Thông tư liên tịch 21-LB/TT năm 1994 hướng dẫn chế độ bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc do Bộ Lao động, thương binh và xã hội - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 21-LB/TT
Ngày ban hành 18/06/1994
Ngày có hiệu lực 01/01/1994
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,Bộ Tài chính
Người ký Lê Duy Đồng,Tào Hữu Phùng
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-LB/TT

Hà Nội , ngày 18 tháng 6 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - TÀI CHÍNH SỐ 21-LB/TT NGÀY 18-6-1994 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI THEO HÌNH THỨC BẮT BUỘC

Thi hành Nghị định số 43-CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; sau khi có ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan có liên quan, liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc như sau:

A- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Đối tượng bắt buộc áp dụng đủ 5 chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại điểm 1, Điều 2 Nghị định số 43-CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ gồm:

I- CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

1- Cán bộ giữ chức vụ dân cử, bầu cử trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

2- Công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;

3- Cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể, các Hội từ Trung ương đến cấp huyện;

4- Công chức, viên chức Nhà nước biệt phái làm việc ở xã, phường, ở các Hội, các dự án, các tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

II- CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC TỔ CHỨC KHÁC

1- Công nhân, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước kể cả các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Đảng, đoàn thể, các Hội;

2- Công nhân, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp kinh tế;

3- Người lao động làm việc hưởng tiền lương hoặc tiền công ở những đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

4- Người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt, tổ chức liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan ngoại giao, đại diện tổ chức quốc tế và tổ chức khác của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các đối tượng quy định trong phần A này bao gồm cả những người được cử đi học, thực tập, công tác, điều dưỡng trong và ngoài nước v.v...

B- CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

I- CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ỐM ĐAU

1- Điều kiện được hưởng trợ cấp:

Người lao động nghỉ việc vì ốm đau, tai nạn rủi ro; lao động nữ có con thứ nhất, thứ hai (kể cả con nuôi hợp pháp), hoặc trường hợp đặc biệt có con thứ 3 theo Quyết định số 162-HĐBT ngày 18-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) dưới 72 tháng tuổi bị ốm đau có giấy xác nhận của y tế cơ quan, đơn vị, y tế xã, phường, bệnh viện hoặc cơ sở khám, chữa bệnh thuộc ngành y tế quản lý.

Trường hợp người mẹ bị chết; bị tàn tật nặng; bị tâm thần; ốm đau dài ngày; đi công tác; hoặc bố, mẹ đã ly hôn (con ở với bố) thì người bố được nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội để chăm sóc con ốm đau.

Đối với những trường hợp nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do đánh nhau, do say rượu, do dùng chất ma tuý thì không được hưởng trợ cấp ốm đau.

2- Thời gian người lao động nghỉ việc được hưởng trợ cấp ốm đau thay tiền lương:

a) Đối với người làm việc trong điều kiện bình thường:

- 30 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

- 45 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên.

b) Đối với người làm việc trong các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại (danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại áp dụng theo quy định của Nhà nước):

- 40 ngày trong 1 năm, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;

[...]