Thông tư 73/2000/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2001 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 73/2000/TT-BTC
Ngày ban hành 19/07/2000
Ngày có hiệu lực 03/08/2000
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:73/2000/TT-BTC 

Hà Nội,ngày 19 tháng07 năm 2000

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 73/2000/TT-BTC  NGÀY 19 THÁNG 07 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2001

Thực hiện Chỉ thị số 13/2000/CT-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2001; Bộ Tài chính hướng dẫn công tác đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2000 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2001 như sau:

A- TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2000:

I/ TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH 6 THÁNG CUỐI  NĂM 2000:

Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2000 cho thấy: Tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiêu thụ khá, hàng hoá tồn kho giảm. Thu NSNN (thu nội địa) đạt 50,9% so dự toán năm, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 1999.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn chưa vững chắc, giá cả thị trường tiếp tục giảm, nhất là giá hàng nông sản ảnh hưởng đến tiêu thụ và lưu thông hàng hoá. Thu ngân sách nhà nước ở một số lĩnh vực đạt thấp hơn so cùng kỳ năm trước và chưa theo kịp tốc độ hồi phục của nền kinh tế. Công tác triển khai dự toán chi ngân sách ở một số Bộ và địa phương còn chậm, khối lượng thực hiện các công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch năm 2000 đạt thấp, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp tục giảm, một số chương trình mục tiêu triển khai rất chậm; chi NSNN mới đạt 43,7% dự toán năm; trong đó chi đầu tư XDCB chỉ đạt 37,4%. Việc triển khai chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao diễn ra còn chậm.

Từ tình hình nêu trên, yêu cầu các Bộ và các địa phương căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách đã được Chính phủ giao cả năm, trong 6 tháng cuối năm 2000 tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu sau:

1/ Về thu NSNN:

- Tăng cuờng chỉ đạo các hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nhất là hàng nông sản, hàng xuất khẩu tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu nộp ngân sách nhà nước năm 2000.

- Tập trung khai thác hết nguồn thu, không bỏ sót, không để thất thu. Tập trung vào những nguồn thu có thể khai thác tăng thu, như: thuế nhà đất, phí và lệ phí, thuế thu nhập, khu vực thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, v.v... đồng thời xử lý dứt điểm công tác quyết toán thuế và kiểm tra quyết toán năm 1999, thu ngay các khoản tồn đọng các năm trước chuyển sang theo quyết toán thuế.

- Hướng dẫn doanh nghiệp trong công tác kế toán ghi chép hóa đơn, sử dụng hóa đơn, quản lý hóa đơn tránh sai sót, chống hóa đơn giả. Nâng dần tỷ lệ kê khai thuế, mở sổ sách kế toán các đối tượng nộp theo phương pháp trực tiếp. Gắn kiểm tra với hướng dẫn doanh nghiệp làm tốt công tác kế toán, việc kê khai lập tờ khai thuế. Giúp đỡ, đôn đốc doanh nghiệp kê khai thuế đúng qui định của Luật.

- Tiếp tục triển khai chủ trương công khai các quy trình: kê khai, thông báo mức thuế phải nộp, miễn giảm thuế, hoàn thuế để mọi đối tượng nộp thuế biết, tạo thuận lợi cho đối tượng nộp thuế giám sát lẫn nhau và giám sát đối với cán bộ quản lý thuế. Thực hiện công tác hoàn thuế kịp thời theo đúng Luật, đảm bảo nhanh gọn và không gây phiền hà cho đối tượng nộp thuế.

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các luật thuế. Tập trung vào việc miễn, giảm thuế; khấu trừ thuế và hoàn thuế GTGT, việc chấp hành chế độ hoá đơn chứng từ, sổ sách kế toán của đối tượng nộp thuế; trong đó đặc biệt chú trọng đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh.

