Thông tư 101/1998/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 1999 do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 101/1998/TT-BTC
Ngày ban hành 15/07/1998
Ngày có hiệu lực 30/07/1998
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/1998/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1998

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999

Thực hiện Chỉ thị số 25/1998/CT-TTg ngày 30/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 1999; Bộ Tài chính hướng dẫn đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1998 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1999 như sau:

A. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 1998:

I. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHỮNG THÁNG CÒN LẠI CỦA NĂM 1998:

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 1998 bên cạnh những thuận lợi: kinh tế tăng trưởng; tỷ giá, lãi suất, giá cả được xử lý thận trọng, linh hoạt. Các Bộ, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách được Chính phủ giao ngay từ đầu năm; thu ngân sách ở một số lĩnh vực đạt kết quả khá (thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập,...), chi ngân sách cơ bản đã đáp ứng kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đã có những tiến độ đáng kể trong quá trình triển khai thực hiện Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Nhưng 6 tháng đầu năm 1998 đã xuất hiện một số khó khăn lớn: sức cạnh tranh và hiệu quả của nhiều doanh nghiệp đã yếu, lại bị sức ép cạnh tranh do sự phá giá đồng tiền của các nước trong khu vực; một số ngành sản xuất - kinh doanh mức sản xuất giảm do thị trường tiêu thụ khó khăn, mức xuất khẩu đạt thấp; hậu quả cơn bão số 5 chưa được khắc phục xong đã xuất hiện nắng nóng, hạn hán kéo dài; đầu tư của khu vực Nhà nước, của doanh nghiệp và của dân cư có khả năng không đạt dự kiến, đầu tư trực tiếp của nước ngoài không chỉ giảm về số lượng dự án mà giảm cả về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so cùng kỳ năm trước và mức dự kiến đầu năm.

Về ngân sách nhà nước: thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt được 43% dự toán, nhưng trong đó lại có nhiều khoản thu tồn đọng của năm trước, số thu do phát sinh từ sản xuất - kinh doanh trong năm đạt thấp; thu ngân sách ở một số lĩnh vực có khả năng không đạt được dự toán, nhiều địa phương trọng điểm thu 6 tháng đạt thấp so dự toán.

Ngân sách nhà nước khó khăn, nhưng tình hình chi ngân sách 6 tháng đầu năm ở nhiều Bộ, địa phương tình trạng lãng phí, kém hiệu quả còn lớn; chi quản lý hành chính, chi tiêu hội nghị, mua sắm,... còn chưa tiết kiệm, vượt quá khả năng của ngân sách; chi đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu đạt thấp so với dự toán do công tác phân giao kế hoạch và triển khai thực hiện còn chậm; chi chương trình mục tiêu còn phân tán, hiệu quả thấp, các cấp chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ những khoản chi chương trình mục tiêu trên địa bàn.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, yêu cầu các Bộ và các địa phương căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách đã được giao cả năm; ngoài các biện pháp đã nêu đầu năm và trong các văn bản nhà nước gần đây, cần tập trung thực hiện các biện pháp điều hành chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 1998 như sau:

Về thu:

Khẩn trương thực hiện các chính sách chế độ khuyến khích, ưu đãi phát triển sản xuất - kinh doanh đã được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính đã hướng dẫn (giảm tiền thuê đất, cấp lại thuế doanh thu đối với những doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, bổ sung nguồn vốn tín dụng ưu đãi,...) nhằm khuyến khích sản xuất - kinh doanh đặc biệt là sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu.

Các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế xuất nhập khẩu, phụ thu các mặt hàng mà giá cả thế giới và trong nước cho phép. Chống thất thu đi đôi với chống buôn lậu.

Đối với khu vực công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh: thực hiện công bố công khai và ổn định mức khoán thu đối với các hội kinh doanh vừa và nhỏ.

Trên cơ sở số liệu quyết toán thuế 1997 thực hiện thu kịp thời các khoản thu còn tồn đọng; thực hiện chỉ đạo kiểm tra thu kịp thời những khoản đã phát sinh hoặc còn tồn đọng qua kiểm tra, thanh tra vào ngân sách nhà nước.

