Công ước về chống phân biệt đối xử trong giáo dục, 1960

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 14/12/1960
Ngày có hiệu lực 22/05/1962
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành ***
Người ký ***
Lĩnh vực Giáo dục

CÔNG ƯỚC

VỀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ TRONG GIÁO DỤC, 1960

(Được Đại hội đồng Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 11, ngày 14/12/1960. Có hiệu lực ngày 22/5/1962)

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc họp tại Pa-ri từ ngày 14/11 đến ngày /1960, kỳ họp thứ 11,

Nhắc lại rằng, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người đã khẳng định nguyên tắc không phân biệt đối xử và mọi người đều có quyền được giáo dục,

Xét rằng, phân biệt đối xử trong giáo dục là một hành vi vi phạm các quyền được ghi nhận trong Tuyên ngôn đó,

Xét rằng, theo các quy định tại Điều lệ của tổ chức, Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc có mục đích thể chế hóa sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tôn trọng các quyền con người và sự bình đẳng về cơ hội giáo dục trên phạm vi toàn cầu,

Công nhận rằng, với tôn chỉ và mục đích của mình, Tổ chức văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên Hợp Quốc, trong khi tôn trọng sự đa dạng của các hệ thống giáo dục quốc gia, không chỉ có nghĩa vụ xoá bỏ bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào trong giáo dục, mà còn có nghĩa vụ thúc đẩy sự đối xử bình đẳng và cơ hội ngang nhau trong giáo dục đối với mọi người,

Xem xét những kiến nghị về các khía cạnh khác nhau của sự phân biệt đối xử trong giáo dục, tập hợp thành mục 17.1.4 trong chương trình nghị sự của kỳ họp,

Đã quyết định tại kỳ họp thứ 10 rằng vấn đề này cần được coi là chủ đề của một công ước quốc tế cũng như của các khuyến nghị với các quốc gia thành viên,

Thông qua Công ước này vào ngày 14/2/1960.

Điều 1.

1. Trong phạm vi của Công ước này, thuật ngữ “phân biệt đối xử” bao gồm bất kỳ sự phân biệt, bài trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, điều kiện kinh tế hoặc dòng dõi, có mục đích hoặc tác động làm vô hiệu hoá hay gây tổn hại đến việc đối xử bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt là:

a. Tước đoạt của một người hoặc nhóm người quyền được tiếp cận giáo dục dưới bất kỳ hình thức hay ở bất kỳ cấp độ nào;

b. Hạn chế chuẩn mực giáo dục thấp kém đối với một người hoặc một nhóm người;

c. Thành lập hoặc duy trì các hệ thống hoặc cơ sở giáo dục riêng rẽ, khác nhau cho các cá nhân, hoặc nhóm người, trừ trường hợp áp dụng các quy định tại điều 2 Công ước này;

d. Áp đặt với một người hoặc nhóm người những điều kiện trái với nhân phẩm con người.

2. Trong phạm vi Công ước này, thuật ngữ giáo dục đề cập đến mọi hình thức và cấp độ giáo dục, trong đó có quyền được tiếp cận giáo dục, chuẩn mực và chất lượng giáo dục, và những điều kiện thực hiện giáo dục.

Điều 2.

Khi được phép tại một quốc gia, những trường hợp dưới đây sẽ không bị coi là cấu thành sự phân biệt đối xử, theo định nghĩa tại điều 1 Công ước này:

a. Thành lập hoặc duy trì các hệ thống hoặc cơ sở giáo dục riêng cho học sinh cả hai giới, nếu những hệ thống hoặc cơ sở này tạo cơ hội tiếp cận giáo dục tương đương, cung cấp đội ngũ giảng dạy có chuẩn mực trình độ cũng như cơ sở vật chất trường học có chất lượng như nhau, và đáp ứng cơ hội để tham gia những môn học như nhau hoặc tương đương;

b. Thành lập hoặc duy trì, vì lý do tôn giáo hoặc ngôn ngữ, các hệ thống hoặc cơ sở giáo dục riêng, thực hiện một chế độ giáo dục phù hợp với nguyện vọng của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh, nếu sự tham gia vào những hệ thống như vậy hoặc đi học tại những cơ sở như vậy là không bắt buộc, và nếu chế độ giáo dục đó phù hợp với những chuẩn mực do các cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định hoặc thông qua đặc, biệt với chế độ giáo dục cùng cấp;

c. Thành lập hoặc duy trì các cơ sở giáo dục tư, nếu mục đích của những cơ sở này không nhằm loại trừ bất kỳ nhóm nào, mà nhằm cung cấp các loại hình giáo dục bổ sung cho loại hình giáo dục công, nếu các cơ sở này được tổ chức phù hợp với mục đích đó, và nếu chế độ giáo dục mà các cơ sở này cung cấp đó phù hợp với những chuẩn mực như đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định hoặc thông qua, đặc biệt đối với chế độ giáo dục cùng cấp;

Điều 3.

Để xoá bỏ và ngăn chặn sự phân biệt đối xử theo định nghĩa tại Công ước này, các quốc gia thành viên cam kết :

(a) Xoá bỏ mọi quy định pháp luật và hành chính, chấm dứt mọi hoạt động mang tính chất hành chính thể hiện phân biệt đối xử trong giáo dục;

(b) Bảo đảm bằng pháp luật trong trường hợp cần thiết, rằng không có sự phân biệt đối xử nào trong việc nhận học sinh vào các cơ sở giáo dục;

c) Không cho phép các cơ quan chính quyền có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa các công dân thuộc các dân tộc khác, trừ trường hợp dựa trên thành tích hoặc nhu cầu, trong vấn đề học phí và cấp học bổng hoặc các hình thức hỗ trợ khác cho học sinh và những giấy phép và điều kiện cần thiết cho việc đi học ở nước ngoài;

d) Không cho phép sự trợ giúp dưới mọi hình thức của chính quyền dành cho các cơ sở giáo dục, hay bất kỳ sự hạn chế hay ưu đãi nào chỉ dựa trên lý do học sinh thuộc một nhóm đặc biệt;

e) Cho phép các công dân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia khác quyền được tiếp cận giáo dục ngang bằng với các công dân của họ.

[...]