Nghị định 121/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng và Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi

Số hiệu 121/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/09/2005
Ngày có hiệu lực 25/10/2005
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2005 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005, bao gồm: nội dung thi đua, tổ chức phong trào thi đua, tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua; các hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền, quyết định trao tặng; thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được khen thưởng, quỹ thi đua, khen thưởng và việc xử lý các vi phạm về thi đua, khen thưởng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng thi đua: công dân Việt Nam, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, cơ quan tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam.

2. Đối tượng khen thưởng: các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, có thành tích đều được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và của Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua

Thi đua thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai; đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua, mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

Điều 4. Nguyên tắc khen thưởng

Thực hiện khen thưởng trên nguyên tắc: chính xác, công khai, công bằng, kịp thời. Khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải theo trình tự  có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính.

Các tập thể có phạm vi lớn như: các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các Tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp từ quân đoàn (đối với lực lượng vũ trang nhân dân) trở lên, chỉ áp dụng các hình thức khen thưởng theo niên hạn.

Điều 5. Trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng giám đốc Tổng công ty nhà nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ trì, phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp cùng cấp để tổ chức phong trào thi đua, nhân rộng phong trào thi đua trong phạm vi mình quản lý và chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xứng đáng để khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng.

2. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

- Tổ chức và phối hợp với các cơ quan nhà nước để phát động, triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

- Phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, tham gia với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng.

- Giám sát việc thực hiện pháp luật về thi đua, khen thưởng; kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để thực hiện các quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và của Nghị định này.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng

Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền công tác thi đua, khen thưởng; phổ biến, nêu gương các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, cổ động phong trào thi đua. Phát hiện các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 7. Quỹ thi đua, khen thưởng

1. Lập quỹ thi đua, khen thưởng để phục vụ công tác thi đua, khen thưởng.

2. Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành từ ngân sách nhà nước, từ quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp, đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp khác.

[...]