THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 1-NN/KL/TT NGÀY
18 THÁNG 2 NĂM 1997 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 77/CP VỀ XỬ PHẠT VI
PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN
Chính phủ đã ban hành Nghị định
số 77/CP ngày 29/11/1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng,
bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Nghị định đã quy định đầy đủ, cụ thể việc xử phạt
hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về rừng
thống nhất thi hành việc xử phạt theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày
06/7/1995 và các quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991.
Để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh
Nghị định 77/CP, Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, giải thích để làm rõ thêm một
số vấn đề đã được quy định tại Nghị định 77/CP.
I. VỀ NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Ở Chương I của Nghị định 77/CP,
quy định một số vấn đề có tính đặc thù lâm nghiệp, còn các quy định có tính
nguyên tắc chung khác áp dụng theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
1. Khái niệm
lâm sản (Điều 2)
1.1. Gỗ rừng, các loại thực vật
rừng khác và động vật rừng quý hiếm nói tại Điều này là những loài cây, loài
con được quy định cụ thể trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm
ban hành kèm theo Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/01/1992.
1.2. Các loại gỗ thông thường
nói tại Điều này, được chia theo 8 nhóm quy định tại Quyết định số 2198/CN ngày
26/11/1977 của Bộ lâm nghiệp ban hành phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống
nhất trong cả nước; trừ một số loại gỗ thuộc nhóm I, II đã được ghi vào Danh mục
thực vật rừng quý hiếm của Nghị định 18/HĐBT.
2. Trường hợp
chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 3)
Tại Khoản 2, Điều 3 của Nghị định
77/CP đã quy định những trường hợp vi phạm không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm
hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự: hành vi vi phạm mà mức
độ gây thiệt hại vượt quá mức độ tối đa thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành
chính quy định ở mỗi hành vi (Điều 4 đến Điều 14) hoặc khai thác, săn bắt, vận
chuyển, mua, bán trái phép thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm có giá trị đặc
biệt về nhiều mặt (tức nhóm IA và nhóm IB trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị
định 18/HĐBT). Đối với những trường hợp này, cơ quan Kiểm lâm phải phối hợp với
cơ quan Kiểm sát, Công an cùng cấp để xem xét, nếu đủ dấu hiệu tội phạm thì
chuyển sang khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật.
Về những vụ vi phạm chuyển sang
truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung và việc thực hiện thẩm quyền của Kiểm
lâm trong hoạt động điều tra hình sự, Bộ cùng với các ngành liên quan sẽ có văn
bản hướng dẫn cụ thể, thay thế Thông tư số 16-LN/KL ngày 20-9-1989 của Bộ Lâm
nghiệp hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Kiểm lâm nhân
dân trong hoạt động điều tra hình sự.
3. Về nguyên tắc
xử lý vi phạm hành chính.
Tại Điều 3 của Pháp lệnh xử lý
vi phạm hành chính, đã quy định là một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm
hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm và nhiều người cùng thực hiện
một hành vi vi phạm thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.
3.1. Trường hợp một người thực
hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính:
Căn cứ mức độ gây thiệt hại của
từng hành vi vi phạm, đối chiếu với các khung xử phạt mà xét quyết định xử phạt
đối với từng hành vi vi phạm. Nếu mức xử phạt đối với từng hành vi đều thuộc thẩm
quyền của một cấp thì do cấp đó xử phạt; nếu trong đó có hành vi vi phạm mà mức
xử phạt thuộc thẩm quyền của cấp trên thì chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp trên để
xử phạt.
Khi lập biên bản
cũng như ra quyết định xử phạt với người đã vi phạm nhiều hành vi này chỉ cần lập
một biên bản và một quyết định xử phạt nhưng phải ghi rõ về các hành vi vi
phạm và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm.
