Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1983

Số hiệu 11-LCT/HĐNN7
Ngày ban hành 30/06/1983
Ngày có hiệu lực 09/07/1983
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Trường Chinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-LCT/HĐNN7

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1983

 

LUẬT

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ vào Chương IX của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và chính quyền cấp trên.

Hội đồng nhân dân đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở địa phương, động viên và tổ chức nhân dân xây dựng, củng cố chính quyền, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng : cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt ; góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Điều 2

Hội đồng nhân dân căn cứ vào pháp luật, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình, quyết định và bảo đảm thực hiện các chủ trương, biện pháp để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng địa phương về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh và quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân địa phương và làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với Nhà nước.

Số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và thể thức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân do pháp luật quy định.

Điều 3

Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp ; chịu sự lãnh đạo của chính quyền cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng bộ trưởng.

Điều 4

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương là bốn năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân các cấp khác là hai năm.

Nhiệm kỳ của Uỷ ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Uỷ ban nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân mới.

Điều 5

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân quản lý địa phương theo Hiến pháp và pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ; không ngừng củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân ; ngăn ngừa, khắc phục tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các biểu hiện tiêu cực khác trong các cơ quan Nhà nước và nhân viên Nhà nước ở địa phương.

Điều 6

Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hiệu quả hoạt động của Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và hiệu quả hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 7

Trong hoạt động của mình, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân dựa vào sự cộng tác chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các đoàn thể nhân dân và sự tham gia rộng rãi của công dân ở địa phương.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 8

[...]