Thông tư 38-TC/NSNN-1996 hướng dẫn xây dựng dự toán Ngân sách Nhà nước năm 1997 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 38-TC/NSNN
Ngày ban hành 18/07/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38-TC/NSNN

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1996

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 38 TC/NSNN NGÀY 18 THÁNG 7 NĂM 1996 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1997

Thực hiện Chỉ thị số 442/TTg ngày 3/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 1997, Bộ Tài chính hướng dẫn việc đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 1996 và xây dựng, tổng hợp dự toán năm 1997 như sau:

A- TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1996:

Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 1996, nhìn chung đạt kết quả khá: Sản xuất, lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và phát triển theo chiều hướng tích cực; lạm phát được kiểm chế; nhiều mặt xã hội có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, còn nổi lên một số khó khăn tồn tại là: Thu ngân sách tuy có tiền bộ nhưng nhiều khoản thu còn đạt thấp so với dự toán đầu năm như thu thuế xuất, nhập khẩu, thu cấp quyền sử dụng đất, thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh; tình hình thất thu, trốn thuế, buôn lậu chưa được ngăn chặn có hiệu quả; triển khai kế hoạch xây dựng cơ bản chậm; sản lượng sản xuất một số sản phẩm đạt thấp so với dự kiến, tồn đọng lớn đã ảnh hưởng đến nhịp độ tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước.

Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách Nhà nước Quốc hội đã thông qua, các Bộ, địa phương căn cứ chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, kế hoạch thu, chi ngân sách nhà nước được giao đầu năm, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; tình hình sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và thu chi ngân sách cả năm 1996 thuộc Bộ, địa phương mình quản lý; đồng thời đề ra các biện pháp chỉ đạo, điều hành trong 6 tháng cuối năm nhằm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch cả năm và làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 1997. Cụ thể:

I- Về thu

1- Đối với các doanh nghiệp nhà nước: Phấn đầu khai thác tối đa năng lực sản xuất, tăng sản lượng, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành tăng khả năng cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ...; quản lý chặt chẽ giá thành và phí lưu thông, chỉ cho phép các doanh nghiệp tăng tỷ lệ trích khấu hao cơ bản với điều kiện đơn vị phải bảo đảm nộp thuế lợi tức cho ngân sách nhà nước không thấp hơn mức thực hiện năm 1995.

2- Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các đơn vị, văn phòng đại diện hoạt động thương mại; Kiểm tra nắm chắc số lượng đơn vị, chú ý đưa vào diện quản lý thu thuế đối với những đơn vị đã hết thời hạn miễn, giảm thuế theo luật định; diện tích đất, vốn và tài sản được giao, trong đó vốn góp trong nước, thời điểm bắt đầu đi vào sản xuất - kinh doanh, sản lượng sản xuất, doanh số kinh doanh, đối tượng phải nộp thuế thu nhập... để tính thu theo đúng Luật định và theo quy định của giấp phép đầu tư.

3- Các địa phương phối hợp với ngành hải quản và thuế kiểm tra chặt chẽ khâu xuất, nhập khẩu (số lượng, giá trị, chủng loại mặt hàng) để tính thuế; tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, trốn thuế, bao gồm cả hàng hoá nhập ngoại đã vào nội địa nhưng không chứng minh được đã nộp đủ thuế nhập khẩu; thực hiện các biện pháp bắt buộc các đơn vị nộp ngay vào ngân sách nhà nước số thuế còn nợ đã quá thời hạn phải nộp.

4- Đối với khu vực tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp tư nhân: Tổ chức kiểm tra giấy phép kinh doanh, địa diểm, ngành nghề kinh doanh, số hộ kinh doanh thực tế và tình hình đăng ký nộp thuế... Thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những hộ kinh doanh không đúng ngành nghề theo giấy phép kinh doanh, những hộ không đăng ký kê khai nộp thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp tư nhân; triển khai thực hiện tổng kiểm tra và điều chỉnh doanh thu để đưa hết số hộ thực tế có kinh doanh vào quản lý và thu thuế, điều chỉnh doanh thu tính thuế sát với giá cả thị trường và quy mô sản xuất - kinh doanh, trên cơ sở đó tính thu thuế theo đúng Luật định, đặc biệt các hộ kinh doanh lớn thuộc các ngành: thương nghiệp dịch vụ nhà hàng, khách sạn, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải...