3.2. Trường hợp nhiều người có tổ
chức gắn bó với nhau để cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính:
Căn cứ mức độ gây thiệt hại
chung của những người vi phạm, đối chiếu với khung xử phạt mà xét quyết định xử
phạt đối với hành vi đó ở mức cao nhất trong khung xử phạt vì có tình tiết tăng
nặng và những người vi phạm cùng nhau chịu mức xử phạt chung
đó, không quyết định xử phạt riêng đối với từng người vi phạm.
Trong biên bản cũng như quyết định xử phạt phải ghi rõ về các người vi phạm.
Trường hợp phát hiện một vụ vi
phạm nhưng thực tế lại có nhiều người vi phạm về các hành vi vi phạm khác nhau
thì xử phạt đối với từng người cùng hành vi vi phạm của họ. Thí dụ: trường hợp
một vụ vận chuyển trái phép lâm sản, cơ quan có thẩm quyền xử phạt đối với chủ
lâm sản và người sử dụng phương tiện chở thuê lâm sản trái phép.
II. VỀ CÁC
HÀNH VI VI PHẠM, HÌNH THỨC VÀ MỨC ĐỘ XỬ PHẠT
Ở Chương II của Nghị định 77/CP,
đã quy định rõ về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng
và quản lý lâm sản, gồm 11 hành vi từ Điều 4 đến Điều 14. ở mỗi hành vi đã quy
định mức độ gây thiệt hại tối đa đến rừng hoặc lâm sản và mức phạt tiền tối đa
tương ứng; quy định từng mức độ xử phạt thành các khung phạt tiền để xử phạt
đúng thẩm quyền và đúng mức độ vi phạm; quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc
phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác phù hợp với từng loại
hành vi vi phạm hành chính.
1. Xác định
hành vi vi phạm.
Trong lập biên bản vi phạm hành
chính và xét xử phạt, phải xác định và ghi đúng tên hành vi như đã quy định tại
các Điều từ Điều 4 đến Điều 14; tiếp đó xác định hành vi đã vi phạm vào Điều
nào của Luật bảo vệ và phát triển rừng (LBVPTR) và vi phạm một trong các quy định
cụ thể nào của văn bản hướng dẫn thi hành Luật đó (văn bản của Chính phủ, Bộ hoặc
tỉnh, huyện) để làm rõ thêm hành vi vi phạm hành chính, như:
1.1. Phá rừng trái phép (Điều
4): vi phạm Điều 13 LBVPTR và quy định cụ thể tại Điều 23 Luật đất đai.
1.2. Khai thác rừng trái phép
(Điều 5): tuỳ theo hành vi cụ thể mà vi phạm một trong các Điều 19, 37, 38, 39
LBVPTR; đối với gỗ và lâm sản quý hiếm nói tại Điều này và Điều 12 của Nghị định
77/CP là thực vật rừng nhóm IIA, vi phạm quy định cụ thể tại Nghị định 18/HĐBT
ngày 17/01/1992.
1.3. Phát đốt rừng trái phép để
làm nương rẫy (Điều 6): vi phạm Điều 21 LBVPTR.
1.4. Vi phạm quy định về phòng
cháy, chữa cháy rừng (Điều 7): vi phạm Điều 22 LBVPTR và cụ thể tại Nghị định
22/CP ngày 09/3/1995 của Chính phủ ban hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.
1.5. Vi phạm quy định về phòng
trừ sâu bệnh hại rừng (Điều 8): vi phạm Điều 23 LBVPTR.
1.6. Chăn thả gia súc trái phép
vào rừng (Điều 9): vi phạm Điều 21 LBVPTR.
1.7. Săn bắt trái phép động vật
rừng (Điều 10): vi phạm Điều 19 LBVPTR; đối với động vật rừng quý hiếm nói tại
Điều này là động vật rừng quý hiếm nhóm IIB, vi phạm quy định cụ thể tại Nghị định
18/HĐBT ngày 17/1/1992.
1.8. Gây thiệt hại đất rừng (Điều
11): vi phạm Điều 24 LBVPTR.