2/ Về chi NSNN:

Công tác điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2000 tập trung thực hiện các biện pháp sau:

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, hoàn thành sớm các thủ tục để có căn cứ thanh toán và cấp phát tạm ứng cho khối lượng đã thực hiện theo quy định, đảm bảo đủ vốn cho những công trình đã đủ thủ tục trong đó chú ý rà soát lại các công trình XDCB đã ghi trong dự toán nhưng không đủ điều kiện thực hiện hoặc xét thấy không hiệu quả thì dừng lại, cho điều chỉnh sang dự án khác có đủ điều kiện triển khai; không để tình trạng vốn chờ công trình. Tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA (như: giải phóng mặt bằng, đơn giản thủ tục hành chính, bố trí đủ vốn đối ứng...).

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cấp phát kinh phí kịp thời đối với các chương trình mục tiêu đã được bố trí trong dự toán đầu năm, đặc biệt là dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình xoá đói giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế -xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Uỷ ban nhân dân các địa phương chỉ đạo và đảm bảo chuyển vốn đầy đủ kịp thời sang Kho bạc Nhà nước để thanh toán.

- Để đảm bảo điều hành ngân sách nhà nước theo đúng dự toán và giữ được mức bội chi ngân sách đã được Quốc hội quyết định, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương chỉ sử dụng dự phòng để xử lý những nhiệm vụ quan trọng mới phát sinh đầu năm chưa bố trí kinh phí và đối phó tình hình thiên tai bão lũ, cứu đói có thể xảy ra... Các Bộ và địa phương chủ động điều hành theo dự toán chi ngân sách đã được Chính phủ giao; không bổ sung ngoài dự toán cho các đơn vị ở cả trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các địa phương phải căn cứ vào khả năng thu ngân sách để điều hành chi ngân sách:

+ Đối với các địa phương có khả năng thu ngân sách vượt dự toán cần sử dụng khoản vượt thu ưu tiên bổ sung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương, cho chương trình bê tông hoá kênh mương nội đồng; các công trình hoàn thành trong năm 2000, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, cải tạo giống cây, giống con; trả nợ vốn vay để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các khoản nợ vay đầu tư XDCB của xã; tăng quỹ dự trữ tài chính; không được bổ sung chi quản lý hành chính; chi mua sắm, sửa chữa những trang thiết bị chưa thực sự cấp thiết.

+ Đối với các địa phương, một số khoản thu có khả năng hụt so với dự toán, cần phải khai thác phấn đấu tăng thu các nguồn có khả năng tăng để đảm bảo đạt dự toán thu đầu năm được giao; đồng thời chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi cho phù hợp với nguồn thu của ngân sách địa phương trên cơ sở đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như chi đầu tư phát triển nông nghiệp - nông thôn, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, đảm bảo xã hội,...

II/ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2000 LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG DỰ TOÁN THU, CHI  NĂM 2001:

1/ Về thu ngân sách nhà nước:

 Căn cứ vào tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, đánh giá kết quả thu năm 2000 trên cơ sở thực hiện các biện pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao tại Quyết định số 91/1999/QĐ-BTC ngày 29/12/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; trong đó tập trung phân tích một số vấn đề sau:

- Xác định rõ số tiền thuế năm 1999 chuyển sang; số đã thu được trong năm 2000; số tồn đọng, nêu rõ nguyên nhân và biện pháp xử lý. Trên cơ sở đó, xác định số phát sinh trong năm 2000; số đã thu được trong năm và dự kiến số phát sinh năm 2000 chuyển sang năm 2001.

- Số thuế giá trị gia tăng phải hoàn phát sinh trong năm 2000; số đã hoàn cho các doanh nghiệp trong năm 2000; dự kiến số phải hoàn của năm 2000 chuyển sang năm 2001.

- Phân tích các nguyên nhân tác động đến kết quả thực hiện thu năm 2000: tình hình thực hiện so với kế hoạch đối với các chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chủ yếu, sản xuất và tiêu thụ, giá thành, giá bán...

[...]