Các Hướng dẫn quốc tế về HIV/AIDS và quyền con người, 1996

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 25/09/2006
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

CÁC HƯỚNG DẪN QUỐC TẾ

VỀ HIV/AIDS VÀ QUYỀN CON NGƯỜI, 1996

(Được thông qua tại Hội nghị tư vấn quốc tế lần thứ hai về HIV/AIDS và quyền con người, do Cao ủy Liên Hợp Quốc / Trung tâm Quyền con người và Chương trình về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đồng tổ chức ở Geneva trong các ngày 23-25/9/1996).

LỜI NÓI ĐẦU

Văn kiện này bao gồm những hướng dẫn được thông qua tại Hội nghị tư vấn quốc tế lần thứ hai về HIV/AIDS và quyền con người, do Cao ủy Liên Hợp Quốc/Trung tâm Quyền con người và Chương trình về HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đồng tổ chức ở Geneva trong các ngày 23-25/9/1996, nhằm hỗ trợ các quốc gia xác lập một cách ứng xử với HIV/AIDS mang tính tích cực và dựa trên quyền, điều mà sẽ tạo hiệu quả trong việc giảm thiểu sự lây truyền và ảnh hưởng của đại dịch, trong khi vẫn bảo đảm sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người.

Việc soạn thảo các Hướng dẫn về HIV/AIDS và quyền con người lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị tư vấn quốc tế về AIDS và quyền con người do Trung tâm Quyền con người của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đồng phối hợp tổ chức vào năm 1989. Ủy ban Quyền con người của Liên Hợp Quốc và Tiểu ban chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số sau đó nhiều lần nhắc lại sự cần thiết phải xây dựng Hướng dẫn này. Cộng đồng quốc tế ngày càng thừa nhận sự cần thiết phải cụ thể hóa những nguyên tắc hiện hành về quyền con người để áp dụng vào bối cảnh HIV/AIDS, và xác định những hành động cụ thể mà các quốc gia phải tiến hành để bảo vệ quyền con người và y tế công trong bối cảnh HIV/AIDS.

Mục đích của các Hướng dẫn này là hỗ trợ các quốc gia trong việc vận dụng những quy phạm quốc tế về quyền con người vào hoạt động thực tiễn trong bối cảnh HIV/AIDS. Nhằm đạt được mục tiêu đó, văn kiện này được chia thành hai phần: phần thứ nhất xác định những nguyên tắc cơ bản về quyền con người làm nền tảng cho cách ứng xử tích cực trong bối cảnh HIV/AIDS; phần thứ hai đưa ra các biện pháp mang tính định hướng hành động mà các chính phủ cần thực hiện trong các lĩnh vực pháp luật, chính sách và thực tiễn quản lý hành chính nhằm bảo vệ các quyền con người và đạt được các mục tiêu về bảo vệ y tế công liên quan tới HIV/AIDS.

Hướng dẫn thừa nhận rằng các quốc gia ứng xử với HIV/AIDS bằng những giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, những truyền thống và tập tục - một sự đa dạng cần được tôn vinh như một nguồn lực giàu có để tạo nên sự đối phó có hiệu quả với đại dịch. Để đạt được lợi ích từ sự đa dạng đó, tiến trình tư vấn và hợp tác mang tính cùng tham gia đã được áp dụng khi soạn thảo văn kiện này; vì vậy, các Hướng dẫn phản ánh được những trải nghiệm của những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch HIV/AIDS, nêu lên được những nhu cầu có liên quan và những triển vọng hợp tác khu vực trong lĩnh vực này. Hơn thế, các Hướng dẫn xác nhận rằng, có thể và cần thiết phải tạo ra những ứng xử đa dạng với đại dịch, trong khuôn khổ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người đã được thừa nhận một cách phổ biến.

Dự kiến những chủ thể chủ yếu sử dụng Hướng dẫn này sẽ là các nhà nước, những nhà lập pháp, nhà hoạch định chính sách của chính phủ, bao gồm các quan chức tham gia những chương trình phòng chống AIDS quốc gia và quan chức của các bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Phúc lợi Xã hội và Bộ Giáo dục. Những đối tượng hưởng lợi khác sẽ là các tổ chức liên chính phủ (IGOs), các tổ chức phi chính phủ (NGOs), mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS (PLHAs), các tổ chức dựa trên cộng đồng, mạng lưới các tổ chức hoạt động trên các lĩnh vực đạo đức, luật, quyền con người và dịch vụ HIV/AIDS (ASOs). Số người sử dụng các Hướng dẫn này càng lớn sẽ càng làm tăng tác động của nó và biến nội dung các hướng dẫn trở thành hiện thực.

