Thông tư 582-LĐ/TT năm 1957 giải thích thêm về thi hành Thông tư 19-TT/LB về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao Động ban hành

Số hiệu 582-LĐ/TT
Ngày ban hành 13/03/1957
Ngày có hiệu lực 28/03/1957
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động
Người ký Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 582-LĐ/TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 1957 

 

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH THÊM VỀ VIỆC THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 19-TT/LB NGÀY 27-10-1956 VỀ CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG TRÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG

BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Ủy ban Hành chính liên khu, khu, thành phố, tỉnh
- Các Khu Sở, Ty, Phòng lao động
- Các bộ và các Ngành có công trường
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Trong việc thi hành Thông tư Liên bộ số 19-TT/LB bổ sung Thông tư Liên bộ số 04-TT/LB về chế độ lao động trên các công trường, qua phản ánh báo cáo thì một số địa phương, công trường có gặp một số mắc mức, khó khăn.

Liên bộ đã ký Thông tư số 4 và 19 cùng Tổng liên đoàn Lao động và các ngành có công trường đã hội nghị và thống nhất ý kiến giải thích một số điểm cụ thể sau đây:

I. – LƯƠNG

1. Đối với lao động thường trên các công trường, áp dụng ba mức lương 1.150đ, 1.250đ, 1.350đ theo Thông tư số 19-TT/LB.

Tùy tình hình thực tế việc làm của từng công trường, kết hợp những ý kiến tham góp, xây dựng của công nhân, lao động mà nghiên cứu hướng dẫn phân loại xếp lương cho sát tính chất của từng loại việc.

Tránh khuynh hướng trả lương đồng loạt, xem việc nào cũng nặng nhọc vất vả như nhau, kèm tác dụng khuyến khích phát triển sản xuất.

Hiện nay trên các công trường, có nơi thực hiện làm khoán, có nơi trả lương công nhật kèm theo thưởng năng suất. Còn đại bộ phận công trường trả lương ngày và lương tháng.

Chế độ làm khoán trên các công trường nhằm sử dụng nhân lực một cách hợp lý, khuyến khích công nhân, lao động phát huy sáng kiến, đẩy mạnh tăng năng suất, bảo đảm thực hiện kế hoạch.

Các công trường phải tích cực tạo điều kiện áp dụng chế độ lâm khoán. Những nơi nào chưa có hoàn cảnh, điều kiện thực hiện làm khoán, thì tạm thời áp dụng thưởng năng suất trên cơ sở ba mức lương mới của Thông tư số 19-TT/LB.

2. Hết sức tránh việc sử dụng nhân lực không hợp lý. Các công trường cố gắng tổ chức cách làm việc có phân công rành mạch, tránh tình trạng xáo trộn, thay đổi việc làm luôn, như nay bố trí công tác này, mai làm công tác khác. Công việc sản xuất có được ổn định, người công nhân biết rõ loại công tác đang làm, mức lương được hưởng, sẽ ra sức nâng cao hiệu suất lao động, đi sâu vào công việc làm của mình.

Trong trường hợp đáng hưởng lương tháng, vì nhu cầu cần thiết bố trí làm việc nhẹ một vài ngày, mức lương thấp hơn, thì trả mức lương trước đã hưởng, không trừ bớt lương. Nếu làm công việc nặng hơn, thì tính thêm chênh lệch giữa hai mức lương trong những ngày đó để cộng vào sổ tiền lương tháng mà thanh toán.

Ví dụ: một người gánh gạch lương 1.250đ một ngày hay 31.250đ một tháng. Trong tháng 01-1957 người đó làm 15 ngày với mức lương 1.250đ, 4 ngày bố trí đẽo đòn gánh (với điều kiện nguyên vật liệu có tại chỗ) đáng lẽ chỉ được hưởng 1.150đ nhưng vẫn bảo đảm mức lương trước 1.250đ và 6 ngày cuối tháng lại sử dụng quai búa ở mức lương 1.350đ thì tính như sau:

25 ngày:

1.250đ x 25

=

31.250đ

6 ngày:

(1.350đ – 1.250đ) x  6

=

600đ

Tổng cộng trong tháng đó sẽ trả lương là:

31.850đ

3. Cán bộ B, C trực tiếp lãnh đạo công tác nào hưởng lương theo loại việc ấy.

Những cán bộ B, C mà công trường tạm thời lấy lên giúp việc bộ máy hành chính quản trị hoặc làm công tác chính trị vẫn hưởng lương như khi còn ở đơn vị song được hưởng thêm phụ cấp 1.200đ hay 1.800đ.

Trong trường hợp được lấy lên công tác ở các bộ môn, văn thư, cung cấp, tài vụ hoặc vào ban phụ trách công trường mà được chính thức tuyển dụng vào biên chế, sắp xếp cấp bậc theo thang lương hành chính của công trường thì hưởng mức lương của cấp bậc được xếp, không có phụ cấp chức vụ nữa.

Cán bộ được điều động về Ty, Khu, Nha, Bộ để bố trí công tác, trong thời gian nằm chờ, không hưởng phụ cấp chức vụ. Các ngành phải tranh thủ sắp xếp công tác, tránh tình hình để nằm chờ lâu ngày lãng phí nhân lực và có ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ.

4. Đối với cấp dưỡng, tiếp phẩm, căn cứ vào công việc nặng nhẹ, hiệu suất công tác mà hưởng theo 3 mức lương 1.150đ, 1.250đ, 1.350đ. – Tùy theo trường hợp cụ thể, công tác vất vả, nặng nhọc, khác nhau để đãi ngộ đúng với khả năng cống hiến của từng người. Không nhất thiết chỉ xếp cấp dưỡng tiếp phẩm đồng loạt ở một mức lương hoặc chỉ xếp ở hai mức 1.250đ, 1.350đ.

Cần có kế hoạch bố trí để anh chị em có thì giờ nghỉ ngơi, sinh hoạt, học tập. Có thể nghiên cứu cách cho nghỉ luân phiên hàng tuần.

Nếu không được nghỉ, phải làm thêm ngày vào (kể cả chủ nhật) thì hưởng lương thêm như ngày thường, còn làm việc trong ngày lễ chính thức được hưởng lương gấp đôi.

Đối với những người hưởng lương tháng, mà những ngày chủ nhật hay ngày nghỉ lễ phải làm việc và không có điều kiện để nghỉ bù, thì hưởng thêm 1/25 số tiền lương tháng.

5. Trong công nhân, lao động nói chung, có một số biết nghề, nhưng công trường chưa có điều kiện sử dụng đúng nghề vẫn làm công tác lao động thì vẫn hưởng theo 3 mức lương 1.150đ, 1.250đ, 1.350đ (làm việc nào hưởng lương của việc đó).

Nếu được sử dụng đúng nghề thì dựa theo bảng lương thợ của Thông tư số 4 và 19 mà sắp xếp theo trình độ khả năng nghề nghiệp và được hưởng lương thợ kể từ ngày được sử dụng vào công việc theo nghề của mình.

[...]