NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 97-CP NGÀY 27 THÁNG 12 NĂM 1995 QUY ĐỊNH CHI
TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VÀ CÁC LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ
ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 05 tháng 7 năm 1993; Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được Quốc hội nước Cộng hoà Xã
hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ
TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
Điều 1.-
Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế (dưới đây gọi chung là cơ sở) có
sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đều thuộc
đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Điều 2.-
Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt một lần. Nguyên tắc này được áp dụng cụ thể như sau:
1. Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc
diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán những mặt hàng này chỉ phải nộp thuế tiêu
thụ đặc biệt mà không phải nộp thuế doanh thu khâu sản xuất. Trường hợp cơ sở sản
xuất có tổ chức chi nhánh, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm thì nộp thuế tiêu thụ đặc
biệt tại nơi sản xuất và nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương
nghiệp tại chi nhánh, cửa hàng nơi tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở sản xuất khi nộp thuế tiêu
thụ đặc biệt được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu trước (nếu
có).
2. Cơ sở nhập khẩu mặt hàng thuộc
diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi nhập khẩu
và nộp thuế doanh thu khi bán hàng.
Điều 3.-
Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nếu xuất khẩu, nhập khẩu không phải
nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong các trường hợp sau đây:
1. Hàng hoá do cơ sở sản xuất trực
tiếp xuất khẩu, hoặc trực tiếp gia công cho nước ngoài.
2. Hàng hoá do cơ sở sản xuất
bán hoặc uỷ thác cho cơ sở kinh doanh trực tiếp xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế
và giấy phép xuất khẩu.
Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất
khẩu mua hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất
khẩu, nhưng không xuất khẩu mà đem bán trong nước thì ngoài việc phải nộp thuế
doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp, còn phải nộp thuế tiêu thụ đặc
biệt.
3. Hàng viện trợ không hoàn lại.
4. Hàng nhập khẩu thuộc diện chịu
thuế tiêu thụ đặc biệt của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn miễn
trừ do Chính phủ quy định phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết
hoặc tham gia.
5. Hàng thuộc diện chịu thuế
tiêu thụ đặc biệt chuyển khẩu, vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu
biên giới Việt Nam trên cơ sở hiệp định đã ký kết giữa hai Chính phủ hoặc
ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép đã làm đầy đủ thủ tục hải
quan.
6. Hàng thuộc diện chịu thuế
tiêu thụ đặc biệt tạm nhập để tái xuất (kể cả hàng dự hội chợ triển lãm), nếu
thực tái xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế quy định (30 ngày) thì không phải nộp
thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tái xuất. Nếu quá thời hạn
trên thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phần chưa xuất khẩu và được hoàn lại
thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu.
7. Hàng là vật tư, nguyên liệu
nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để sản xuất hàng xuất khẩu, nếu thực tế
có hàng xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế (90 ngày) thì không phải nộp thuế
tiêu thụ đặc biệt đối với số vật tư, nguyên liệu nhập khẩu tương ứng với số
hàng thực tế xuất khẩu. Nếu quá thời hạn nộp thuế (trên 90 ngày) thì phải nộp
thuế tiêu thụ đặc biệt. Khi có hàng thực tế xuất khẩu thì sẽ được hoàn lại số
thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp cho số vật tư, nguyên liệu tương ứng với số hàng
thực tế xuất khẩu.
Riêng vật tư, nguyên liệu nhập
khẩu để gia công cho nước ngoài được miễn thuế.
8. Hành lý mang theo trong tiêu
chuẩn xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Đối với hàng nhập khẩu, thuế
tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với hàng thực nhập khẩu. Trường hợp kê khai nhiều
hơn số hàng hoá thực nhập khẩu thì được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp
cho số hàng hoá kê khai nhiều hơn thực nhập.
Các trường hợp khác, ngoài các
trường hợp không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trên đều phải nộp thuế
tiêu thụ đặc biệt khi nhập khẩu, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.
Chương 2:
CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU
THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
Điều 4.-
Căn cứ tính thuế đối với hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là số lượng
hàng hoá, giá tính thuế đơn vị hàng hoá và thuế suất.