Các Hướng dẫn này đề cập đến nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, trong đó một số điều có thể phù hợp với một nước này mà có thể không phù hợp với một số nước khác. Với lý do đó, rất cần thiết có những nhà phê bình ở cấp độ quốc gia hay cộng đồng xem xét các Hướng dẫn này theo một quy trình đối thoại rộng rãi với những người có ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với những vấn đề được đưa ra trong văn kiện. Quy trình tư vấn này sẽ tạo điều kiện cho các chính phủ và các cộng đồng vận dụng các Hướng dẫn phù hợp với tình hình cụ thể của nước mình, xem xét các vấn đề ưu tiên được đưa ra trong các các Hướng dẫn và xác lập những biện pháp có hiệu quả nhằm thực hiện các Hướng dẫn trong bối cảnh riêng của nước mình.

Trong khi thực hiện các Hướng dẫn này, cần lưu ý rằng việc đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề mang tính kinh tế, xã hội, văn hóa hay nhân đạo, hay trong việc tăng cường và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người là một trong những mục tiêu chủ yếu của Liên Hợp Quốc. Theo nghĩa này, hợp tác quốc tế, trong đó bao gồm những trợ giúp về kỹ thuật, tài chính, là nhiệm vụ của các quốc gia trong bối cảnh đại dịch HIV/AIDS và các quốc gia phát triển cần hành động trên tinh thần đoàn kết, thông qua việc giúp đỡ các quốc gia đang phát triển thực hiện những yêu cầu nêu ra trong các Hướng dẫn này.

I. CÁC NGHĨA VỤ QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI VÀ HIV/AIDS

Giới thiệu: HIV/AIDS, quyền con người và y tế công

Kinh nghiệm thu được trong những năm chống chọi với đại dịch HIV/AIDS cho phép khẳng định rằng, việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người là một yếu tố cấu thành trong việc phòng chống sự lây truyền của HIV, cũng như trong việc giảm thiểu những hậu quả của HIV/AIDS. Việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người là cần thiết để bảo vệ nhân phẩm của những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong khi vẫn đạt được những mục tiêu về y tế công mà liên quan đến việc làm giảm tính dễ bị tổn thương của việc lây nhiễm HIV, giảm thiểu tác động tiêu cực của HIV/AIDS với những người bị ảnh hưởng và trao quyền cho các cá nhân và cộng đồng đang đấu tranh chống đại dịch.

Nhìn chung, các quyền con người và y tế công có cùng một mục tiêu là thúc đẩy và bảo vệ các quyền và phúc lợi của tất cả mọi người. Từ góc độ quyền con người, mục tiêu này có thể đạt được một cách tốt nhất bằng cách thúc đẩy và bảo vệ các quyền và nhân phẩm của tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị phân biệt đối xử hoặc bị xâm phạm các quyền. Tương tự, các mục tiêu về y tế công có thể được thực hiện một cách tốt nhất bằng việc thúc đẩy sức khỏe của tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trước những mối đe dọa về thể chất, tâm thần và phúc lợi xã hội. Do đó, y tế công và quyền con người bổ sung và củng cố cho nhau trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong bối cảnh HIV/AIDS.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy tính phụ thuộc lẫn nhau của các quyền con người và y tế công khi chứng minh rằng những chương trình phòng chống HIV mang tính cưỡng bức và trừng phạt đều dẫn tới kết quả làm giảm sự tham gia và làm tăng sự xa lánh xã hội của những người có nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt, những người này sẽ không tìm đến các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ liên quan đến HIV nếu họ thấy các dịch vụ đó khiến họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, hay thiếu sự bảo mật thông tin hoặc gây ra những hậu quả tiêu cực khác. Bởi vậy, các biện pháp y tế công mang tính cưỡng bức thực chất đã khiến những người có nhu cầu nhiều nhất về những dịch vụ y tế liên quan đến HIV xa lánh các dịch vụ này và do đó, các biện pháp này đã thất bại trong việc đạt được các mục tiêu phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua thay đổi hành vi, chăm sóc và hỗ trợ về mặt y tế.

Thực tế cũng cho thấy rõ một khía cạnh khác về tính liên kết giữa việc bảo vệ các quyền con người và tính hiệu quả của các chương trình về HIV/AIDS, đó là phạm vi ảnh hưởng hoặc sự lây truyền của HIV/AIDS giữa các nhóm xã hội là không đồng đều. Phụ thuộc vào tính chất của đại dịch và tình hình kinh tế, xã hội, pháp lý ở từng quốc gia, các nhóm có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm phụ nữ, trẻ em, những người nghèo, các nhóm thiểu số, bản địa, những người nhập cư, người tỵ nạn, người di tản, những người khuyết tật, người bị giam giữ, người làm mại dâm, người đồng tính luyến ái nam, người sử dụng ma túy - tức là những nhóm đồng thời cũng không được hưởng sự bảo vệ đầy đủ về các quyền con người, phải chịu đựng sự phân biệt đối xử và/hoặc bị đặt ra ngoài lề sự phát triển của xã hội bởi vị thế pháp lý của họ. Thiếu sự bảo vệ đầy đủ về quyền con người tước đi của những nhóm này khả năng phòng chống sự lây nhiễm và khả năng đối phó với HIV/AIDS, khi mà họ đã bị lây nhiễm.