1.9. Vận chuyển, mua, bán trái
phép lâm sản (Điều 12): vi phạm Điều 20 LBVPTR và quy định cụ thể tại Thông tư
11-LN/KL ngày 31/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn kiểm tra việc khai thác, vận
chuyển, chế biến, xuất khẩu và kinh doanh lâm sản.
1.10. Vi phạm quy định quản lý
Nhà nước về chế biến gỗ và lâm sản (Điều 13): vi phạm quy định cụ thể tại Quyết
định 2375NN-CBNLS/QĐ ngày 30/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban
hành quy chế về việc xét duyệt quy hoạch mạng lưới và cấp giấy phép chế biến gỗ,
lâm sản khác cho các doanh nghiệp.
1.11. Vi phạm thủ tục trình kiểm
lâm sản (Điều 14): vi phạm quy định cụ thể tại Thông tư 11-LN/KL ngày
31/10/1995.
2. Việc áp dụng
các hình thức, mức độ xử phạt.
2.1. ở mỗi hành vi vi phạm (Điều
4 đến Điều 14), đã quy định rõ các khung phạt tiền tương ứng với thiệt hại do
vi phạm hành chính gây ra. Khi xét xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt cùng với
việc phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính theo thẩm
quyền quy định, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn áp dụng một hoặc nhiều
hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác quy định ở các khoản cuối ở mỗi Điều.
2.2. Cách tính
tiền phạt:
Khi xét xử phạt một hành vi vi
phạm, căn cứ mức độ thiệt hại do vi phạm gây ra để xác định khung phạt tiền, tạm
tính số tiền phạt bằng cách lấy mức tiền phạt cao nhất nằm trong khung phạt đó
chia cho mức độ thiệt hại cao nhất và nhân với mức độ thiệt hại do vi phạm gây
ra. Trên cơ sở số tiền phạt tạm tính đó, xét các yếu tố về tính chất, mức độ vi
phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng để quyết định
cụ thể mức phạt tiền và việc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp
khác đối với hành vi vi phạm đó.
2.3. Phạt tiền và tịch thu lâm sản
trái phép.
Trong xử phạt vi phạm hành chính
về lĩnh vực rừng, thực tế việc áp dụng đồng thời hình thức phạt tiền và tịch
thu lâm sản trái phép thường có khó khăn, nhưng đây là một nguyên tắc trong xử
lý đối với các vi phạm gây thiệt hại đến rừng và lâm sản. Vấn đề tịch thu lâm sản
trái phép có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong chống vi phạm và thu hồi
tài sản về cho Nhà nước. Vì vậy khi xử phạt những hành vi chặt phá rừng, khai
thác, săn bắt, vận chuyển, mua, bán trái phép lâm sản, nhất là các hành vi mang
tính chất gian lậu hoặc gây thiệt hại đến thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm,
phải chú trọng áp dụng cả hai hình thức xử phạt đó. Trong trường
hợp cá biệt như người vi phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có hoặc không
đủ khả năng nộp tiền phạt thì có thể phạt tiền ở mức độ nhẹ hơn hoặc cảnh cáo
và tịch thu lâm sản trái phép; hoặc trường hợp người vi phạm thực sự có nhu cầu
sử dụng lâm sản, là dân địa phương sở tại thuộc đối tượng cần chiếu cố và lâm sản
trái phép thuộc loại thông thường thì có thể chỉ phạt tiền và cho sử dụng lâm sản.
Nói chung là khi xét xử phạt phải
xem xét đối tượng vi phạm, mục đích vi phạm, xử lý hợp lý, hợp tình đối với từng
trường hợp cụ thể để bảo đảm việc xử phạt có hiệu lực thực tế.
2.4. Tước quyền sử dụng giấy
phép thuộc thẩm quyền là thu hồi không cho người vi phạm sử dụng những loại giấy
phép do cơ quan cấp mình cấp (giấy phép khai thác rừng, vận chuyển, chế biến,
xuất khẩu lâm sản) mà người vi phạm đã cố ý làm trái hoặc giả mạo giấy tờ đó;
áp dụng trong những trường hợp xét thấy cần phải thu hồi giấy phép của người vi
phạm để ngăn chặn tái phạm. Còn những trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo
cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đề nghị thu hồi giấy phép đó.
