Thông tư 14/2002/TT-BLĐTBXH hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với một số trường hợp tồn sót trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 14/2002/TT-BLĐTBXH
Ngày ban hành 11/09/2002
Ngày có hiệu lực 26/09/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 14/2002/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 2002

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 14/2002/TT-BLĐTBXH NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN LẬP THỦ TỤC HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN LIỆT SỸ ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP TỒN SÓT TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN

Hiện nay, các địa phương, các Bộ, ngành đang khẩn trương xác minh, kết luận, đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với những người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ còn tồn sót trong thời kỳ cách mạng và trong kháng chiến theo Công văn số 150/CP-VX ngày 7 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 09/2001/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, có một số trường hợp hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã có phần mộ trong nghĩa trang liệt sỹ hoặc có tên trong danh sách liệt sỹ đang được quản lý ở địa phương hoặc cơ quan, đơn vị; có Bằng "Tổ quốc ghi công".

Bằng "Tổ quốc ghi ơn" do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh ký hoặc trong Huân chương, Huy chương và giấy tờ khác đã ghi liệt sĩ; có trường hợp tham gia Cách mạng và kháng chiến đến nay không có tin tức chưa được lập hồ sơ thủ tục xác nhận liệt sĩ.

Trong thực tế, nhiều trường hợp nói trên đã đủ điều kiện, tiêu chuẩn là liệt sĩ theo quy định của nhà nước, nhưng do chưa có hướng dẫn thực hiện nên các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện việc đề nghị công nhận liệt sĩ và giải quyết quyền lợi đối với gia đình; tình hình đó đã gây nhiều bức xúc đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và nhân dân.

Để giải quyết những vướng mắc trên đây, sau khi có ý kiến của Bộ Công an tại Công văn số 2538/BCA (XII) ngày 22 tháng 8 năm 2002; Bộ Quốc phòng tại Công văn số 2906/BQP ngày 30 tháng 8 năm 2002 và ý kiến của một số địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc lập thủ tục hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với một số trường hợp tồn sót trong thời kỳ Cách mạng và kháng chiến như sau:

I. CÁC TRƯỜNG HỢP TỒN SÓT ĐƯỢC XEM XÉT TẬP HỒ SƠ LIỆT SĨ

1. Người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã có phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ:

Quân nhân, công an nhân dân, dân quân du kích, cán bộ và công dân làm nhiệm vụ chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu trong thời kỳ Cách mạng và kháng chiến đã được nhân dân và chính quyền địa phương nơi người hy sinh suy tôn, đưa vào an táng, bảo quản phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương.

2. Người hy sinh chưa được đổi Bằng "Tổ Quốc ghi công":

Người hy sinh đã được tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bằng "Tổ quốc ghi ơn" của Bộ trưởng Bộ Thương binh Cựu binh đến nay chưa được đổi lại Bằng "Tổ quốc ghi công" do Thủ tướng Chính phủ tặng.

3. Người hy sinh được ghi là liệt sĩ trong các giấy tờ, danh sách:

Người hy sinh trong thời kỳ Cách mạng và kháng chiến mà gia đình còn lưu giữ được một trong các giấy tờ như: giấy báo tử trận; trong Bằng Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận đeo Huân chương, Huy chương, Bảng vàng danh dự, Bảng gia đình vẻ vang hoặc các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước có ghi liệt sĩ, hy sinh, biệt tin hoặc trong danh sách, tài liệu lịch sử của cấp xã, huyện, tỉnh hoặc cơ quan, đơn vị (có thẩm quyền), ghi nhận là tiệt sĩ.

4. Người hoạt động Cách mạng, hoạt động kháng chiến mất tin, mất tích:

Người mất tin, mất tích trong thời kỳ Cách mạng và kháng chiến thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11, Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ mà đến nay vẫn không có chứng cứ là còn sống, đầu hàng, phản bội, hoặc đảo ngũ, bỏ việc, thôi việc hoặc chết vì tai nạn, ốm đau hoặc đã phạm pháp bị án tù của Cách mạng thì được coi như đã hy sinh vì làm nhiệm vụ.

II. THỦ TỤC HỒ SƠ, THẨM QUYỀN TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN LIỆT SỸ

1. Đối với trường hợp quy định tại điểm 1 mục I

1.1. Giấy đề nghị xác nhận liệt sĩ của thân nhân liệt sĩ hoặc người đứng tên nhận trách nhiệm thờ cúng (nếu không còn thân nhân chủ yếu của liệt sĩ) hoặc giấy đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) đối với liệt sĩ không còn thân nhân hoặc người thờ cúng.

Trường hợp thân nhân liệt sĩ hoặc người đảm nhận việc thờ cúng liệt sĩ không có khả năng viết giấy đề nghị thì Uỷ ban nhân dân xã cử ít nhất là 2 người trực tiếp gặp gỡ, ghi ý kiến của họ và ký tên vào giấy đề nghị xác nhận liệt sĩ.

1.2. Biên bản phiên họp tập thể Hội đồng xác nhận cấp xã gồm đại diện: Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Thương binh Xã hội, Cựu chiến binh, Công an, Xã đội và đại diện người cao tuổi (mẫu số 2 kèm theo). Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân, không còn người thờ cúng thì ghi rõ trong biên bản này.

1.3. Giấy chứng nhận tình hình thân nhân:

- Đối với thân nhân chủ yếu của liệt sĩ: giấy chứng nhận tình hình thân nhân do ủy ban nhân dân xã lập theo quy định hiện hành.

- Đối với liệt sĩ chỉ còn người thân khác (Anh, chị, em ruột; bác, chú, cậu, cô, dì,...) Uỷ ban nhân dân xã lập giấy chứng nhận người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo quy định của pháp luật và đề nghị của anh em hoặc họ tộc (mẫu số 1 kèm theo).

1.4. Uỷ ban nhân dân xã lập danh sách đề nghị cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" (mẫu: DS1 kèm theo); thông báo công khai trong các cuộc họp, trên bản tin, phát thanh để nhân dân được biết. Sau 15 ngày, Uỷ ban nhân dân xã báo cáo kết quả ý kiến của nhân dân và gửi Phòng Tổ chức Lao động Thương binh và Xã hội cùng với giấy đề nghị xác nhận liệt sĩ, biên bản, giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ (gọi chung là hồ sơ).

1.5. Phòng Tổ chức Lao động Thương binh và Xã hội giúp Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã (sau đây gọi tắt là huyện) kiểm tra hồ sơ, tổng hợp danh sách đề nghị cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" của các xã, trình Ủy ban nhân dân huyện duyệt ký công văn gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

1.6. Sở lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) kiểm tra hồ sơ, danh sách đề nghị cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" do phòng Lao động Thương binh và Xã hội chuyển đến, tổng hợp danh sách trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét duyệt ký văn bản đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng "Tổ quốc ghi công". Sau đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoàn chỉnh thủ tục (ghi số quản lý của địa phương, viết trích lục, lưu giữ hồ sơ); chuyển trích lục hồ sơ, văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh và danh sách đề nghị cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng "Tổ quốc ghi công".

2. Đối với trường hợp quy định tại điểm 2 mục 1:

[...]