Nghị định 22-HĐBT năm 1991 quy định chế độ thu và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 22-HĐBT
Ngày ban hành 24/01/1991
Ngày có hiệu lực 01/01/1991
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22-HĐBT

Hà Nội, ngày 24 tháng 1 năm 1991

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 22-HĐBT NGÀY 24-1-1991 NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ THU VÀ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Căn cứ luật Tổ chức Hội dồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính
,

NGHỊ ĐỊNH :

Đối tượng tính và nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách 

Điều 1. - Thu về sử dụng vốn đối với các tổ chức kinh tế là khoản thu tính trên vốn (bao gồm vốn cố định, vốn lưu động) do ngân sách Nhà nước cấp và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (gọi chung là vốn ngân sách Nhà nước cấp).

Chế độ thu về sử dụng vốn ngân sách là nhằm bảo đảm công bằng trong việc sử dụng các nguồn vốn, thúc đẩy tổ chức kinh tế sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách.

Điều 2. - Đối tượng nộp tiền thu về sử dụng vốn ngân sách là các tổ chức kinh doanh hoạch toán kinh tế độc lập, kể cả các đơn vị sự nghiệp hạch toán kinh tế, lực lượng vũ trang làm kinh tế, ngành ngân hàng, bảo hiểm, xổ số kiến thiết có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cấp.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH VÀ MỨC THU

Điều 3. - Căn cứ để tính số tiền thu về sử dụng vốn ngân sách là tổng số vốn thuộc diện phải thu và tỷ lệ thu.

a) Tổng số vốn thuộc diện phải thu về sử dụng vốn ngân sách bao gồm: vốn cố định, vốn lưu động cho ngân sách Nhà nước cấp và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước được xác định trên cơ sở biên bản giao nhận vốn; số vốn tăng thêm do chế độ bảo toàn vốn.

Tổng số vốn thuộc diện phải thu về sử dụng vốn ngân sách được giảm tương ứng số vốn Nhà nước đã thu hồi (khấu hao cơ bản nộp ngân sách, hoạch toán cho ngân sách, điều chuyển vốn cho đơn vị khác...).

b) Tỷ lệ thu về sử dụng vốn ngân sách được quy định hàng tháng đối với các ngành như sau:

1. Công nghiệp điện nặng, khai thác mỏ, luyện kim, cơ khí, hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, trồng rừng, khai thác lâm sản, thuỷ sản, xây dựng cơ bản, vận tải: 0,2% - 0,40%.

2. Công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp khác: 0,3% - 0,4%.

3. Ngành nông nghiệp: nông trường, trạm máy kéo, xí nghiệp thuỷ nông, cung ứng máy móc, thiết bị nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu: 0,2% - 0,3% .

4. Thương nghiệp, cung ứng vật tư, dịch vụ du lịch, bưu điện, ngân hàng, bảo hiểm, xổ số kiến thiết và kinh doanh khác: 0,4% - 0,5% .

Bộ Tài chính cụ thể hoá tỷ lệ thu phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành.

Chương 3:

KÊ KHAI VÀ NỘP TIỀN THU VỀ SỬ DỤNG VỐN NGÂN SÁCH

Điều 4. - Các đơn vị nộp thu về sử dụng vốn ngân sách có trách nhiệm:

1. Khai báo trung thực và đầy đủ với cơ quan thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính.

Khi có thay đổi về đối tượng tính thu, đơn vị nộp thu phải khai bổ sung với cơ quan thuế trong thời hạn 10 ngày kể tờ khi có sự thay đổi.

2. Cung cấp đầy đủ tài liệu có liên quan đến việc tính thu về sử dụng vốn theo yêu cầu của cơ quan thuế.

3. Nộp đủ và đúng hạn tiền thu về sử dụng vốn vào ngân sách Nhà nước.

Điều 5. - Tiền thu về sử dụng vốn được nộp hàng tháng vào ngân sách Nhà nước theo quy định của cơ quan thuế, chậm nhất không quá ngày 5 tháng sau. Cuối quý, cuối năm, đơn vị nộp thu về sử dụng vốn phải quyết toán số thu phải nộp với cơ quan thuế, nếu nộp thiếu phải nộp thêm cho đủ, chậm nhất không quá 10 ngày sau khi có quyết toán quý và 20 ngày sau khi có quyết toán năm. Nếu nộp thừa thì số thừa được tính vào số nộp của kỳ sau.

[...]