Thông tư 136/1999/TT-BTC hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 136/1999/TT-BTC
Ngày ban hành 19/11/1999
Ngày có hiệu lực 19/11/1999
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Đầu tư,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1999

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 136/1999/TT-BTC NGÀY 19 THÁNG 11NĂM 1999 HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ban hành ngày 20/3/1996;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 145/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính phủ về tổ chức lại Tổng cục Đầu tư phát triển trực thuộc Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư như sau:

Phần 1

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các dự án đầu tư của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng đều phải quyết toán vốn đầu tư. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư. Việc quyết toán vốn đầu tư phải đảm bảo nội dung, thời gian lập, thẩm tra và phê duyệt theo quy định tại Thông tư này.

2. Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí theo đúng hợp đồng đã ký kết và thiết kế dự toán được phê duyệt, bảo đảm đúng quy chuẩn, định mức, đơn giá, chế độ tài chính - kế toán và những quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan. Vốn đầu tư được quyết toán chỉ trong giới hạn tổng mức đầu tư đã duyệt hoặc đã được điều chỉnh (nếu có).

3. Dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, khi quyết toán phải phân tích rõ từng nguồn vốn đầu tư.

4. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư phải xác định đầy đủ, chính xác số vốn đầu tư thực hiện hàng năm; tổng mức vốn đầu tư thực hiện dự án bao gồm chi phí cho việc chuẩn bị đầu tư, chi phí chuẩn bị thực hiện đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư, chi phí chuẩn bị sản xuất, lãi vay của chủ đầu tư trong thời gian thực hiện đầu tư, chi phí bảo hiểm và những chi phí hợp pháp khác theo chế độ hiện hành. Giá trị thiệt hại không tính vào giá trị của dự án, giá trị tài sản bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Đối với các dự án đầu tư nhiều năm, khi quyết toán chủ đầu tư phải quy đổi vốn đầu tư đã thực hiện về mặt bằng giá trị tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng để xác định giá trị tài sản cố định mới tăng và giá trị tài sản bàn giao.

5. Thông qua công tác quyết toán vốn đầu tư để đánh giá kết quả quá trình đầu tư, rút kinh nghiệm nhằm tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư.

Phần 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

I. NỘI DUNG BÁO CÁO QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Nội dung báo cáo quyết toán phải phù hợp với từng loại dự án: Dự án đầu tư hoàn thành, dự án quy hoạch hoàn thành, dự án chuẩn bị đầu tư hoàn thành, dự án nhóm A có nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, dự án đầu tư có sử dụng vốn nước ngoài.

1/ Đối với dự án đầu tư hoàn thành:

1.1 Vốn đầu tư thực hiện dự án qua các năm:

- Toàn bộ vốn đầu tư thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng.

- Xác định rõ từng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn đầu tư phát triển của các doanh nghiệp Nhà nước và các nguồn vốn khác

- Cơ cấu vốn đầu tư của dự án: Vốn xây lắp, vốn thiết bị, vốn chi phí khác.

1.2 Giá trị thiệt hại không tính vào giá trị tài sản bàn giao:

- Thiệt hại do thiên tai, địch hoạ và các nguyên nhân bất khả kháng không thuộc phạm vi và đối tượng được bảo hiểm.

- Giá trị khối lượng được huỷ bỏ theo quyết định của cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư.

1.3 Giá trị tài sản bàn giao:

- Giá trị tài sản cố định (TSCĐ) mới tăng và tài sản lưu động (TSLĐ) do đầu tư tạo ra bàn giao cho sản xuất, sử dụng là tổng số vốn đầu tư thực hiện dự án qua các năm trừ đi các khoản chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án và được phản ánh theo giá trị thực tế và giá quy đổi về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

Phương pháp quy đổi về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Trường hợp khi lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư chưa có hướng dẫn phương pháp quy đổi giá, chủ đầu tư có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp quy đổi giá để làm căn cứ lập báo cáo quyết toán.

- Tài sản cố định mới tăng được phân loại và xác định giá trị theo nguyên tắc: chi phí trực tiếp liên quan đến TSCĐ nào thì tính cho TSCĐ đó; chi phí chung liên quan đến nhiều TSCĐ thì phân bổ theo tỷ lệ chi phí trực tiếp của từng TSCĐ so với tổng số chi phí trực tiếp của toàn bộ TSCĐ.

- Trường hợp tài sản bàn giao cho nhiều đơn vị sử dụng phải xác định đầy đủ danh mục và giá trị TSCĐ và TSLĐ của dự án đã bàn giao cho từng đơn vị.

[...]