BỘ TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 47/2004/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2004
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 47/2004/TT-BTC NGÀY 31
THÁNG 5 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
VÀ CHÍNH SÁCH THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ BUÔN BÁN QUA BIÊN GIỚI VỚI CÁC NƯỚC CÓ
CHUNG BIÊN GIỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 252/2003/QĐ-TTG NGÀY 24/11/2003 CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Hải
quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 1/7/2003 của Chính phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính
phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải
quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Quyết định số 252/2003/QĐ-TTg ngày 24/11/2003 của Thủ
tướng Chính phủ về quản lý buôn bán hàng hoá qua biên giới với các nước có
chung biên giới;
Trong khi chưa ban hành Thông tư liên tịch giữa các Bộ liên
quan, Bộ Tài chính tạm thời hướng dẫn thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám
sát Hải quan và chính sách thuế như sau:
I. QUI ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng
dẫn thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát Hải quan và chính sách thuế đối
với hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới với các nước có chung biên giới.
2. Tất cả hàng hoá
khi qua cửa khẩu biên giới đều phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra,
giám sát Hải quan, phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo qui định của Pháp luật.
II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ
1.
Về chất lượng hàng hoá buôn bán qua biên giới (qui định tại khoản 2, Điều 3,
Chương I):
Đối với hàng hoá
nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm tra chất lượng và kiểm dịch theo qui định hiện
hành thì phải được kiểm tra về chất lượng trước khi thông quan; không được nhập
khẩu qua những cửa khẩu không có các điểm kiểm dịch động thực vật, kiểm tra chất
lượng hàng hoá theo qui định của pháp luật Việt Nam.
2.
Về chính sách thuế (qui định tại Điều 5, Chương I):
a. Đối với hàng
hoá buôn bán qua biên giới: Phải nộp thuế và lệ phí (nếu có) theo qui định của
Pháp luật.
b. Đối với hàng
hoá trao đổi, mua bán của cư dân biên giới:
- Chỉ được miễn
thuế nhập khẩu đối với hàng hoá do cư dân nước có chung biên giới sản xuất.
- Định mức miễn
thuế nhập khẩu: không quá 500.000đồng/1người/1ngày. Hàng hoá là sản phẩm không
thể cắt rời, nếu giá trị một đơn vị sản phẩm vượt mức qui định, thì phải nộp
thuế phần vượt (kể cả vật nguyên con, nguyên chiếc, nguyên cái, nguyên bộ).
- Hàng hoá không
do cư dân nước có chung biên giới sản xuất không được miễn thuế nhập khẩu.
- Hàng hoá do các
đối tượng không phải là cư dân biên giới mua bán, trao đổi không được miễn thuế
nhập khẩu.
3.
Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu qua biên giới; hàng hoá mua
bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hoá đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu,
chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu:
3.1. Hồ sơ hải
quan:
a. Đối với hàng
hoá nhập khẩu biên giới; hàng hoá đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ
trong Khu kinh tế cửa khẩu:
- Tờ khai Hải
quan: Sử dụng tờ khai hàng hoá nhập khẩu (ký hiệu HQ/2002-NK ban hành kèm theo
Quyết định 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 4/12/2001 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải
quan): 02 bản chính;
- Các chứng từ
khác thực hiện theo qui định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối
với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ban hành kèm theo Quyết
định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, trừ vận tải
đơn.
Riêng hộ kinh
doanh thuộc các tỉnh tiếp giáp biên giới và của nước có chung biên giới kinh
doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu, thì
không yêu cầu phải có các chứng từ nêu trên, trừ 02 loại chứng từ sau:
+ Giấy đăng ký kiểm
tra chất lượng hàng hoá hoặc thông báo miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá do cơ
quan kiểm tra Nhà nước về chất lượng cấp (đối với hàng hoá phải kiểm tra chất
lượng);
+ Giấy đăng ký kiểm
dịch do cơ quan kiểm dịch cấp (đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm
dịch).
b. Đối với hàng
hoá xuất khẩu biên giới:
- Tờ khai hải
quan:
+ Trường hợp hàng
hoá xuất khẩu theo hợp đồng mua bán: Sử dụng tờ khai hàng hoá xuất khẩu (ký hiệu
HQ/2002-XK ban hành kèm theo Quyết định 1257/2001/QĐ-TCHQ ngày 4/12/2001 của Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan): 02 bản chính;
+ Trường hợp hàng
hoá xuất khẩu không có hợp đồng mua bán: Sử dụng tờ khai hàng hoá xuất khẩu
biên giới (ký hiệu HQ/2002-XKBG ban hành kèm theo Quyết định 1473/2002/QĐ-TCHQ
ngày 24/5/2002 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Quyết định số
24/2004/QĐ-BTC ngày 5/3/2004 của Bộ Tài chính): 02 bản chính;
- Các chứng từ
khác thực hiện theo qui định về hồ sơ hải quan, quy trình thủ tục hải quan đối
với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán ban hành kèm theo Quyết
định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, phù hợp với từng
loại hình.
c. Đối với hàng
hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới:
- Hàng hoá trao đổi,
mua bán của cư dân nước có chung biên giới không yêu cầu phải khai trên tờ khai
Hải quan.
