Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Thông tư 40-TC/VP năm 1990 hướng dẫn tạm thời việc xây dựng kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch và quyết toán tài chính xí nghiệp quốc doanh do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 40-TC/VP
Ngày ban hành 08/09/1990
Ngày có hiệu lực 01/10/1990
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-TC/VP

Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 1990

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 40-TC/VP NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 1990 HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH BÁO CÁO THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ QUYẾT TOÁN TÀI CHÍNH XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Thi hành Quyết định số 144-HĐBT ngày 10 tháng 5 năm 1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tài chính XNQD, Bộ Tài chính hướng dẫn tạm thời nội dung lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch và quyết toán tài chính của Xí nghiệp quốc doanh như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Những loại hình xí nghiệp thuộc phạm vi hướng dẫn của văn bản này là tất cả những đơn vị sản xuất kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập như: Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh bao gồm cả quốc danh lâm nghiệp thuỷ sản, nông trường và trạm trại hạch toán kinh tế, công ty thương nghiệp dịch vụ, công ty xây lắp bao thầu, công ty xuất nhập khẩu, các Ngân hàng chuyên doanh các đơn vị kinh doanh thuộc ngân hàng, những loại hình xí nghiệp thuộc ngành bưu điện, vận tải đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, hàng không, dưới đây gọi tắt là xí nghiệp quốc doanh.

2. Kế hoạch tài chính là một bộ phận thống nhất và được xây dựng đồng thời với kế hoạch sản xuất - kỹ thuật - tài chính - xã hội của xí nghiệp quốc doanh. Thông qua các chỉ tiêu tài chính tổng hợp xem xét đánh giá tính đồng bộ tính hiệu quả của kế hoạch của xí nghiệp quốc doanh.

3. Lập kế hoạch tài chính xí nghiệp quốc doanh bao gồm kế hoạch thu chi tài chính, trong đó phải thể hiện rõ việc huy động các nguồn vốn trong nước và nước ngoài và phương án biện pháp trả nợ các nguồn vay, nguồn vốn tham gia, hợp tác liên doanh với trong và ngoài nước và hiệu quả mang lại, kế hoạch nộp ngân sách nhà nước, kế hoạch phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ xí nghiệp được lập theo kế hoạch tài chính dài hạn kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch tài chính năm.

4. Kế hoạch tài chính năm là một bộ phận cấu thành hữu cơ của kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính dài hạn.

Xí nghiệp chủ động tiếp cận thị trường, tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, ký các hợp đồng về cung ứng vật tư nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất tăng thêm sản phẩm hàng hoá với chất lượng cao, hạ giá thành và phí tăng tích luỹ cho xí nghiệp đồng thời tăng thu nộp cho ngân sách Nhà nước.

5. Xí nghiệp có nghĩa vụ đăng ký sản xuất kinh doanh và trực tiếp nộp các khoản thuế và các khoản phải nộp khác đúng luật, đúng chính sách chế độ đối với cơ quan tài chính Nhà nước.

Xí nghiệp phải thực hiện đúng "Pháp lệnh kế toán và thống kê" do Hội đồng nhà nước công bố theo Lệnh số 06-LCT/HĐNN ngày 20-5-1989 "Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước" ban hành theo nghị định số 25-HĐBT, ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng "Hệ thống tài khoản kế toán thống nhất" ban hành theo Quyết định số 212-TC/CĐKT ngày 25-12-1989 của Bộ Tài chính, "Chế độ ghi chép ban đầu" ban hành theo Quyết định số 583-LB ngày 01 tháng 9 năm 1967 của Liên bộ Tài chính - Tổng cục Thống kê, "Sửa đổi bổ sung chế độ ghi chép ban đầu" của Quyết định số 583-LB ban hành theo Quyết định số 200-PPCĐ ngày 24 tháng 3 năm 1983 của Tổng cục thống kê.

Các xí nghiệp quốc doanh căn cứ vào chế độ báo cáo và hệ thống chỉ tiêu dưới đây lập kế hoạch tài chính và báo cáo tình hình thực hiện đến cơ quan tài chính và cơ quan cấp trên của xí nghiệp.

II- NHỮNG CHỈ TIÊU TỔNG HỢP CỦA KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH:

1. Công nghiệp quốc doanh Biểu 01-CN

a) Giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện:

Tính giá trị sản lượng hàng hoá đã xuất kho thành phẩm để tiêu thụ và đã nhận được giấy báo trả tiền của Ngân hàng và giá trị hàng hoá tiêu thụ đã được chấp nhận trả tiền.

Giá để tính là giá bán buôn hoặc giá thực thu.

Đối với ngành giao thông vận tải là giá trị vận chuyển hành khách hàng hoá thu được trong kỳ tính từ giá cước vận chuyển.

b) Sản lượng sản phẩm hàng hoá:

Sản lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong kỳ kế hoạch trong đó phân ra sản lượng sản phẩm được Nhà nước giao chỉ tiêu và cân đối vật tư nguyên liệu và sản lượng sản phẩm giao xuất khẩu.

Trong ngành giao thông vận tải là khối lượng vận chuyển hành khách hàng hoá tính theo 1000 hành khách hoặc 1000 tấn và triệu hành khách cây số hoặc triệu tấn cây số.

Xí nghiệp chủ động bố trí kế hoạch theo hợp đồng kinh tế cụ thể ký với khách hàng ngoài phần sản lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng của Nhà nước, theo quy cách kích cỡ và địa chỉ tiêu thụ được chỉ định. Về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá theo quy định của Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật và ngành chủ quản.

c) Doanh thu bán hàng:

Doanh thu của sản phẩm hàng hoá tiêu thụ trong kỳ kế hoạch, trong đó doanh thu hàng xuất khẩu. Doanh thu bán hàng ghi rõ tiền Việt và ngoại tệ (nếu có).

Doanh thu bán hàng phải phản ánh được toàn bộ doanh thu sản xuất kinh doanh chính, doanh thu của các bộ phận sản xuất kinh doanh dịch vụ khác kể cả hợp tác kinh doanh với các xí nghiệp bạn và các thành phần kinh tế khác của xí nghiệp.

Trường hợp bộ phận sản xuất kinh doanh dịch vụ khác trực thuộc xí nghiệp là đơn vị hạch toán kinh tế độc lập có tư cách pháp nhân có đăng ký và trực tiếp làm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước với cơ quan tài chính thì đơn vị này cũng lập theo cùng biểu mẫu này gửi cơ quan tài chính.

d) Giá thành sản phẩm:

Tổng giá thành và giá thành sản phẩm hàng hoá, hạch toán theo đúng chính sách chế độ hiện hành của Nhà nước, theo tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật; các định mức lao động - tiền lương, định mức tiêu hao vật tư nguyên nhiên vật liệu do Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh hay cơ quan chủ quản ban hành.

[...]