Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Luật ngân sách Nhà nước 1996

Số hiệu 47-L/CTN
Ngày ban hành 20/03/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-L/CTN

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1996

 

LUẬT

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Để quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, xây dựng ngân sách Nhà nước lành mạnh, củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tiền của của Nhà nước, tăng tích lũy để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về lập, chấp hành, quyết toán, kiểm tra ngân sách Nhà nước và về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước các cấp trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Ngân sách Nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Điều 2

1- Thu ngân sách Nhà nước bao gồm: các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật; các khoản do Nhà nước vay để bù đắp bôi chi được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước.

2- Chi ngân sách Nhà nước bao gồm: các khoản chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3

Ngân sách Nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, có phân công trách nhiệm gắn với quyền hạn, phân cấp quản lý giữa các ngành, các cấp.

Quốc hội quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước.

Điều 4

Ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương (ngân sách địa phương). Quan hệ giữa ngân sách các cấp được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

1- Ngân sách trung ương và ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân định nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể;

2- Thực hiện việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương. Số bổ sung này là khoản thu của ngân sách cấp dưới;

3- Trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi thuộc chức năng của mình, thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó;

4- Ngoài việc bổ sung nguồn thu và uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ chi quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, không được dúng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác.

Điều 5

1- Thu ngân sách Nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.

2- Chi ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã có trong dự toán ngân sách được duyệt, trừ trường hợp quy định tại các Điều 56 và 62 của Luật này;

b) Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền chuẩn chi.

Ngoài các điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này đối với những khoản chi cho công việc cần phải đấu thầu thì còn phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Chính phủ.

3- Các ngành, các cấp, các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của pháp luật.

4- Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát kịp thời các khoản chi; có quyền từ chối chi trả các khoản chi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

[...]