Thông tư 15-BTC/TT năm 1991 quy định chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng thương mại Quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển do Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 15-BTC/TT
Ngày ban hành 16/03/1991
Ngày có hiệu lực 01/01/1991
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hoàng Quy
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15-BTC/TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 1991

 

THÔNG TƯ

SỐ 15-BTC/TT NGÀY 16-3-1991 CỦA BỘ TÀI CHÍNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI QUỐC DOANH VÀ NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN

Thi hành Nghị định số 196-HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng "quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ", Nghị định số 155-HĐBT ngày 15-10-1988 của Hội đồng Bộ trưởng "quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính", các Luật thuế doanh thu, thuế lợi tức ban hành theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII, Kỳ họp thứ 7 ngày 30-6-1990 và Nghị định số 351-HĐBộ trưởng, Nghị định số 353-HĐBT ngày 02-10-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành các luật thuế.
Căn cứ Pháp lệnh kế toán - thống kê do Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 20-5-1988 và Nghị định số 25-HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước.
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ban hành theo lệnh số 38-LCT/HĐNN ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính đối với Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng đầu tư và phát triển (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng quốc doanh) là đối tượng thực hiện các quy định trong Thông tư này.

2. Ngân hàng quốc doanh là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, được Nhà nước cấp vốn điều lệ, có quyền tự chủ về tài chính, chịu trách nhiệm vật chất về kết quả kinh doanh, đảm bảo vốn của Nhà nước được bảo toàn và phát triển, có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước theo đúng luật định.

3. Ngân hàng quốc doanh thực hiện các chế độ tài chính của Nhà nước quy định chung cho xí nghiệp quốc doanh và các quy định cụ thể tại Thông tư này.

II- NỘI DUNG QUẢN LÝ THU, CHI TÀI CHÍNH

1. Vốn Nhà nước và trách nhiệm bảo toàn:

a) Vốn Nhà nước thuộc quyền sử dụng, bảo toàn và phát triển của Ngân hàng quốc doanh gồm:

- Vốn ngân sách cấp: bao gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản do ngân sách cấp hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (như chênh lệch giá và các khoản phải nộp ngân sách nhưng được ngân sách để lại), vốn được viện trợ, quyên tặng hoặc tiếp quản từ chế độ cũ để lại.

- Vốn Ngân hàng quốc doanh bổ sung: gồm vốn cố định, vốn lưu động, vốn xây dựng cơ bản hình thành từ lợi nhuận để lại, các quỹ của Ngân hàng (trừ quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng).

b) Trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn của Ngân hàng quốc doanh

- Toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước cấp và vốn Ngân hàng bổ sung thêm từ sau thời điểm giao vốn đều phải tính chung vào số vốn Ngân hàng quốc doanh đã nhận và phải bảo toàn.

- Đối với vốn bổ sung, Ngân hàng quốc doanh được tự chủ trong việc sử dụng như thay thế đổi mới tài sản cố định, gốp vốn liên doanh liên kết. Tuy nhiên, số vốn này chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, không được sử dụng vốn Ngân hàng quốc doanh bổ sung vào mục đích ngoài kinh doanh, dịch vụ như xây dựng các công trình phúc lợi, mua sắm các phương tiện đồ dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống.

- Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng quốc doanh xác định lại số vốn Ngân hàng quốc doanh phải bảo toàn đến thời điểm 31-12. Số liệu này được dùng làm căn cứ duyệt quyết toán số vốn bảo toàn năm báo cáo và làm cơ sở kiểm tra mức độ bảo toàn vốn trong năm tiếp theo.

Việc xác định mức độ bảo toàn vốn thực hiện theo các văn bản của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc doanh chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng vốn. Mọi tổn thất, thiếu hụt vốn, tuỳ từng trường hợp sẽ sử lý theo quy định của Nhà nước.

- Ngân hàng đầu tư và phát triển chịu sự quản lý, kiểm tra của cơ quan tài chính trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, cho vay và cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước. Hàng năm, quyết toán vốn đầu tư theo nội dung hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Thu nhập, chi phí của Ngân hàng quốc doanh:

a) Thu nhập của Ngân hàng quốc doanh:

- Thu lãi cho vay (vốn cố định, vốn lưu động, vốn lưu động, nợ quá hạn).

- Thu lãi tiền gửi

- Thu lãi về hùn vốn, góp vốn liên doanh, liên kết

- Thu nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ và đối ngoại

- Thu lệ phí hoa hồng về các dịch vụ Ngân hàng

- Thu tiền phạt khách hàng phát hành séc quá số dư

- Các khoản thu khác trong hoạt động kinh doanh (bao gồm cả thu về cho thuê tài sản cố định).

[...]