Về chi:

Ngân sách năm 1998 rất khó khăn do bị ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực, nên phải có nguồn lực ở cả Trung ương và địa phương để chủ động đối phó với những tình hình xấu có thể xảy ra, do vậy chủ trương điều hành ngân sách trong 6 tháng cuối năm thực hiện theo hướng:

- Không thông báo bổ sung dự toán cho các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương số đã tạm giữ lại 10% theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉ được dùng nguồn giữ lại này để: xử lý khắc phục hậu quả thiên tai, cứu đói, bổ sung cho các nhu cầu bức bách của sản xuất và an ninh và dành một phần thích đáng để dự phòng cho ngân sách năm sau; không được dùng nguồn giữ lại này để chi quản lý hành chính, hội nghị, tiếp khách, mua sắm, sửa chữa.

- Các Bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương và các đơn vị cần thực hành tiết kiệm, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để đảm bảo kinh phí cho những nhu cầu chi cấp thiết mới phát sinh. Những nhu cầu nhiệm vụ đã có quyết định của các cấp có thẩm quyền, nhưng chưa được bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm đơn vị dự toán phải sắp xếp lại nhiệm vụ chi để đảm bảo kinh phí thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mới phát sinh trong phạm vi dự toán ngân sách đã được giao.

- Do thu ngân sách có khả năng không đạt dự toán và để giữ bội chi ngân sách theo mức Quốc hội cho phép, ngân sách Trung ương sẽ không có nguồn để bổ sung ngoài dự toán cho các Bộ, ngành và địa phương; vì vậy các địa phương phải căn cứ vào khả năng thu để điều hành chi, cụ thể:

+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách địa phương vượt dự toán, số tăng thu này cần ưu tiên bố trí bổ sung vốn cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển, tăng quỹ dự trữ tài chính; không được bố trí bổ sung chi quản lý hành chính, mua sắm sửa chữa những trang thiết bị chưa cấp thiết.

+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách địa phương một số khoản thu có khả năng hụt so với dự toán, cần phải khai thác phấn đấu tăng thu các nguồn có khả năng tăng để đảm bảo đạt dự toán thu đầu năm được giao; đồng thời cần chủ động sắp xếp lại các khoản chi cho phù hợp với nguồn thu của ngân sách địa phương trên cơ sở đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng như nhiệm vụ chi giáo dục - đào tạo và khoa học,...

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1998 LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1999:

Trên cơ sở thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1998 thuộc Bộ, địa phương quản lý làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1999. Đối với một số lĩnh vực cụ thể chủ yếu như sau:

1. Về thu:

Căn cứ vào tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, dự toán thu năm 1998 đã được Chính phủ giao; tiến hành đánh giá khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước cả năm trên cơ sở tình hình thực hiện sản xuất - kinh doanh như: sản lượng sản xuất và tiêu thụ, giá thành và giá bán sản phẩm chủ yếu, những thay đổi về chính sách chế độ tài chính, thuế, những biến động về kinh tế, giá cả, thị trường ảnh hưởng đến nguồn thu để từ đó có những đánh giá chính xác khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, đề xuất thực hiện những giải pháp chủ động, tích cực hơn nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu đã được giao. Đánh giá cụ thể đối với một số lĩnh vực như sau:

1.1. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước:

Đánh giá phân tích đối với từng doanh nghiệp về tình hình vốn - tài sản; biến động tăng giảm về nguyên giá tài sản cố định, số lượng lao động, tiền lương, doanh số, chi phí sản xuất, các định mức kinh tế kỹ thuật, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu, tình hình chấp hành chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ và kết quả tài chính, tích luỹ thực hiện và các khoản nộp ngân sách, những khó khăn và thuận lợi trong năm 1998, những nguồn lực mới đưa vào sản xuất - kinh doanh, khả năng phát triển trong năm 1999 và các năm tới.

[...]