PHỦ THỦ TƯỚNG
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 109-BT
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 06 năm 1978
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN THỰC HIỆN BẢN QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ỦY
BAN NHÂN DÂN HUYỆN
Hội đồng Chính phủ đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ
máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ủy ban Nhân dân huyện; Phủ thủ tướng
hướng dẫn các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính
phủ, các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ủy ban
Nhân dân huyện thực hiện bản quy định đó như sau.
I. ỦY BAN
NHÂN DÂN HUYỆN
1. Bản quy định của Hội đồng chính phủ lần này chỉ nêu lên những
điểm bổ sung về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Nhân dân huyện, để
làm cơ sở cho việc xác định cơ cấu tổ chức và nguyên tắc phân công trong Ủy ban
Nhân dân huyện.
Vì vậy, trong khi thực hiện bản quy định của Hội đồng Chính phủ,
các ngành ở Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện vẫn phải quán triệt chỉ
thị số 33/CT/TU ngày 24/01/1978 của Bộ Chính trị và nghị quyết số 33-CP ngày
04/02/1978 của Hội đồng Chính phủ.
2. Căn cứ vào quyết định số 247-NQ/QHK6 ngày 26/5/1978 của Ủy
ban thường vụ Quốc hội về bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện
và số lượng thành viên Ủy ban Nhân dân huyện, Hội đồng Chính phủ quy định cụ thể
như sau:
- Các huyện vùng đồng bằng, trung du trước đây có từ 7 đến 9
người, nay có từ 11 đến 13 người;
- Các huyện miền núi có nhiều dân tộc ở xen kẽ trước đây có từ
7 đến 11 người, nay có từ 11 đến 15 người.
Các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn cho các Ủy ban
Nhân dân huyện thực hiện đúng quy định của Chính phủ, chú trọng làm trước tại
các huyện điểm.
3. Nguyên tắc phân công trong Ủy ban Nhân dân huyện đã nói rõ ở
điều 53 của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp:
- Ủy ban Nhân dân các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể
lãnh đạo, phân công phụ trách.
Mỗi thành viên của Ủy ban Nhân dân chịu trách nhiệm chung về
công tác của Ủy ban Nhân dân và chịu trách nhiệm riêng về phần công tác của
mình.
Phủ thủ tướng hướng dẫn thêm việc phân công cụ thể của các
thành viên Ủy ban Nhân dân huyện như sau:
- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện lãnh đạo toàn bộ công tác của
Ủy ban, bảo đảm chấp hành đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện,
các nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư và chỉ thị của Ủy ban Nhân dân
tỉnh hoặc thành phố và của các cơ quan Nhà nước cấp trên.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện còn trực tiếp phụ trách hoặc
làm trưởng ban kế hoạch của huyện.
Các phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện giúp chủ tịch lãnh đạo
công tác của Ủy ban và được phân công chỉ đạo từng khối công tác:
- Nông nghiệp hoặc nông lâm nghiệp hay hải sản;
- Công nghiệp – xây dựng cơ bản – giao thông vận tải;
- Vật tư – thương nghiệp – đời sống.
Một ủy viên thư ký phụ trách Văn phòng Ủy ban và giúp chủ tịch
điều hành công việc hàng ngày.
Bộ phận thường trực của Ủy ban gồm chủ tịch, các phó chủ tịch
và ủy viên thư ký để giải quyết công việc, bảo đảm sự làm việc tập thể giữa hai
kỳ họp của toàn thể Ủy ban.
Các ủy viên khác của Ủy ban Nhân dân huyện, ngoài việc tích cực
tham gia vào sự lãnh đạo chung, còn được phân công phụ trách hoặc trực tiếp làm
trưởng các ban chuyên môn:
- Một ủy viên làm trưởng ban thủy lợi,
- Một ủy viên làm trưởng ban tài chính – giá cả.
- Một ủy viên làm trưởng ban văn hóa – thông tin,
- Một ủy viên làm trưởng ban giáo dục – mẫu giáo – nhà trẻ,
- Một ủy viên làm trưởng ban y tế – thể dục thể thao,
- Một ủy viên làm trưởng ban thanh tra,
- Một ủy viên làm trưởng ban chỉ huy quân sự huyện,
- Một ủy viên làm trưởng ban công an huyện.
Tùy theo vị trí công tác của các ngành trong huyện và số lượng
ủy viên trong Ủy ban mà phân công một ủy viên phụ trách một hoặc hai ban.
II. CÁC BAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN
DÂN HUYỆN
1. Các ban chuyên môn giúp việc Ủy ban Nhân dân huyện gồm 14
ban và một văn phòng Ủy ban.