Điều 5.-
Số lượng hàng hoá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định như sau:
1. Đối với hàng sản xuất trong
nước là số lượng, trọng lượng hàng hoá tiêu thụ bao gồm cả số lượng, trọng lượng
của mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất ra để bán, để trao đổi,
để biếu tặng người khác hoặc tiêu dùng sinh hoạt nội bộ của cơ sở.
2. Đối với hàng nhập khẩu là số
lượng, trọng lượng ghi trong tờ khai hàng hoá nhập khẩu của các tổ chức, cá
nhân có hàng nhập khẩu.
Điều 6.-
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt:
1. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt
đối với hàng sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế
tiêu thụ đặc biệt bán ra tại nơi sản xuất chưa tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với hàng gia công, hàng đem
biếu tặng, hàng tiêu dùng nội bộ, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính
thuế của mặt hàng cùng loại hoặc của mặt hàng tương đương.
Đối với cơ sở sản xuất nộp thuế
trên cơ sở khoán số lượng hàng hoá sản xuất tiêu thụ thì cơ quan thuế tỉnh,
thành phố căn cứ vào giá cả thị trường để xác định giá bán và giá tính thuế.
2. Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt
đối với hàng nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu. Đối
với các trường hợp hàng nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế
tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng này vẫn tính đủ yếu tố thuế nhập khẩu.
Điều 7.-
Mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế suất thuế tiêu thụ đặc
biệt thực hiện theo biểu sau:
TT
|
Mặt
hàng
|
Thuế
xuất (%)
|
1
|
Thuốc hút
a. Thuốc lá điếu có đầu lọc SX
chủ yếu bằng nguyên liệu NK
b. Thuốc lá điếu có đầu lọc SX
chủ yếu bằng nguyên liệu trong nước
c. Thuốc lá điếu không có đầu
lọc, xì gà sản xuất trong nước
d. Thuốc lá điếu, xì gà nhập
khẩu
|
70
52
32
70
|
2
|
Rượu
a. Rượu thuốc
b. Các loại rượu khác (kể cả cồn
etilic)
- Trên 40o
- Từ 30o đến 40o
- Dưới 30, kể cả rượu hoa quả
|
15
90
75
25
|
3
|
Bia các loại
- Riêng bia hộp
|
90
75
|
4
|
Các loại pháo hoa, pháo hiệu,
pháo mưa, pháo hiệu sương mù... (trừ pháo nổ)
|
100
|
5
|
Ôtô nhập khẩu (kể cả dạng SKC)
- Ôtô loại từ 5 chỗ ngồi trở
xuống
- Ô tô từ 6 đến 15 chỗ ngồi
- Ôtô từ 16 đến 24 chỗ ngồi và
các loại ôtô, xe cộ khác thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng, xe lam
|
100
60
30
|
6
|
Xăng các loại, nap-ta (naphtha),
chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khá để pha chế xăng
|
15
|
1. Thuốc lá điếu có đầu lọc, sản
xuất chủ yếu bằng nguyên liệu nhập khẩu là loại thuốc lá sử dụng nguyên liệu sợi
thuốc nhập khẩu từ 51 % trở lên so với nguyên liệu sợi thuốc cần dùng cho sản
phẩm đó.
2. Mặt hàng rượu, bia, pháo (trừ
pháo nổ), xăng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm cả hàng sản xuất trong nước
và hàng nhập khẩu.
3. Rượu thuốc chịu thuế suất 15
% phải có đăng ký sản phẩm và giấy phép hoạt động của cơ sở sản xuất do Bộ Y tế
cấp. Nếu không đủ những điều kiện này thì nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế
suất của loại rượu có độ tương ứng.
4. Ô tô và các loại xe cộ khác
nhập khẩu (nguyên chiếc và dạng SKD) chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là loại nằm
trong nhóm hàng mã số 8703 Biểu thuế nhập khẩu hiện hành.