III. VỀ THẨM
QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT
A. THẨM QUYỀN
XỬ PHẠT
1. Thẩm quyền
xử phạt của Kiểm lâm (Điều 15)
1.1. Nhân viên
Kiểm lâm đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử
phạt của mình, giải quyết như sau:
- Nếu là vi phạm nhỏ xét thấy cần
xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000 đồng và không tịch thu tang vật,
phương tiện vi phạm thì quyết định xử phạt tại chỗ bằng hình thức cảnh cáo miệng
hoặc phạt tiền bằng Quyết định xử phạt.
- Nếu xét thấy mức độ cần xử phạt
là phạt tiền từ trên 20.000 đồng đến 100.000 đồng và tịch thu lâm sản trái phép,
phương tiện vi phạm thì phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại
Điều 47 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ lâm sản trái phép, phương
tiện vi phạm để báo cáo thủ trưởng trực tiếp xử lý. Sau khi có ý kiến xử lý của
thủ trưởng trực tiếp bằng văn bản, nhân viên Kiểm lâm quyết định xử phạt tiền
(nếu không tịch thu lâm sản trái phép, phương tiện vi phạm) hoặc phạt tiền và tịch
thu lâm sản trái phép, phương tiện vi phạm trong cùng một Quyết định xử phạt.
Việc ra Quyết định xử phạt thuộc
thẩm quyền của nhân viên Kiểm lâm phải theo đúng mẫu biểu quy định và hướng dẫn
của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Trường hợp nhân viên Kiểm lâm
phát hiện hành vi vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của mình thì sau khi lập biên
bản, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm phải kịp thời báo cáo thủ trưởng trực
tiếp xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý.
1.2. Về việc thực hiện quyền xử
phạt của Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động, các Chi cục
Kiểm lâm cần chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị này xử phạt theo đúng thẩm quyền và
các quy định của pháp luật về xử phạt hành chính. Cần tổ chức rà soát lại, củng
cố kiện toàn các Trạm Kiểm lâm về cơ sở vật chất, nhất là về nghiệp vụ để đảm bảo
cho việc thực hiện thẩm quyền xử phạt của cấp Trạm; trước mắt cần chỉ đạo thí
điểm giao thẩm quyền xử phạt cho một số Trạm, sau đó sơ kết rút kinh nghiệm để
triển khai ra các Trạm khác.
Trạm Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động
được sử dụng con dấu riêng trong hoạt động pháp lý của đơn vị mình; khi phát hiện
vi phạm và lập biên bản, nếu hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của Trạm,
Đội thì Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động xét quyết định
phạt tiền, tịch thu lâm sản trái phép, phương tiện vi phạm bằng Quyết định xử
phạt, theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
1.3. Về thẩm quyền tịch thu lâm
sản trái phép.
Tại Điều 15 của Nghị định 77/CP,
đã quy định từ cấp Trạm trưởng Kiểm lâm trở lên được quyền tịch thu lâm sản
trái phép trong khung xử phạt thuộc thẩm quyền, tức là khối lượng hoặc giá trị
lâm sản nằm trong khung xử phạt của từng cấp. Còn việc tịch thu phương tiện vi
phạm là thẩm quyền khác và đã quy định mức tối đa giá trị phương tiện vi phạm bị
tịch thu thuộc thẩm quyền cấp Trạm, Đội đến 10.000.000 đồng, của cấp Hạt đến
20.000.000 đồng và không khống chế thẩm quyền này đối với cấp Chi cục, Cục Kiểm
lâm.
Thẩm quyền tịch thu lâm sản trái
phép gắn liền với mức phạt tiền thuộc thẩm quyền của từng cấp khi quyết định xử
phạt.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều
3 của Nghị định 77/CP, việc áp dụng mức xử phạt khi có tình tiết giảm nhẹ thì
có thể giảm mức phạt tiền xuống thấp hơn nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu
của khung xử phạt và khi có tình tiết tăng nặng thì có thể tăng mức tiền phạt
cao hơn nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Như vậy, khi
xét xử phạt một hành vi vi phạm nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng, thì mức
phạt tiền có thể khác nhau, thuộc thẩm quyền xử phạt tiền và tịch thu lâm sản
trái phép của các cấp khác nhau trong khung xử phạt đó.
