trên con đường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và cảnh báo về sự đe dọa của chúng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ninh quốc tế,

Thông qua và long trọng công bố Tuyên bố về chủng tộc và thành kiến chủng tộc:

Điều 1.

1. Tất cả nhân loại thuộc một loài duy nhất và xuất phát từ một nguồn gốc chung. Tất cả mọi người sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và các quyền và tất cả tạo thành một phần tất yếu của nhân loại.

2. Tất cả các nhóm và cá nhân có quyền có sự khác biệt, được tự đánh giá về sự khác biệt và được nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên sự đa dạng của lối sống và quyền được có sự khác biệt, trong mọi hoàn cảnh, không thể được coi như là một lý do cho sự phân biệt chủng tộc; chúng không thể được sử dụng để chứng minh trong pháp luật hay trong thực tế cho mọi hành động có tính chất phân biệt, cũng được sử dụng như một điều kiện cho chính sách A-pác-thai với ý nghĩa là hình thức tột cùng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

3. Tính đồng nhất về nguồn gốc không được phép, dù bằng bất cứ cách nào, làm ảnh hưởng, tác động đến thực tế rằng con người có thể tồn tại những khác biệt và không thực sự loại trừ sự tồn tại của những khác biệt dựa trên sự đa dạng văn hóa, môi trường và lịch sử, cũng không đối lập với quyền được duy trì tính đồng nhất về văn hóa.

4. Mọi dân tộc trên thế giới có các khả năng bình đẳng để đạt được mức phát triển cao nhất về chính trị, văn hóa kinh tế, xã hội, kỹ thuật và tri thức.

5. Những khác biệt giữa những thành tựu của các dân tộc khác nhau hoàn toàn có thể quy cho các yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa. Những sự khác biệt đó, trong bất cứ trường hợp nào, đều không thể được dùng như là lý do cho bất cứ sự phân loại nào có tính trật tự đẳng cấp giữa các quốc gia hay dân tộc.

Điều 2.

1 . Bất kỳ học thuyết nào liên quan đến nhận định rằng các nhóm dân tộc hay chủng tộc mang tính cơ hữu cao hơn hay thấp hơn, bởi vậy ngầm định rằng một số dân tộc hay chủng tộc sẽ có quyền thống trị hay loại bỏ nhóm khác, được cho là thấp hơn, hoặc liên quan đến những đánh giá về giá trị dựa trên sự khác biệt về chủng tộc là không có cơ sở khoa học và trái với các nguyên tắc về đạo đức và dân tộc của nhân loại.

2. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bao gồm những tư tưởng phân biệt chủng tộc, thái độ định kiến, ứng xử có tính phân biệt, những sắp xếp cơ cấu xã hội và những hành động được thể chế hóa tạo ra sự bất bình đẳng về chủng tộc, cũng như quan niệm sai lầm rằng những mối quan hệ mang tính phân biệt giữa các nhóm là có thể biện minh được về mặt đạo đức và khoa học; được phản ánh trong các quy định pháp lý mang tính phân biệt cũng như trong các tín ngưỡng và hoạt động xã hội, nó cản trở sự phát triển của các nạn nhân, làm lệch lạc những người thực hành nó, chia rẽ bên trong các quốc gia, cản trở sự hợp tác quốc tế và làm tăng những căng thẳng về mặt chính trị giữa các dân tộc điều đó là trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, và kết quả là gây rối nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

3. Thành kiến về chủng tộc về mặt lịch sử, gắn với những sự bất bình đẳng về quyền lực, được củng cố bằng những khác biệt về kinh tế và xã hội giữa các nhóm và cá nhân, và ngày nay vẫn đang tìm cách để biện minh cho những sự bất bình đẳng đó là hoàn toàn đúng mà không cần sự minh chứng.

[...]