Bộ Tài chính bàn thống nhất với
các ngành liên quan, quy định chi tiết các mặt hàng cụ thể chịu thuế tiêu thụ đặc
biệt thuộc nhóm "xăng các loại, napta (naphtha), chế phẩm tái hợp và các
chế phẩm khác để pha chế xăng".
Chương 3:
ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ
VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ
Điều 8.-
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải
kê khai đăng ký với cơ quan thuế về vốn, lao động, mặt hàng, địa điểm sản xuất
kinh doanh chậm nhất là năm ngày, trước khi bắt đầu hoạt động hoặc sáp nhập,
phân chia, thay đổi địa điểm. Trường hợp giải thể hoặc thay đổi kinh doanh phải
khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là 5 ngày trước khi giải thể hoặc thay đổi
kinh doanh.
Điều 9.-
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải
kê khai nộp thuế theo quy định sau đây:
1. Đối với hàng thuộc diện chịu
thuế tiêu thụ đặc biệt sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất kê khai và nộp tờ
khai tổng hợp thuế tiêu thụ đặc biệt của tháng trước cho cơ quan thuế trong thời
hạn 5 ngày đầu của tháng sau và nộp đủ số thuế còn thiếu theo thông báo của cơ
quan thuế.
Trường hợp không phát sinh thuế
tiêu thụ đặc biệt cơ sở sản xuất vẫn phải nộp tờ khai tổng hợp thuế cho cơ quan
thuế theo quy định.
2. Đối với hàng nhập khẩu thời
điểm kê khai và tính thuế tiêu thụ đặc biệt là ngày đăng ký tờ khai hàng nhập
khẩu. Trong thời hạn 8 giờ kể từ khi đăng ký tờ khai hàng nhập khẩu, cơ quan
thu thuế thông báo chính thức số thuế phải nộp cho đối tượng nộp thuế.
Điều 10.-
Cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán,
hoá đơn, chứng từ theo các quy định hiện hành.
Khi cơ quan thu thuế có yêu cầu
về tài liệu, số liệu và căn cứ có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra tính
thuế, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiệm vụ:
1. Cung cấp đầy đủ, đúng hạn các
hồ sơ, tài liệu, số liệu và căn cứ có liên quan đến việc tính thuế tiêu thụ đặc
biệt.
2. Giải thích, chứng minh các
khoản chưa rõ trong tờ khai thuế, sổ sách, chứng từ kế toán.
Cơ sở sản xuất kinh doanh không
được viện lý do bí mật nghề nghiệp hoặc lý do khác để từ chối xuất trình, cung
cấp hoặc giải thích các tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Cơ quan thu thuế phải giữ bí mật
về những tài liệu do cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp.
Điều 11.-
Thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu nộp. Nơi nộp thuế đối với
hàng hoá nhập khẩu là nơi làm thủ tục nhập khẩu; đối với hàng hoá sản xuất
trong nước là nơi cơ sở trực tiếp sản xuất loại hàng hoá đó. Trường hợp sản xuất
nhỏ phân tán, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể do tổ chức, cá nhân thu mua nộp
thay cho người sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điều 12.-
Việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt quy định như sau:
1. Cơ sở sản xuất có số thuế phát
sinh lớn phải kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán hàng, trả hàng gia
công theo thông báo của cơ quan thuế. Cơ quan thuế cử cán bộ thường xuyên kiểm
tra và đôn đốc để cơ sở nộp thuế kịp thời vào Ngân sách Nhà nước.
Trường hợp xuất hàng chưa thu được
tiền thì hạn nộp thuế là ngày thu được tiền, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày
kể từ ngày phát hành thông báo thuế.
Đối với cơ sở sản xuất nhỏ, trên
cơ sở khoán số lượng hàng hoá sản xuất tiêu thụ, thuế tiêu thụ đặc biệt nộp
theo định kỳ vào ngày 10, ngày 20 và ngày cuối tháng theo thông báo của cơ quan
thuế.