Thí dụ: một hành vi vận chuyển
trái phép lâm sản với khối lượng 6m3 quy tròn loại gỗ thông thường do Hạt Kiểm
lâm kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Hành vi vi phạm với mức độ gây thiệt hại đó
nằm trong khung phạt tiền từ trên 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng quy định tại
Khoản 3, Điều 12 của Nghị định 77/CP. Mức phạt tiền theo cách tạm tính như đã
hướng dẫn là 3.000.000 đồng, vượt thẩm quyền xử phạt của Hạt Kiểm lâm. Trường hợp
có tình tiết giảm nhẹ, theo quy định có thể giảm mức phạt tiền đến mức từ trên
1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và tịch thu lâm sản trái phép; hình thức và mức
xử phạt như vậy là thuộc thẩm quyền của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Ngược lại,
trong trường hợp có những tình tiết tăng nặng, có thể tăng mức phạt tiền và tối
đa đến 5. 000.000, tịch thu lâm sản trái phép; hình thức và mức xử phạt này lại
thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân huyện.
2. Thẩm quyền
xử phạt của Uỷ ban nhân dân các cấp (Điều 16).
Tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định
77/CP, đã quy định cơ quan Kiểm lâm các cấp ở địa phương có trách nhiệm giúp
UBND cùng cấp trong việc xem xét quyết định xử phạt và tổ chức thực hiện quyết
định xử phạt đó. Trách nhiệm đó được thực hiện như sau:
2.1. Về thẩm quyền xử phạt của
Chủ tịch UBND xã, thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 16 của Nghị định
77/CP. Riêng về tịch thu lâm sản trái phép trong khung xử phạt thuộc thẩm quyền
của cấp xã, khi xã tạm giữ lâm sản trái phép để báo cáo cơ quan Kiểm lâm địa
phương xử lý thì Hạt hoặc trạm Kiểm lâm sở tại phải phối hợp chặt chẽ với xã và
có ý kiến xử lý nhanh đối với lâm sản trái phép đó bằng văn bản để Chủ tịch
UBND xã quyết định việc xử phạt trong cùng một Quyết định xử phạt, theo mẫu quy
định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đối với lâm sản trái phép sau khi
xử lý tịch thu, cơ quan Kiểm lâm địa phương có trách nhiệm bảo quản và giải quyết
theo quy định hiện hành.
Ở cấp xã, không có tổ chức Kiểm
lâm cùng cấp, các Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm chỉ đạo các Hạt, Trạm Kiểm
lâm giúp UBND các xã thực hiện việc xử phạt theo đúng thẩm quyền và các quy định
của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, như hướng dẫn việc sử dụng, quản
lý các mẫu biểu pháp lý, việc áp dụng các thủ tục xét xử phạt.
2.2. Thẩm quyền xử phạt của Chủ
tịch UBND huyện, tỉnh, thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 16
của Nghị định 77/CP.
Với trách nhiệm tham mưu của cơ
quan Kiểm lâm các cấp ở địa phương, những vụ vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của
Hạt Kiểm lâm do Hạt phát hiện, lập biên bản hoặc do cấp dưới chuyển lên và thuộc
thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND huyện; những vụ vị phạm vượt thẩm quyền của
Chi cục Kiểm lâm do Chi cục phát hiện, lập biên bản hoặc do cấp dưới chuyển
lên, thì Hạt, Chi cục Kiểm lâm lập đầy đủ hồ sơ trình Chủ tịch UBND huyện hoặc
Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, ký Quyết định xử phạt và sau đó tổ chức thực hiện
Quyết định xử phạt như: thu nộp tiền phạt, quản lý và xử lý tang vật, phương tiện
vi phạm bị tịch thu, giải quyết các chi phí cần thiết trong xử phạt.
