Thông tư 167-TCCP-1978 hướng dẫn tiêu chuẩn phân loại huyện do Ban Tổ chức của Chính phủ ban hành

Số hiệu 167-TCCP
Ngày ban hành 25/07/1978
Ngày có hiệu lực 09/08/1978
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Ban Tổ chức của Chính phủ
Người ký Nguyễn Diêu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 167-TCCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 1978 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN TIÊU CHUẨN PHÂN LOẠI HUYỆN

Thi hành Quyết định số 139-CP ngày 14-6-1978 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định của Hội đồng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ủy ban nhân dân huyện, và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn tiêu chuẩn phân loại huyện như sau:

1. Huyện của nước ta thường nằm trong một vùng nông nghiệp hoặc nông – lâm nghiệp, ven biển, sát biên giới, hoặc ngoại vi thành phố. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp huyện đều giống nhau; nhưng về phạm vi đất đai, mật độ dân số, số đơn vị cơ sở, tài nguyên và tiềm lực kinh tế giữa các huyện không đồng đều, có huyện to, huyện trung bình, huyện nhỏ.

Đặc điểm của các huyện miền núi, sát biên giới là đất rộng, người không đông, phương tiện và điều kiện đi lại không thuận tiện, nên việc lãnh đạo của huyện uỷ, Ủy ban nhân dân huyện, cũng như việc đi lại của cán bộ, nhân dân trong huyện có khó khăn, vất vả hơn so với các huyện ở trung du, đồng bằng.

Vì vậy, sau khi vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ủy ban nhân dân huyện đã được xác định, phải tiến hành phân loại huyện.

Mục đích của việc phân loại huyện là nhằm phục vụ tốt cho việc xây dựng huyện thành những huyện nông – công nghiệp, nông – lâm – công nghiệp hoặc nông – ngư – công nghiệp, để tổ chức lại sản xuất, tổ chức đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Khi tiến hành phân loại huyện, yêu cầu các địa phương chú ý phân tích kỹ tình hình đặc điểm của các huyện thuộc các vùng khác nhau bảo đảm cho việc phân loại huyện một cách tốt nhất, phù hợp nhất với đặc điểm của từng vùng.

2. Căn cứ vào nghị quyết hội nghị lần thứ II của Ban chấp hàng trung ương Đảng (phải nói về xây dựng huyện và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện), Hội đồng Chính phủ đã quy định thành 3 loại huyện và đã xác định biên chế quản lý Nhà nước cho từng loại huyện:

- Huyện loại I: từ 140 đến 160 người,

- Huyện loại II: từ 120 đến 130 người,

- Huyện loại III: từ 100 đến 110 người,

Trên cơ sở quy định của Hội đồng Chính phủ, Ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn cụ thể như sau:

- Huyện loại một, bao gồm các huyện đồng bằng và trung du có diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 12 000 hécta, có số dân trên 150 000 người, có giá trị tổng sản lượng nông – công nghiệp hoặc nông – ngư – công nghiệp trên 30 triệu đồng. Các huyện trung du và miền núi có diện tích đất canh tác nông nghiệp từ 8 000 đến 10 000 hécta và diện tích đất lâm nghiệp trên 15 000 hécta, có số dân trên 70 000 người, có giá trị tổng sản lượng nông – lâm – công nghiệp trên 30 triệu đồng.

- Huyện loại hai, bao gồm các huyện đồng bằng và trung du có diện tích đất canh tác nông nghiệp từ 8 000 đến 12 000 hécta, có số dân từ 100 000 đến 150 000 người, có giá trị tổng sản lượng nông – công nghiệp hoặc nông - ngư – công nghiệp từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Các huyện trung du và miền núi có diện tích đất canh tác nông nghiệp từ 6 000 đến dưới 10 000 hécta và diện tích đất lâm nghiệp từ 10 000 đến 15 000 hécta, có số dân từ 50 000 đến 70 000 người, có giá trị tổng sản lượng nông – lâm – công nghiệp từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

- Huyện loại ba, bao gồm các huyện có diện tích đất canh tác nông nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp; có số dân và có giá trị tổng sản lượng dưới các mức quy định của huyện loại một, huyện loại hai trên đây.

Những điểm cần lưu ý khi tiến hành phân loại huyện:

- Trong 3 tiêu chuẩn để làm căn cứ cho việc phân loại huyện thì diện tích đất đai và mật độ dân số là tiêu chuẩn chủ yếu.

- Khi tính giá trị tổng sản lượng, thì không tính giá trị tổng sản lượng của các đơn vị sản xuất – kinh doanh của tỉnh, thành phố hoặc của trung ương, đóng trên địa bàn huyện.

3. Căn cứ vào biên chế quản lý Nhà nước đã quy định cho từng loại huyện, căn cứ vào số lượng cán bộ, nhân viên hiện có của huyện và số cán bộ của trên dự kiến tăng cường cho huyện, mà phân bổ cho các ban chuyên môn của huyện, theo hướng là gọn, nhẹ, và có hiệu lực; nơi nào thừa thì điều chỉnh, sắp xếp hợp lý, nơi nào thiếu thì điều động bổ sung, nếu chưa có cán bộ thì bổ sung dần.

4. Đối với biên chế quản lý Nhà nước của một số cơ quan chuyên môn quản lý theo hệ thống ngành từ trung ương đến huyện thì đề nghị các ngành chủ quản của trung ương cần nghiên cứu, phân bổ lại cho phù hợp với từng loại huyện.

Đề nghị các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch cụ thể để hướng dẫn cho các Ủy ban nhân dân thực hiện việc phân loại huyện và báo cáo kết quả lên Phủ thủ tướng (Ban tổ chức của Chính phủ) vào quý IV năm 1978.

 

 

KT. TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC CỦA CHÍNH PHỦ
PHÓ TRƯỞNG BAN




Nguyễn Diêu