Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS, 2001 "Khủng hoảng toàn cầu – hành động toàn cầu"

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 27/06/2001
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TUYÊN BỐ

CAM KẾT VỀ HIV/AIDS, 2001 "KHỦNG HOẢNG TOÀN CẦU – HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU"

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết S-26/2 ngày 27/6/2001).

1. Chúng tôi, vì lý do cấp bách, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, nhóm họp tại Liên Hợp Quốc, từ ngày 25 đến ngày 27/6/2001, để tham dự Khóa họp đặc biệt thứ 26 của Đại Hội đồng được tổ chức theo Nghị quyết 55/13 ngày 03/11/2000 để đánh giá lại và giải quyết đại dịch HIV/AIDS dưới mọi khía cạnh của nó, cũng như để đảm bảo một cam kết toàn cầu nhằm thúc đẩy sự phối hợp và tăng cường các nỗ lực quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm chống lại đại dịch này theo một phương thức toàn diện;

2. Quan ngại sâu sắc rằng căn bệnh HIV/AIDS phổ biến trên phạm vi toàn cầu, qua tác động và quy mô tàn phá của nó, là một vấn đề cấp bách toàn cầu và là một trong những thách thức khó khăn nhất đối với cuộc sống và nhân phẩm, cũng như cho việc thụ hưởng hiệu quả các quyền con người. Tác động của nó làm hạn chế sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến tất cả các cấp trong xã hội, quốc gia, cộng đồng, gia đình và cá nhân;

3. Lưu ý với sự quan ngại sâu sắc rằng đến cuối năm 2000, có 36,1 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với HIV/AIDS, trong đó 90% ở các nước đang phát triển và 75% ở tiểu vùng Sahara của châu Phi;

4. Lưu ý với sự quan ngại sâu sắc rằng tất cả mọi người, giàu và nghèo, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay chủng tộc, đều có thể bị ảnh hưởng bởi căn bệnh HIV/AIDS; lưu ý thêm rằng người dân ở các nước đang phát triển là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất và rằng phụ nữ, thanh niên và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, là những người phải chịu nhiều rủi ro nhất;

5. Đồng thời quan ngại rằng tình trạng lây lan HIV/AIDS đang tiếp tục diễn ra hiện nay sẽ cấu thành một trở ngại nghiêm trọng đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển toàn cầu mà chúng ta đã thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc;

6. Nhắc lại và khẳng định lại những cam kết trước đây của chúng ta về HIV/AIDS được đưa ra trong:

1. Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, ngày 08/9/2000;

2. Tuyên bố chính trị và các sáng kiến và hành động tiếp theo nhằm thực hiện các cam kết được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội, ngày 01/7/2000;

3. Tuyên bố chính trị và các sáng kiến và hành động tiếp theo nhằm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, ngày 10/6/2000;

4. Những hành động then chốt để tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, ngày 02/7/1999;

5. Lời kêu gọi hành động của khu vực nhằm chống lại HIV/AIDS ở châu Á và Thái Bình Dương, ngày 25/4/2001;

6. Tuyên bố và Khuôn khổ hành động Abuja cho cuộc chiến chống HIV/AIDS, bệnh lao phổi và các bệnh truyền nhiễm liên quan khác ở châu Phi, ngày 27/4/2001;

7. Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của các nguyên thủ quốc gia châu Mỹ - Vùng Ibero, ngày 18/11/2000;

8. Chương trình đối tác vùng lòng chảo Ca-ri-bê chống HIV/AIDS, ngày 14/02/2001;

9. Chương trình Hành động của Liên minh châu Âu: Tăng cường hành động về HIV/AIDS, bệnh sốt rét và bệnh lao phổi trong bối cảnh giảm nghèo, ngày 14/5/2001;