5- Đối với thuế sử dụng đất nông nghiệp: Căn cứ sổ bộ thuế xác định số phải thu nộp ngân sách nhà nước trong năm để đôn đốc nộp kịp thời cho ngân sách nhà nước. Rà soát nắm lại diện tích đất nông nghiệp, diện tích đã quản lý thu thuế, diện tích đã hết hạn miễn giảm thuế, dự kiến diện tích tăng thêm để quản lý thu. Về giá thóc tính thuế: Các địa phương căn cứ giá cả thị trường và tham khảo giá thóc trong khu vực để xác định giá thóc tình thuế cho phù hợp và sát giá cả thị trường.

6- Đối với các khoản thu từ nhà và đất: Các địa phương tập trung chỉ đạo nắm chắc quỹ đất ở từng xã, phường, có quy hoạch, kế hoạch sử dụng, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, cấp quyền sử dụng đất đúng quy định, phấn đấu thu đạt và vượt mức Quốc hội thông qua để tạo nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng; tính và thu thuế nhà đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng chế độ quy định.

7- Đối với các khoản thu khác của ngân sách nhà nước: Căn cứ phát sinh thực tế thu đầy đủ và thu kịp thời vào ngân sách nhà nước, phân tích và thuyết minh rõ từng khoản thu có tính chất thường xuyên và không thường xuyên giữa các năm để tính dự toán năm 1997.

Qua đánh giá tình hình thực hiện thu nộp ngân sách 6 tháng đầu năm, ước thu ngân sách nhà nước cả năm trên cơ sở những biện pháp phấn đầu tăng thu 6 tháng cuối năm, truy thu hết những khoản thu tồn đọng theo quyết toán năm 1995, tồn đọng 6 tháng đầu năm; thu đầy đủ, kịp thời những khoản thu phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm. Phân tích kết quả thu nộp ngân sách cả năm, tìm ra những nguyên nhân tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 1996 làm cơ sở tính dự toán năm 1997, như: Tình hình sản xuất kinh doanh; tốc độ tăng trưởng kinh tế; biến động cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm; tác động của giá cả; tác động của cơ chế, chính sách; tác động chủ quản của công tác quản lý thu, tình hình chấp hành chế độ thu nộp... Đánh giá kết quả thu ngân sách nhà nước cả năm trên địa bàn phải phân tích rõ kết quả số thu từng sắc thuế đối với từng khu vực kinh tế để làm căn cứ tính toán phân cấp quản lý ngân sách.

II- Về chi

Căn cứ nhiệm vụ cả năm được giao, tiến độ và tình hình thực hiện các nhiệm vụ, trên cơ sở đó ước thực hiện chi ngân sách đảm bảo chi đúng chế độ, đúng nhiệm vụ được giao, hạn chế các khoản chi mua sắm, sửa chữa chưa thật cần thiết, thực hành tiết kiệm để ưu tiên kinh phí cho những nhiệm vụ thiết thực, có hiệu quả. Đánh giá thực hiện phải phân tích kỹ những việc đã làm được, việc chưa làm được, những lĩnh vực còn lãng phí, tìm ra nguyên nhân và biện pháp điều hành thực hiện trong 6 tháng cuối năm và làm cơ sở tính toán dự toán 1997. Trong đó chú ý một số biện pháp:

1. Từ nay đến cuối năm, không giải quyết bổ sung chi ngân sách ngoài kế hoạch, trừ trường hợp thật sự bức bách như phòng chống và khắc phục thiên tại, lũ lụt. Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị phải thực hành tiết kiệm, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để bảo đảm cho nhu cầu chi cấp thiết mới phát sinh. Những nhu cầu chi đã có quyết định, nhưng chưa được bố trí kinh phí trong kế hoạch ngân sách đầu năm thì soát xét để dãn tiến độ và bố trí trong dự toán ngân sách năm 1997.

2- Về xây dựng cơ bản: Rà soát lại danh mục và vốn đã bố trí cho các công trình trong kế hoạch giao đầu năm, các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản đã được giao, hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản để làm căn cứ cấp vốn. Đối với khối lượng XDCB năm 1995 đã hoàn thành những chưa được thanh toán, dùng nguồn của kế hoạch năm 1996 để thanh toán dứt điểm. Đối với kế hoạch năm 1996, trên cơ sở đánh giá khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm và khả năng thực hiện cả năm, số đã cấp phát thanh toán và khả năng cấp phát thanh toán trong 6 tháng cuối năm; từ đó xác định khối lương phải chuyển sang thanh toán trong năm 1997 cho từng công trình. Những công trình đến 31/12/1996 thực hiện vượt kế hoạch, phải bố trí trong kế hoạch năm 1997 để có nguồn thanh toán; những công trình không thực hiện hết kế hoạch, nếu cần tiếp tục thực hiện, phải bố trí vào kế hoạch năm 1997.