Riêng đối với các huyện miền núi, rẻo cao thì lập thêm ban định
canh, định cư; các huyện có nhiệm vụ đưa nhân dân đi hoặc tiếp nhận nhân dân đến
vùng kinh tế mới thì lập thêm ban kinh tế mới.
Ngoài các ban kể trên, các ngành, các cấp muốn lập thêm ban
chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện phải báo cáo và xin ý kiến của Hội đồng
Chính phủ.
2. Tổ chức và cách làm việc của ban chuyên môn: mỗi ban có một
trưởng ban và từ một đến hai phó trưởng ban. Trưởng phó ban các ban chuyên môn
do Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị (có tham khảo ý kiến của các Sở, Ty) Ủy ban
Nhân dân tỉnh, thành phố bổ nhiệm.
- Các ban làm việc theo chế độ thủ trưởng, Trưởng ban chịu
trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân huyện và trước thủ trưởng cơ quan chuyên môn
cấp trên thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố về toàn bộ công tác của ban. Những
ban có nội dung công tác liên quan đến nhiều Sở, Ty thì trưởng ban phải báo cáo
công tác và chịu sự chỉ đạo về phần chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở, Ty đó phụ
trách.
Đối với những ngành, những mặt công tác đã tổ chức và quản lý
theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến huyện (thống kê, ngân hàng, lương thực,
bưu điện v.v…) thì vẫn giữ nguyên việc quản lý theo ngành. Nhưng trong phạm vi
huyện, về mặt quản lý Nhà nước những ngành, những mặt công tác đó vẫn phải chịu
sự chỉ đạo toàn diện của Ủy ban Nhân dân huyện.
- Trong các ban chuyên môn không thành lập các phòng mà thành
lập các tổ chuyên môn; mỗi tổ chuyên môn phải có một tổ trưởng, do Ủy ban Nhân
dân huyện chỉ định, nói chung các phó trưởng ban nên trực tiếp làm tổ trưởng,
- Căn cứ vào quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Ủy ban
Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện việc dùng con dấu
riêng và việc sử dụng tài khoản riêng đối với một số ban chuyên môn của huyện.
III. QUAN HỆ CÔNG TÁC
Căn cứ vào quy định của Hội đồng Chính phủ, Phủ thủ tướng hướng
dẫn thực hiện các mối quan hệ công tác của Ủy ban Nhân dân huyện với các ngành,
các cấp như sau:
1. Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm đề ra kế hoạch
và biện pháp cụ thể để lãnh đạo và giúp đỡ Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện bản
quy định của Hội dồng Chính phủ; trước hết, ở các huyện điểm, qua đó, rút kinh
nghiệm để chỉ đạo các huyện khác thực hiện.
2. Các Sở, Ty chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố
có trách nhiệm giúp chỉ đạo nghiệp vụ đối với các ban chuyên môn của huyện, và
giúp Ủy ban Nhân dân huyện quản lý và tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác.
- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện
pháp cụ thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng
năm về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện, theo đúng nội dung,
phương pháp, trình tự, tiến độ kế hoạch hóa của nhà nước đã quy định.
- Sở, Ty nông nghiệp tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ
thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp; xây dựng
cơ sở vật chất - kỹ thuật như trạm máy nông nghiệp, cơ sở sửa chữa cơ khí, trại
giống lúa, trại giống lợn, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, các xí nghiệp nhỏ
về chế biến thức ăn cho gia súc, chế biến nông sản, thực phẩm, lâm sản.
- Sở, Ty thủy lợi tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ thể
giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ; xây dựng
mạng lưới thủy nông; tổ chức việc bảo vệ, bồi bổ hệ thống đê, đập, các công
trình ngầm dưới đê thuộc phạm vi huyện.
- Sở, Ty thủy sản tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ thể
giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng quy hoạch phát triển nuôi cá nước ngọt
trong hồ, ao, ruộng, mương, máng, sông, ngòi, cá nước mặn, nước lợ trên các mặt
nước của biển, ven biển.
- Sở, Ty công nghiệp và liên hiệp hợp tác thủ công nghiệp tỉnh,
thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng kế
hoạch phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở vật chất – kỹ
thuật và quản lý một số cơ sở quốc doanh, nhất là cơ sở sửa chữa cơ khí, sản xuất
công cụ lao động, sản xuất vật liệu xây dựng v.v...
- Sở, Ty xây dựng tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ thể
giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng thị trấn huyện, xây dựng các khu nhà ở, các
công trình phúc lợi công cộng; lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã hội chủ
nghĩa.
- Sở, Ty tài chính tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ
thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng và thực hiện ngân sách, tăng cường quản
lý tài chính, quản lý tiền mặt.
