Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 179/2007/TT-BQP hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng dân quân tự vệ do Bộ Quốc phòng ban hành

Số hiệu 179/2007/TT-BQP
Ngày ban hành 04/12/2007
Ngày có hiệu lực 31/12/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Quốc phòng
Người ký Phùng Quang Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ QUỐC PHÒNG
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 179/2007/TT-BQP

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ.

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Căn cứ Pháp lệnh Dân quân tự vệ ngày 29 tháng 04 năm 2004;
Để công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong tình hình mới; sau khi thống nhất với Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương (tại Công văn số 2291/BTĐKT-Vụ II ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương), Bộ Quốc phòng hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh.

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về thi đua và khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ, bao gồm: hình thức, nội dung tổ chức thi đua; các danh hiệu thi đua và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng và mức tiền thưởng; quy trình, hồ sơ tiến hành xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng.

2. Đối tượng áp dụng.

Thông tư này áp dụng cho tập thể, cá nhân thuộc lực lượng Dân quân tự vệ và tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng Dân quân tự vệ quy định tại Điều 5 của Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Cụ thể:

a) Đối với cá nhân, gồm:

- Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt;

- Cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng Dân quân tự vệ rộng rãi được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền, quy định tại Điều 19 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02/11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ. 

- Cán bộ Thôn đội, Xã đội, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

b) Đối với tập thể, gồm:

Các đơn vị Dân quân tự vệ nòng cốt từ cấp tiểu đội và tương đương trở lên.

3. Giải thích từ ngữ.

a) Lực lượng Dân quân tự vệ áp dụng tại Thông tư này bao gồm lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt và lực lượng Dân quân tự vệ rộng rãi.

- Lực lượng Dân quân tự vệ nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ bộ binh, Dân quân tự vệ binh chủng, Dân quân tự vệ biển; được tổ chức thành lực lượng cơ động, lực lượng tại chỗ, lực lượng dân quân thường trực ở các xã thuộc địa bàn trọng điểm có yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao.

- Lực lượng Dân quân tự vệ rộng rãi bao gồm: cán bộ, chiến sỹ Dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ Dân quân tự vệ và công dân trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Pháp lệnh Dân quân tự vệ.

b) Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gọi chung là Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cấp huyện.

c) Ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, gọi chung là Xã đội; thôn đội, ấp đội, khóm đội, bản đội, buôn đội, sóc đội, phum đội, tổ đội, cụm đội, khu đội, gọi chung là Thôn đội.

d) Ban chỉ huy quân sự được thành lập ở cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức.

e) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở Trung ương.

g) Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thành lập theo quyết định của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, gọi chung là Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở địa phương.

4. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng.

Thực hiện theo Điều 6 của Luật Thi đua, Khen thưởng; Điều 3, Điều 4 Nghị định số 121/2005/NĐ-CP của Chính phủ và những quy định cụ thể sau:

a) Việc tổ chức phong trào thi đua, xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với lực lượng Dân quân tự vệ do cơ quan quân sự các cấp thực hiện; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức; sự chỉ đạo, quản lý của cơ quan quân sự cấp trên và phối hợp của cơ quan thi đua, khen thưởng cùng cấp.

b) Trong cùng một thời điểm, cùng một thành tích, nếu đã được xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ thì không xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng trong các lĩnh vực khác, hoặc đã được xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng trong lĩnh vực khác thì không xét tặng danh hiệu thi đua và khen thưởng trong lực lượng Dân quân tự vệ.

[...]