Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 15/LĐTBXH-TT năm 1993 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 15/LĐTBXH-TT
Ngày ban hành 02/06/1993
Ngày có hiệu lực 01/04/1993
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Trần Đình Hoan
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/LĐTBXH-TT

Hà Nội, ngày 02 tháng 6 năm 1993

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HÔI SỐ 15/LĐTBXH-TT NGÀY 2 THÁNG 6 NĂM 1993 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP KHU VỰC

Thi hành Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp; sau khi có sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại Công văn số 973 TC/CĐTC ngày 27 tháng 5 năm 1993; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp khu vực như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Phụ cấp khu vực nhằm bù đắp cho công nhân, viên chức, công chức làm việc ở những vùng có điều kiện khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn và nhằm góp phần ổn định lao động những vùng có địa lý tự nhiên không thuận lợi.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

Phụ cấp khu vực áp dụng đối với các đối tượng hưởng lương, hưởng trợ cấp hàng tháng có tính chất lương, bao gồm:

- Cán bộ giữ chức vụ bầu cử Nhà nước, Đảng, đoàn thể;

- Công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, kể cả lao động hợp đồng;

- Cán bộ, công nhân viên làm việc trong cơ quan Đảng, đoàn thể;

- Công nhân, viên chức trong các doanh nghiệp;

- Sĩ quan và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang;

- Những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương; thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương.

III. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH VÀ CÁCH TRẢ PHỤ CẤP KHU VỰC

A. NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH PHỤ CẤP KHU VỰC

1. Phụ cấp khu vực được xác định theo các yếu tố sau:

- Yếu tố địa lý tự nhiên như: khí hậu xấu thực hiện ở mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ (cao hoặc thấp so với nhiệt độ bình thường), độ ẩm, tốc độ gió ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

- Xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần.

2. Phụ cấp khu vực được quy định theo địa giới hành chính xã, huyện.

3. Khi các yếu tố dùng xác định phụ cấp thay đổi, phụ cấp khu vực được xác định lại.

B. MỨC PHỤ CẤP KHU VỰC

Phụ cấp khu vực được quy định gồm 7 mức so với mức lương tối thiểu:

Mức

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện từ 1/4/1993

1

0,10

7.200 đ

2

0,20

14.400 đ

3

0,30

21.600 đ

4

0,40

28.800 đ

5

0,50

36.000 đ

6

0,70

50.400 đ

7

1.00

72.000 đ

Căn cứ vào mức phụ cấp khu vực trên, nay quy định mức phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị theo phụ lục đính kèm theo Thông tư này.

C. CÁCH TRẢ PHỤ CẤP KHU VỰC

1. Phụ cấp khu vực được trả theo nơi làm việc đối với người tại chức, nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp có tính chất lương.

2. Phụ cấp khu vực được tính trả cùng kỳ lương, trợ cấp hàng tháng.

Đối với các đối tượng hưởng lương và trợ cấp thay lương từ ngân sách Nhà nước, phụ cấp khu vực do ngân sách Nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với doanh nghiệp, phụ cấp khu vực được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.

[...]