Nghị định 351-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Luật Thuế doanh thu do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 351-HĐBT
Ngày ban hành 02/10/1990
Ngày có hiệu lực 17/10/1990
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 351-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1990

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 351-HĐBT NGÀY 2-10-1990 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ DOANH THU

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật thuế doanh thu;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước số 270B-NQ/HĐNN8 ngày 8 tháng 8 năm 1990 về việc công bố và thi hành Luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lợi tức.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ DOANH THU

Điều 1. Đối tượng nộp thuế doanh thu bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh có doanh thu (gọi chung là cơ sở kinh doanh) thuộc mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế, mọi hình thức hoạt động có địa điểm kinh doanh cố định hay lưu động, hoạt động thường xuyên hoặc không thường xuyên trên lãnh thổ Việt Nam được quy định tại Điều 1 Luật thuế doanh thu.

Điều 2. Những hoạt động sau đây không thuộc diện chịu thuế doanh thu:

1. Sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế nông nghiệp.

2. Sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

3. Sản xuất hàng hoá thực tế xuất khẩu.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ DOANH THU

Điều 3. Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ trong kỳ nộp thuế sau khi thực hiện việc bán hàng, trả hàng gia công hoặc cung ứng dịch vụ theo quy định tại Điều 8 Luật thuế doanh thu, chưa trừ một khoản phí tổn nào; không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

1. Đối với hoạt động sản xuất, chế biến, lắp ráp (bao gồm cả công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp), khai thác khoáng sản, lâm sản, thuỷ sản là tiền bán sản phẩm, nửa thành phẩm, phế phẩm, bao bì, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, động lực, tài sản cố định chưa thanh lý.

2. Đối với hoạt động xây dựng là tiền phải trả về công trình hoặc hạng mục công trình hoàn thành bàn giao, tiền sửa chữa, dịch vụ xây dựng.

3. Đối với hoạt động vận tải là tiền cước phí vận chuyển hàng hoá, hành khách, hành lý và các khoản thu khác được quy định đối với ngành vận tải.

4. Đối với hoạt động thương nghiệp, ăn uống là tiền bán hàng kể cả hàng tự chế biến.

5. Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ là tiền thu về dịch vụ, bao gồm tiền công, tiền nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế (nếu có và các khoản chi phí khác cho hoạt động dịch vụ.

a) Đối với hoạt động kinh doanh bưu điện là tiền cước phí bưu điện (kể cả tiền bán tem) và doanh thu về các hoạt động sản xuất dịch vụ khác.

b) Đối với hoạt động tín dụng, ngân hàng là toàn bộ số tiền lãi do người vay trả và toàn bộ các khoản thu về kinh doanh khác như thu về dịch vụ thành toán qua ngân hàng, bán cầm đồ, chế biến vàng bạc, đồ trang sức, v.v...

c) Đối với hoạt động cho thuê tài sản là tiền thu về cho thuê tài sản. 6. Đối với cơ sở sản xuất và dịch vụ của nhà trường hoặc các đơn vị giáo dục, đào tạo khác có tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ ra ngoài phạm vi của các đơn vị này thì vẫn phải nộp thuế doanh thu theo chế độ chung và các thuế suất cụ thể đối với từng ngành nghề sản xuất hay dịch vụ.

Đối với các trường có nhu cầu đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị giảng dạy hoặc học tập của trường thì phải có phương án và ghi vào kế hoạch của ngành hoặc của địa phương; cơ quan tài chính xem xét và cấp lại cho trường từ ngân sách Nhà nước.

7. Đối với doanh thu nhận bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá mua vào do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu ngoại tệ; trường hợp ngoại tệ không được Ngân hàng công bố tỷ giá, thì phải đổi theo tỷ giá do Bộ tài chính quy định.

Điều 4. Căn cứ Điều 9 Luật thuế doanh thu, Hội đồng Bộ trưởng giao Bộ Tài chính chi tiết hoá biểu thuế đính kèm theo Luật thuế doanh thu.

Trường hợp cơ sở sản xuất vừa chịu thuế suất theo ngành nghề, theo nguyên liệu, vừa chịu thuế suất theo công dụng thì được áp dụng thuế suất theo công dụng.

Điều 5. Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề chịu thuế suất thuế doanh thu khác nhau thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất đối với từng ngành nghề. Nếu cơ sở không hạch toán riêng được doanh thu đối với từng ngành nghề thì áp dụng thuế suất cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh.

[...]