Ngoài ra, có một sự thống nhất quan điểm ngày càng cao ở phạm vi quốc tế đó là, cách tiếp cận tổng hợp mà huy động sự tham gia rộng rãi của những người sống chung với HIV/AIDS vào tất cả các vấn đề có liên quan là đặc trưng chính của các chương trình phòng chống đại dịch thành công. Một cấu thành quan trọng khác trong cách tiếp cận toàn diện đó là sự tạo lập và hỗ trợ một môi trường đạo đức, pháp lý thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền con người. Điều này đòi hỏi phải có những biện pháp nhằm bảo đảm rằng các chính phủ, các cộng đồng và cá nhân sẽ tôn trọng các quyền và nhân phẩm của con người, và phải hành động theo tinh thần khoan dung, tình thương, và đoàn kết.

Một bài học cốt yếu rút ra từ hoạt động phòng chống HIV/AIDS đó là các chuẩn mực về quyền con người đã được thừa nhận trên toàn cầu cần phải trở thành các nguyên tắc hướng dẫn của những nhà lập pháp khi soạn thảo các chính sách và đường lối liên quan đến HIV, cũng như phải trở thành một phần không thể thiếu trong nội dung của mọi hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cấp độ quốc gia và địa phương.

A. Các chuẩn mực về quyền con người và bản chất của các nghĩa vụ quốc gia.

Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, được thông qua tại Hội nghị Thế giới về Quyền con người lần thứ hai tổ chức vào tháng 6/1993, đã tái khẳng định rằng tất cả các quyền con người là phổ biến, không thể chia tách, phụ thuộc và liên kết với nhau. Trong khi cần lưu ý đến tầm quan trọng của tính đặc thù khu vực và quốc gia và những nền tảng tôn giáo, văn hóa, lịch sử khác nhau, các nhà nước, bất kể theo hệ thống văn hóa, kinh tế hay chính trị nào, đều có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do của con người đã được thừa nhận trên toàn cầu, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.

Bởi vậy, một cách tiếp cận với HIV/AIDS dựa trên quyền con người phải dựa trên những nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo vệ các quyền con người. HIV/AIDS cho thấy tính chất không thể chia tách của các quyền con người, bởi lẽ sự thừa nhận các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như các quyền dân sự, chính trị là yếu tố thiết yếu để đảm bảo sự phản ứng có hiệu quả với đại dịch. Ngoài ra, một cách tiếp cận với HIV/AIDS dựa trên quyền là nền tảng trong tư tưởng về nhân phẩm và sự bình đẳng của con người mà có thể tìm thấy trong tất cả các truyền thống và các nền văn hóa.

Các nguyên tắc chủ yếu về quyền con người mà đóng vai trò thiết yếu cho hành động đối phó có hiệu quả của các quốc gia với HIV/AIDS có thể viện dẫn trong nhiều văn kiện quốc tế trên lĩnh vực này, chẳng hạn như trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả những hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt, đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; và Công ước về quyền trẻ em. Nhiều văn kiện khu vực, chẳng hạn như Công ước châu Mỹ về quyền con người; Công ước châu Âu về bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người; Hiến chương châu Phi về quyền của các dân tộc và của con người cũng bao gồm các nghĩa vụ quốc gia có thể áp dụng trong bối cảnh HIV/AIDS. Thêm vào đó, một số công ước và khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đặc biệt liên quan đến vấn đề HIV/AIDS, chẳng hạn như các văn kiện của ILO về chống phân biệt đối xử trong lao động, việc làm, cho thôi việc, bảo vệ sự riêng tư, sự an toàn và sức khỏe của người lao động ở nơi làm việc.

Dưới đây là một số trong những nguyên tắc về quyền con người liên quan đến vấn đề HIV/AIDS:

1.        Quyền không bị phân biệt đối xử, được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.

2.        Quyền được sống;

3.        Quyền được đạt tới chuẩn mực cao nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần;

4.        Quyền được tự do và an toàn cá nhân;

5.        Quyền tự do đi lại;

6.        Quyền được tìm kiếm và được cho lánh nạn;

[...]