Thông tư 19-TT-IP năm 1956 về chế độ lao động trên các công trường do Bộ Lao Động- Bộ Tài Chính ban hành.

Số hiệu 19-TT-IP
Ngày ban hành 27/10/1956
Ngày có hiệu lực 11/11/1956
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Văn Tạo,Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT-IP

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1956 

 

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BỔ SUNG VÀ SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ VỀ THÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 04 NGÀY 27 THÁNG 01 NĂM 1956 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LAO ĐỘNG TRÊN CÁC CÔNG TRƯỜNG

LIÊN BỘ LAO ĐỘNG – TÀI CHÍNH

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Các Ủy ban Hành chính liên khu, khu, thành, tỉnh.
- Các cơ quan Lao động, Tài chính các cấp
- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam,
- Các Bộ và các ngành sử dụng công nhân và lao động

 

Ngày 27-01-1956, Liên bộ Lao động, Tài chính, Giao thông Bưu điện, Thủy lợi Kiến trúc, Công nghiệp và Y tế đã ban hành Thông tư số 4 về chế độ lao động trên các công trường. Nay Liên bộ xét tạm thời cần phải bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể quy định trong Thông tư đó để giảm bớt một phần khó khăn trước tình hình và yêu cầu thực tế trên các công trường hiện nay.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ đã ký Thông tư số 4, Liên bộ Lao động, Tài chính quy định một số điểm bổ sung Thông tư số 4 như sau:

I. - LƯƠNG

A. – LAO ĐỘNG THƯỜNG:

- Bỏ hẳn hai mức lương 1.040đ và 1.080đ quy định trong Thông tư số 4.

- Kể từ ngày 01-10-1956, trên các công trường có 3 mức lương cho lao động thường:

- 1.150đ một ngày hay 28.750đ một tháng

- 1.250đ - 31.250đ -

- 1.350đ - 33.750đ -

- Mức lương 1.150đ áp dụng cho những loại việc nhẹ, sử dụng sức lao động bình thường như ngồi đan sọt, rổ rá, quét dọn lặt vặt….

- Mức lương 1.250đ áp dụng cho những loại việc nặng hơn như lên rừng lấy bương nứa, đào đất, gánh gạch, ngồi đập đá v.v…

- Mức lương 1.350đ áp dụng cho những loại việc vất vả, nặng nhọc hơn nữa hay đòi hỏi ít nhiều kỹ thuật.

Các ngành sẽ căn cứ vào những mức lương trên và các loại việc trên công trường mà xếp sắp công nhân, lao động cho thích hợp.

- Tất cả các lực lượng lao động như bộ đội phục viên, công nhân lao động miền Nam, Thanh niên xung phong, lao động thành thị, Âu Phi (trừ dân công); nếu làm công tác có tính chất thời gian, đều được xếp sắp theo khả năng lao động vào những việc nặng nhọc vất vả khác nhau để hưởng những mức lương trên.

- Còn những người có nghề mà sử dụng đúng nghề thì hưởng những mức lương thuê mượn thợ trong Thông tư số 4 và Thông tư này.

- Những người đã được tuyển lựa vào các đội chủ lực, các loại thợ chuyên nghiệp làm công tác thường xuyên, từ công trường này qua công trường khác trong các ngành kiến trúc, cầu đường thì sẽ được xếp bậc hưởng theo những mức lương của các thang lương của ngành đó.

- Ngoài ra có những công việc có tính chất đặc biệt, cần mượn một số người chuyên môn trong một thời gian ngắn như thuê thợ làm chủ công trường cầu, thì sẽ trả lương theo hợp đồng. Giá cả, điều kiện làm việc, ăn, ở, bồi dưỡng ốm đau, v.v… sẽ thỏa thuận giữa công trường và người làm công.

- Lao động thành thị: Sẽ chuyển hết sang những mức lương quy định trên công trường. Khi xếp loại cần chiếu cố đến số tiền lương cũ của anh chị em để khi hưởng lương mới không bị trụt lương.

- Bộ đội chuyển ngành: Thi hành theo chính sách chung đối với bộ đội chuyển ngành. (Thông tư Liên bộ Nội vụ Tài chính, Lao động số 17-TT-LB ngày 11-08-1956).

Bộ đội chuyển ngành hưởng lương tháng theo những mức lương quy định trên.

- Miền Nam: Vẫn hưởng lương tháng, làm việc nào hưởng mức lương của việc đó. Tránh tình trạng để anh chị em miền Nam hưởng đồng loạt một mức lương.

- Thanh niên xung phong: Của các đội do Trung ương tổ chức từ ngày kháng chiến còn tiếp tục làm công tác lao động trên các công trường được hưởng lương tháng theo những mức lương quy định trên. Còn những đội Thanh niên do các địa phương mới tổ chức và cũng gọi là Thanh niên xung phong để phục vụ công trường thì cũng như số lao động khác hưởng lương ngày, làm việc nào hưởng mức lương của việc đó.

- Âu Phi: Cũng được sắp xếp công tác, làm việc nào hưởng mức lương của việc đó. Các khoản phụ cấp đặc biệt, phụ cấp con vẫn được giữ nguyên như đã quy định trong Thông tư số 4.

[...]