- Yêu cầu chủ hàng
xuất trình chứng minh thư biên giới hoặc giấy thông hành biên giới do cơ quan
có thẩm quyền cấp để được hưởng định mức miễn thuế.
- Hàng hoá mua
bán, trao đổi của cư dân nước có chung biên giới nếu vượt định mức qui định,
thì Hải quan tính thuế trực tiếp trên Biên lai thu thuế.
d. Về Giấy chứng
nhận xuất xứ hàng hoá (C/O):
- Hàng hoá mua
bán, trao đổi của cư dân nước có chung biên giới không phải nộp Giấy chứng nhận
xuất xứ hàng hoá (C/O). Việc xác định xuất xứ hàng hoá đối với trường hợp này
căn cứ vào việc kiểm tra thực tế hàng hoá.
- Hàng hoá xuất khẩu,
nhập khẩu qua biên giới được hưởng các ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
theo thoả thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính Phủ nước có chung
biên giới (đối với hàng hoá nhập khẩu qua biên giới muốn được hưởng ưu đãi thuế
nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O)).
3.2. Về kiểm tra
thực tế hàng hoá:
- Không áp dụng biện
pháp miễn kiểm tra thực tế hàng hoá đối với hàng hoá nhập khẩu qua biên giới và
hàng hoá đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu.
- Hàng hoá xuất khẩu
qua biên giới áp dụng các hình thức kiểm tra theo qui định của Luật hải quan.
- Hàng hoá mua
bán, trao đổi của cư dân nước có chung biên giới: Chỉ kiểm tra đối với trường hợp
qua giám sát thấy có khả năng vượt định lượng miễn thuế, có hàng lậu... Về theo
dõi số lần trong ngày: Chủ yếu qua công tác giám sát để phát hiện đối tượng lợi
dụng để buôn bán, không phải mở sổ theo dõi.
4.
Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường
bộ:
4.1. Tại điểm kiểm
soát giáp biên giới:
a. Đối với xe nhập
cảnh:
a.1. Trách nhiệm của
lái xe:
- Dừng xe đúng nơi
qui định tại cửa khẩu, xuất trình giấy tờ và xe để Hải quan kiểm tra, vào sổ
theo dõi.
- Ký xác nhận vào
sổ theo dõi của Hải quan.
a.2. Trách nhiệm của
cơ quan Hải quan:
- Kiểm tra xe và
giấy tờ về xe do lái xe xuất trình và vào sổ theo dõi.
- Giám sát xe nhập
cảnh.
b. Đối với xe xuất
cảnh:
b.1. Trách nhiệm của
lái xe: Xuất trình tờ khai xe ôtô xuất cảnh, tờ khai hàng xuất khẩu (nếu xe chở
hàng xuất khẩu) đã làm thủ tục hải quan.
b.2. Trách nhiệm của
cơ quan Hải quan:
- Tiếp nhận, kiểm
tra xe và các giấy tờ do lái xe xuất trình và vào sổ theo dõi.
- Thông qua công
tác giám sát, công tác thu thập, tiếp nhận thông tin khác liên quan đến lô hàng
xuất khẩu, nếu có căn cứ khẳng định là hàng lậu hoặc trốn thuế thì báo cáo lãnh
đạo Chi cục chỉ đạo kiểm tra lại để phát hiện vi phạm và xử lý theo qui định.
- Thực hiện việc
giám sát xe và hàng hoá cho đến khi thực xuất qua biên giới.
