Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư liện tịch 21-TT-LB năm 1956 giải thích và hướng dẫn nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về việc tăng lương cho công nhân, cán bộ, viên chức do Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 21-TT-LB
Ngày ban hành 15/11/1956
Ngày có hiệu lực 30/11/1956
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lao động,Bộ Nội vụ,Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Bạch,Lê Văn Hiến,Nguyễn Văn Tạo
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-TT-LB

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 1956 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG LƯƠNG CHO CÔNG NHÂN, CÁN BỘ, VIÊN CHỨC.

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Kính gửi

- Các Bộ,
- Các cơ quan Trung ương,
- Các Ủy ban Hành chính khu, liên khu, tỉnh, thành phố,
- Các Sở, Khu, Ty Lao động,

 

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

Trong hoàn cảnh kinh tế nước nhà đang khôi phục, trước mắt còn nhiều khó khăn, vật giá gần đây có tăng lên ở Hà nội và một số địa phương đã ảnh hưởng đến đời sống công nhân, bộ đội, cán bộ và viên chức cũng như đời sống chung của nhân dân.

Để giảm bớt khó khăn và nâng lên một phần sinh hoạt của công nhân, bộ đội, cán bộ và viên chức, Hội đồng Chính phủ đã quyết nghị:

Về công nhân, cán bộ và viên chức:

“Kể từ tháng 10 năm 1956 tăng 5% lương cơ sở 26.000đ cho cán bộ, công nhân, viên chức kháng chiến.

Riêng Hà nội, khu mỏ Hồng gai tăng 12%, Hải phòng tăng 8%.

Đồng thời Chính phủ cũng đã quyết định trích một số gạo để giúp đỡ những gia đình không có phụ cấp còn đang gặp khó khăn; nâng lương lao động các công trường theo 3 mức: 1.150đ, 1.250đ và 1.350đ một ngày; cấp phát áo rét, chăn, màn cho cán bộ, công nhân viên miền Nam còn thiếu và cho anh em truy lĩnh lương công trường kể từ ngày 01 tháng 07 năm 1955; nghiên cứu khoản phụ cấp cho cán bộ kỹ thuật, khoa học, văn hóa, nghệ thuật; xúc tiến việc hoàn thành sắp xếp cán bộ, công nhân, viên chức vào các thang lương đã ban hành.

Trên đây là những biện pháp cấp bách quy định tạm thời trong khuôn khổ chế độ tiền lương hiện nay nhằm giảm bớt khó khăn và nâng một phần sinh hoạt cho công nhân, viên chức.

Để đảm bảo thi hành có kết quả tốt các biện pháp nói trên, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các Bộ có trách nhiệm cố gắng giữ giá những thứ hàng chính thường dùng hàng ngày, quản lý chặt chẽ ngân sách, chống tham ô lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Trong hoàn cảnh nước nhà đang phải vượt nhiều khó khăn để khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương do 15 năm chiến tranh và những thiên tai liên tiếp tàn phá, những biện pháp trên đây thể hiện sự cố gắng lớn của Đảng và Chính phủ đối với cán bộ, công nhân, viên chức.

Các ngành, các cấp phải giải thích rõ cho anh chị em biết để nâng cao lòng tin tưởng của anh chị em, thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ mà phấn khởi sản xuất và an tâm công tác.

II. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH VÀ CÁCH THI HÀNH

Nguyên tắc chung là khoản lương 5%, 8% hoặc 12% chỉ tính trên cơ sở lương chính theo các bậc trong thang lương, không kể các khoản phụ cấp bản thân, như phụ cấp khu vực. Khoản phụ cấp đắt đỏ 1.000đ ấn định trong thông tư Liên bộ số 22-TT-LB ngày 27-8-1956 nay phá bỏ kể từ ngày 01-10-1956.

Các khoản phụ cấp khu vực 6%, 13%, 20% vẫn thi hành. Khoản phụ cấp 5,8% của Hà nội nay tính gọn 6%. Như vậy cộng khoản tăng lương mới ở các địa phương với phụ cấp khu vực thì lương chính sẽ được nâng lên như sau:

Khu vực 1: 5% + 20% = 25%.

Khu vực 2: 5% + 13% = 18%.

Khu vực 3: 6% + 5% = 11%.

Hà nội: 6% + 12% = 18%.

Khu mỏ Hồng gai: 12%.

Hải Phòng: 8%.

1. Đối với công nhân, nhân viên hưởng theo chế độ lương kháng chiến cũ:

a) Đối với những người đã sắp xếp vào các thang lương đã ban hành thì dựa trên mức lương của các bậc lương mà tính. Ví dụ: một nhân viên bậc 13 (thang lương 17 bậc) công tác ở khu vực 2 (13%) thì lương và phụ cấp khu vực tính như sau:

33.800đ + (33.800đ X (5 + 13%) = 39.884đ

[...]