Trường hợp thuế tiêu thụ đặc biệt
thu vào cơ sở thu mua thì cơ sở thu mua phải kê khai với cơ quan thuế nơi thu
mua và nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo từng lô hàng thu mua hoặc theo từng chuyến
hàng trước khi vận chuyển. Giá tính thuế trong trường hợp này là giá mua tại
nơi thu mua chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt.
2. Cơ sở nhập khẩu nộp thuế tiêu
thụ đặc biệt theo thông báo thuế của cơ quan thu thuế nhưng thời gian nộp chậm
nhất không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thuế.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với
hàng nhập khẩu phi mậu dịch và tiểu ngạch biên giới phải nộp ngay khi nhập khẩu
vào Việt Nam. Cơ quan thu thuế phải cấp biên lai khi thu thuế đối với trường hợp
này.
Điều 13.-
1. Hàng sản
xuất trong nước chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi vận chuyển phải có biên lai nộp
thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hoá đơn bán hàng đã đăng ký tại cơ quan thuế.
2. Hàng nhập khẩu chịu thuế tiêu
thụ đặc biệt khi vận chuyển phải có biên lai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc
thông báo nộp thuế tiêu thụ đặc biệt kèm theo tờ khai hàng hoá nhập khẩu đã được
cơ quan thuế kiểm tra, xác nhận.
Điều 14.-
Bộ Tài chính phát hành, quản lý các loại chứng từ, tờ khai về thuế tiêu thụ đặc
biệt.
Chương 4:
GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ
TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT
Điều 15.-
Việc giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt quy định như sau:
1. Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc
diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất
ngờ được xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức giảm được tính theo tỷ lệ (%) thiệt
hại về tài sản, nhưng không quá 50% số thuế phải nộp và số tiền thuế được giảm
không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại. Thời gian giảm thuế không quá 180
ngày kể từ sau thời điểm xẩy ra thiệt hại và có xuất hàng;
2. Cơ sở sản xuất mới thành lập
hoặc cơ sở mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất mới, nếu nộp đủ thuế
tiêu thụ đặc biệt mà bị lỗ được xét giảm thuế theo từng năm.
Mức giảm thuế tương ứng với số lỗ
của từng năm (tính theo năm dương lịch) nhưng không quá 30% (ba mươi phần trăm)
số thuế phải nộp của năm đó. Thời gian được xét giảm thuế không quá hai năm (24
tháng).
Cơ sở sản xuất mới thành lập là
cơ sở mới được đầu tư xây dựng, được cấp giấy phép sản xuất. Những cơ sở đã
thành lập trước đây, nay chia tách, sáp nhập, đổi tên, giải thể rồi thành lập lại
không thuộc đối tượng xét giảm thuế theo quy định này.
Trường hợp giảm thuế cho cơ sở mở
rộng sản xuất hoặc áp dụng công nghệ mới chỉ xét trên phần hàng hoá tăng thêm
so với sản lượng trước đó.
3. Đối với những cơ sở sản xuất
quy mô nhỏ, nếu khả năng không nộp đủ được theo mức thuế quy định thì Bộ Tài
chính căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh, giá cả thị trường, quyết định mức
và thời gian miễn, giảm thuế cho từng trường hợp cụ thể.
4. Các trường hợp miễn, giảm
khác, Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định miễn, giảm cho từng trường hợp cụ
thể.
Bộ Tài chính quy định thủ tục kê
khai xin miễn thuế, giảm thuế và quy định thủ tục, thẩm quyền xét miễn thuế, giảm
thuế quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 16.-
Chính phủ có quy đinh riêng về chế độ khen thưởng đối với tổ chức và cá nhân có
công trong việc thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và chế độ xử phạt đối với
tổ chức và cá nhân vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
Điều 17.-
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1996 thay thế Nghị định
số 56/CP ngày 28 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật
thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu
thụ đặc biệt.
Những quy định khác về thuế tiêu
thụ đặc biệt trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 18.-
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Bộ Tài chính uỷ nhiệm cho Tổng cục
Hải quan tổ chức việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu cùng với việc
thu thuế nhập khẩu.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.