10. Tuyên bố khu vực Biển Ban-tích về Phòng chống HIV/AIDS, ngày 04/5/2000;

11. Tuyên bố Trung Á về HIV/AIDS, ngày 18/5/2001;

7. Tin tưởng vào sự cần thiết phải hành động cấp bách, có điều phối và bền vững đối với đại dịch HIV/AIDS. Hành động đó sẽ dựa trên kinh nghiệm và những bài học thu được trong 20 năm qua;

8. Lưu ý với sự quan ngại sâu sắc rằng châu Phi, đặc biệt là tiểu vùng Sahara của châu Phi, hiện là khu vực bị ảnh hưởng xấu nhất. Ở khu vực này, HIV/AIDS được xem là một tình trạng khẩn cấp, đe dọa sự phát triển, sự gắn kết xã hội, ổn định chính trị, an ninh lương thực và tuổi thọ con người, trở thành một gánh nặng đang tiếp tục tàn phá nền kinh tế, và rằng tình hình nghiêm trọng như vậy ở lục địa này đòi hỏi phải có hành động cấp bách và ngoại lệ ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế;

9. Hoan nghênh những cam kết của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Abuja tháng 4/2001, đặc biệt là cam kết của họ đặt mục tiêu phân bổ ít nhất 15% ngân sách quốc gia hàng năm vào việc nâng cấp ngành y tế nhằm giúp giải quyết đại dịch HIV/AIDS; và ghi nhận rằng hành động để các quốc gia bị hạn chế về nguồn lực đạt được mục tiêu này sẽ cần phải được bổ trợ thông qua việc tăng cường viện trợ quốc tế;

10. Cũng ghi nhận rằng các khu vực khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đối diện với những mối đe dọa tương tự, đặc biệt là khu vực Ca-ri-bê, với tỷ lệ nhiễm HIV cao thứ hai sau tiểu vùng Sahara của châu Phi, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 7,5 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS, khu vực Mỹ Latinh với 1,5 triệu người sống chung với HIV/AIDS và khu vực Trung và Đông Âu với tỷ lệ nhiễm tăng rất nhanh; và rằng khả năng lây lan và tác động của đại dịch này là rất nhanh trên toàn thế giới nếu không thực hiện các biện pháp cụ thể;

11. Ghi nhận rằng đói nghèo, kém phát triển và mù chữ nằm trong số những nhân tố chính góp phần vào sự lây lan của HIV/AIDS, và lưu ý với sự quan ngại sâu sắc rằng HIV/AIDS đang gây ra đói nghèo và hiện đang đảo ngược lại hoặc ngăn cản sự phát triển ở nhiều quốc gia, và vì vậy cần phải được giải quyết theo một phương thức tổng hợp;

12. Lưu ý rằng các cuộc xung đột vũ trang và thảm họa thiên nhiên cũng làm gia tăng sự lây lan của đại dịch này;

13. Lưu ý thêm rằng sự miệt thị, sự bỏ mặc, phân biệt đối xử và khước từ, cũng như thiếu bảo mật, đều làm hạn chế những nỗ lực phòng chống, chăm sóc và điều trị, đồng thời làm gia tăng tác động của đại dịch này đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và dân tộc, và vì vậy những điều này cũng cần phải được xử lý;

14. Nhấn mạnh rằng bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là những yếu tố căn bản trong việc làm giảm nguy cơ rủi ro cho phụ nữ và trẻ em gái trước HIV/AIDS;

15. Ghi nhận rằng có thuốc điều trị trong bối cảnh đại dịch như HIV/AIDS là một trong những yếu tố căn bản để không ngừng hiện thực hóa triệt để quyền của mọi người được thụ hưởng chuẩn mực cao nhất có thể đạt được về sức khỏe thể chất và tinh thần;

16. Ghi nhận rằng hiện thực hóa triệt để các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người là một yếu tố cần thiết trong hành động toàn cầu đối với đại dịch HIV/AIDS, bao gồm cả những vấn đề phòng chống, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị, và rằng nó làm giảm nguy cơ rủi ro trước HIV/AIDS và ngăn chặn sự miệt thị và phân biệt đối xử đối với những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;

[...]