- Sở, Ty thương nghiệp tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp
cụ thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức cơ quan đại lý thu mua nông sản, lâm
sản, thủy sản, thực phẩm; xây dựng kế hoạch lưu thông phân phối trong phạm vi
huyện.
- Các Sở, Ty văn hóa – thông tin, giáo dục, y tế, thương binh
xã hội, thể dục thể thao v.v... tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện pháp cụ thể
giúp Ủy ban Nhân dân huyện chăm lo đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân; tổ
chức và quản lý các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, thể dục thể
thao; xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Sở, Ty công an và ban chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố có kế
hoạch, biện pháp cụ thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện quản lý về mặt an ninh chính
trị, trật tự xã hội, xây dựng huyện thành đơn vị quốc phòng vững mạnh.
- Ban tổ chức chính quyền tỉnh, thành phố có kế hoạch, biện
pháp cụ thể giúp Ủy ban Nhân dân huyện chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp cán bộ, thực
hiện việc phân cấp quản lý của tỉnh, thành phố cho huyện; cùng với các Sở, Ty
nghiên cứu hướng dẫn các ban chuyên môn xây dựng nội quy và chế độ công tác.
IV. BIÊN CHẾ VÀ CÁN BỘ
Hội đồng chính phủ đã quy định biên chế quản lý Nhà nước cho
ba loại huyện:
- Huyện loại I: từ 140 đến 160 người;
- Huyện loại II: từ 120 đến 130 người;
- Huyện loại III: từ 100 đến 110 người.
Biên chế quản lý Nhà nước quy định cho ba loại huyện kể trên
không bao gồm biên chế của các cơ quan như tòa án nhân dân huyện, viện kiểm sát
nhân dân huyện, ban chỉ huy quân sự huyện, ban công an huyện, ngân hàng Nhà nước
huyện, ngành thống kê huyện, bưu điện huyện; cán bộ, nhân viên làm công tác bán
hàng của ngành lương thực, thương nghiệp; làm công tác thu thuế công thương
nghiệp; cán bộ kỹ thuật tăng cường về các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; cán
bộ làm công tác tổ chức đưa dân đi hoặc tiếp nhận nhân dân đến vùng kinh tế mới.
Phủ thủ tướng hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Về biên chế:
- Căn cứ vào tiêu chuẩn phân loại huyện của Hội đồng Chính phủ,
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố tiến hành phân loại cụ thể, dự kiến phân bổ
biên chế cho từng loại huyện, rồi lập danh sách gửi về Ban tổ chức của Chính phủ,
vào đầu quý III năm 1978.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn Ủy ban Nhân dân
huyện phân bổ biên chế cho các ban chuyên môn và văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện;
đồng thời có kế hoạch điều chỉnh, sắp xếp cán bộ cho hợp lý.
2. Về cán bộ
- Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có kế hoạch điều động một số
cán bộ của các ngành ở tỉnh, thành phố chọn những người có năng lực, có chuyên
môn, nghiệp vụ, có sức khỏe về tăng cường cho huyện.
Trước hết, chú ý tăng cường cho các ban nông nghiệp, hoặc nông
– lâm nghiệp, thủy lợi, công nghiệp – xây dựng cơ bản – giao thông vận tải, kế
hoạch, tài chính – giá cả, vật tư – thương nghiệp.
- Biên chế thuộc khu vực sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh và
cán bộ kỹ thuật đưa về các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sẽ căn cứ tình hình
cụ thể và khả năng cán bộ mà tăng dần cho thích hợp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố cần hướng dẫn và giúp đỡ Ủy
ban Nhân dân huyện trong việc xây dựng tổ chức và sử dụng cán bộ phù hợp với
yêu cầu phát triển của sản xuất.
- Số cán bộ kỹ thuật đã tăng cường về các hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp, cần tạo điều kiện anh chị em yên tâm công tác lâu dài ở cơ sở,
không nên điều về các ban chuyên môn của huyện, nếu chưa cần thiết.
Thông tư này áp dụng chung cho tất cả các huyện trong cả nước.
- Các bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng
chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, có kế hoạch, biện pháp cụ thể hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban Nhân dân huyện thực
hiện có kết quả.
- Trưởng hành chính Trung ương (phân hiệu Hà Nội và phân hiệu
thành phố Hồ Chí MInh) cần có chương trình, thường xuyên mở lớp huấn luyện về
quản lý nhà nước và quản lý kinh tế cho các thành viên Ủy ban Nhân dân huyện.
- Ban tổ chức của chính phủ có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện
thông tư này và thường xuyên báo cáo kết quả về Phủ thủ tướng.
|
BỘ TRƯỞNG PHỦ THỦ
TƯỚNG
Vũ Tuân
|