4.2. Tại trụ sở
làm thủ tục hải quan cửa khẩu:
Thủ tục hải quan
cho xe xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh như sau:
a. Lái xe có trách
nhiệm khai và nộp cho Hải quan những giấy tờ sau:
a.1. Đối với xe
ôtô vận tải hàng hoá xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh:
- Tờ khai xe ôtô
xuất nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường bộ (ký hiệu HQ/2002/01-PTVT ban
hành kèm theo Quyết định số 1473/2002/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2002 của Tổng cục trưởng
Tổng cục Hải quan): 02 bản chính;
- Tờ khai hành lý
xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe (nếu ôtô lưu hành ngoài khu vực cửa khẩu): 01 bản
chính;
- Danh sách hành
khách (nếu có chuyên chở hành khách): 01 bản chính;
- Xuất trình Giấy
phép (nếu có) theo qui định của Hiệp định vận tải đường bộ ký kết giữa Chính phủ
Việt Nam và Chính phủ nước có chung biên giới.
a.2. Đối với xe
ôtô của nước ngoài vào khu vực cửa khẩu Việt Nam để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận
hàng xuất khẩu sau đó quay về nước ngay trong ngày và xe ôtô Việt Nam đi qua
biên giới để giao hàng xuất khẩu, nhận hàng nhập khẩu ngay tại khu vực cửa khẩu
sau đó quay trở lại Việt Nam ngay trong ngày, thì không yêu cầu khai và nộp các
giấy tờ theo qui định trên.
a.3. Đối với
phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn qui định
tại Điều 52 Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ và điểm
1, phần 1 Thông tư số 11/2003/TT-BCA (C11) ngày 03/7/2003 của Bộ Công an bao gồm:
xe ôtô du lịch (xe ôtô con, xe ôtô chở hành khách, xe vừa chở người vừa chở
hàng), xe gắn máy, thuyền xuồng có gắn máy và không gắn máy, ngoài việc nộp và
xuất trình các giấy tờ qui định tại điểm a1 trên đây, lái xe còn phải nộp cho Hải
quan một trong những giấy tờ sau:
- Giấy phép tạm nhập
để lưu hành do cơ quan Công an cấp: 01 bản chính;
- Giấy phép của Cục
Hải quan tỉnh, thành phố cấp (đối với xe tạm xuất - tái nhập không cùng cửa khẩu):
01 bản chính;
b. Hải quan có
trách nhiệm:
- Tiếp nhận và kiểm
tra hồ sơ Hải quan do lái xe nộp.
- Đối chiếu tờ
khai với thực tế xe và kiểm tra xe nếu có căn cứ nhận định trên xe có vận chuyển
hàng nhập khẩu không khai báo Hải quan.
- Lãnh đạo Chi cục
Hải quan cửa khẩu quyết định cho phép xe được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh
vào tờ khai xe ôtô xuất nhập cảnh HQ/2002/01-PTVT.
- Trả lái xe 01 bản
chính tờ khai xe ôtô xuất nhập cảnh HQ/2002/01-PTVT để làm chứng từ đi đường.
- Vào sổ theo dõi,
lưu hồ sơ Hải quan theo qui định.
c. Việc cấp giấy
phép cho xe Việt Nam tạm xuất-tái nhập có thời hạn thực hiện như sau:
- Trường hợp xe tạm
xuất - tái nhập qua cùng một cửa khẩu thì Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cho
phép bằng cách ghi trực tiếp lên tờ khai nhập xuất cảnh Việt Nam của lái xe.
- Trường hợp xe tạm
xuất - tái nhập không cùng một cửa khẩu thì chủ xe hoặc lái xe phải có văn bản
đề nghị (nội dung gồm: tên chủ xe, tên lái xe, loại xe, nhãn hiệu xe, số khung,
số máy, biển kiểm soát, cửa khẩu tạm xuất, cửa khẩu tái nhập, thời gian tạm xuất,
thời gian tái nhập) gửi Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có cửa khẩu
xe tạm xuất để được cấp phép.
Giấy phép (ký hiệu
GP/2002/02-PTVT ban hành kèm theo Quyết định số 1473/2002/QĐ-TCHQ ngày 24/5/2002
của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) gồm 03 bản: Giao chủ xe hoặc lái xe 02 bản
để nộp cho Hải quan cửa khẩu tạm xuất, cửa khẩu tái nhập mỗi nơi 01 bản; lưu Hải
quan cấp giấy phép 01 bản. Giấy phép này có giá trị thực hiện ở cả cửa khẩu tạm
xuất và cửa khẩu tái nhập.
III. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Mọi hành vi vi
phạm các qui định tại Quyết định 252/2003/QĐ-TTg dẫn trên và tại Thông tư này
tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý theo qui định tại Nghị định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại của Chính phủ và các văn bản qui phạm
pháp luật có liên quan khác hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định
của Pháp luật.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày
đăng công báo. Bãi bỏ công văn số 2993/TCHQ-GSQL ngày 01/7/2002 của Tổng cục
Hải quan hướng dẫn về thủ tục hải quan đối với hàng hoá, hành lý xuất nhập
khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và các qui định
trước đây về thủ tục hải quan đối với hàng hoá buôn bán qua biên giới trái với
những qui định tại Thông tư này.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị
thuộc Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Thông tư này.