3- Đối với các chương trình quốc gia: Ưu tiên cấp phát kinh phí cho các chương trình quốc gia theo đúng kế hoạch và tiến độ thực hiện, trên cơ sở đó ước thực hiện cả năm, phân tích rõ từng nuồn kinh phí (nguồn NSNN, viện trợ, tín dụng, dân đóng góp...). Cơ quan chủ quản chương trình quốc gia tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả của từng chương trình: Mục tiêu cần đạt được; thời gian thực hiện; nội dụng thực hiện; kết quả đã thực hiện đến hết năm 1996..., từ đó có kiến nghị cụ thể về cơ chế quản lý, sắp xếp lại chương trình.

4- Đối với các khoản chi thường xuyên: Căn cứ kế hoạch được giao đầu năm, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ và khả năng ngân sách để ước thực hiện cả năm cho sát tình hình thực tế của Bộ, địa phương và khả năng nguồn thu cho phép. Từng lĩnh vực chi phân tích vụ thể cơ cấu chi về tiền lương, phụ cấp tiền lương, các khoản chi bắt buộc tính trên cơ sở tiền lương, các khoản chi nghiệp vụ thường xuyên và các khoản chi đột xuất (như mua sắm, sửa chữa, cứu đói, khắc phục thiên tại, lũ lụt...) để làm cơ sở tính toán bố trí dự toán năm 1997.

5- Đối với các khoản chi đầu tư cơ sở hạ tầng của các địa phương từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất, thu bán nhà ở, xổ số kiến thiết, thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa, các địa phương căn cứ tình hình thu để bố trí và cấp phát chi cho phù hợp. Trường hợp thu không đạt kế hoạch thì điều chỉnh giảm chi tương ứng, chỉ thực hiện chi khi thực tế có thu để tránh nợ khối lượng không có nguồn thanh toán.

III- Đối với các khoản thu ngân sách Nhà nước, theo chế độ đơn vị được để lại tự chi toàn bộ hay một phần; các khoản thu theo quyết định của Chính phủ được đầu tư trở lại cho các Bộ, địa phương, như thu phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông, thu phạt và tịch thu hàng buôn lậu; các khoản phụ thu về tiền điện, bưu điện... để tăng đầu từ cho ngành điện, bưu điện: các Bộ, địa phương chỉ đạo đơn vị đánh giá kỹ tình hình thực hiện thu, chi theo đúng chế độ chung của Nhà nước, trên cơ sở đó phân tích việc chấp hành thu, nội dung chi một số năm gần đây để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế cho năm 1997 và các năm sau theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

Trên cơ sở ước thực hiện thu, chi ngân sách cả năm 1996, các Bộ, địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách từ năm 1991 dến năm 1996 của Bộ, địa phương mình, nêu lên những mặt làm được, chưa làm được, những tồn tại và phân tích các nguyên nhân cụ thể, chủ trọng kiểm điểm sâu sắc những ưu và nhược điểm trong việc bố trí và điều hành ngân sách. Từ đó đề ra nhiệm vụ và rút ra những kinh nghiệm cho việc xây dựng và chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách năm 1997 và các năm tiếp theo.

B- XÂY DỰNG VÀ TỔNG HỢP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1997:

I- Năm 1997, năm thứ hai của kế hoạch 5 năm 1996-2000, là năm triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VIII và thực hiện Luật ngân sách nhà nước. Tình hình những năm qua và năm 1996 cho thấy một số thuận lợi cơ bản là:

Nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển với tốc độ khá; lạm phát được kiềm chế và có xu hưởng giảm. Cơ chế quản lý kinh tế mới đang phát huy kết quả tốt, hệ thống và văn bản pháp luật về thu NSNN và quản lý kinh tế - xã hội đã được ban hành tương đối hoàn chỉnh đang phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, bước vào năm 1997 cũng nổi nên một số khó khăn là:

- Thu ngân sách, nhất là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mấy năm nay không đạt kế hoạch, nên tồn nợ vay trong nước của ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển chưa có nguồn thanh toán từ các năm trước dồn lại lớn.

[...]