3. Trách nhiệm
phối hợp của các cơ quan chức năng (Điều 18)
Tại Điều 18 của Nghị định 77/CP,
đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng như Cảnh sát, Hải quan,
Thuế, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành trong việc phối hợp với cơ
quan Kiểm lâm đấu tranh ngăn chặn các vi phạm pháp luật về rừng. Các Chi cục Kiểm
lâm cần chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức
năng thực hiện tốt trách nhiệm này, xây dựng mối quan hệ phối hợp và đưa vào hoạt
động thường xuyên.
Những trường hợp các cơ quan chức
năng phát hiện vi phạm, lập biên bản và chuyển hồ sơ, tang vật sang cho cơ quan
Kiểm lâm xử lý, cơ quan Kiểm lâm phải phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời hành
vi vi phạm và giải quyết các chi phí cần thiết theo chế độ hiện hành cho các cơ
quan chức năng.
Đối với biên bản, hồ sơ do các
cơ quan chức năng chuyển giao, nếu cơ quan Kiểm lâm xét thấy chưa đủ thì tiếp tục
tiến hành hoàn thiện hồ sơ, như xác minh, lập biên bản xác minh bổ sung cho
Biên bản vi phạm ban đầu đã lập, lấy lời khai đương sự, người làm chứng, kiểm
tra hiện trường... để làm rõ thêm hành vi, tính chất và mức độ vi phạm và các yếu
tố khác, đủ căn cứ để xét quyết định xử phạt.
4. Giải quyết
những trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt (Điều 19)
Một vi phạm xảy ra được lập biên
bản, căn cứ mức độ thiệt hại gây ra và khung phạt tiền tương ứng thuộc thẩm quyền
xử phạt của cấp nào thì chuyển hồ sơ cho cấp đó xử lý. Việc chuyển hồ sơ thực
hiện thông qua hệ thống cơ quan Kiểm lâm các cấp ở địa phương, thuộc thẩm quyền
của cơ quan Kiểm lâm cấp nào thì cấp đó xử lý; trường hợp vượt thẩm quyền của Hạt
hoặc Chi cục Kiểm lâm thì Hạt, Chi cục Kiểm lâm lập đầy đủ hồ sơ để tham mưu
cho UBND huyện, tỉnh xử lý.
B. THỦ TỤC XỬ
PHẠT
1. áp dụng
các biện pháp ngăn chặn (Điều 22)
Việc áp dụng các biện pháp ngăn
chặn phải theo đúng các thủ tục quy định tại các Điều từ Điều 39 đến Điều 44
Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Về tạm giữ người, khám người
theo thủ tục hành chính, người có thẩm quyền ra quyết định là Hạt trưởng Hạt Kiểm
lâm, Hạt trưởng Hạt phúc kiểm lâm sản.
Về tạm giữ tang vật, phương tiện
vi phạm, căn cứ thẩm quyền tịch thu lâm sản trái phép, phương tiện vi phạm quy
định tại Điều 15 của Nghị định 77/CP thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm
giữ lâm sản trái phép, phương tiện vi phạm, là thủ trưởng cơ quan Kiểm lâm từ cấp
Trạm trưởng, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động trở lên.
2. Việc thu nộp
tiền phạt (Điều 24).
Cơ quan Kiểm lâm các cấp thực hiện
việc thu nộp tiền phạt theo đúng quy định tại Điều 24 của Nghị định 77/CP. Tiền
phạt thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản của đơn vị mở tại
Kho bạc Nhà nước. Biên lai thu tiền phạt phải do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế)
phát hành; việc quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt phải thực hiện theo
chế độ ấn chỉ thuế của Bộ Tài chính.
Các Chi cục Kiểm lâm có trách
nhiệm phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế để bàn bạc, thống nhất hướng dẫn thực
hiện trong phạm vi địa phương về cách thức thu, nộp tiền phạt, chế độ quản lý
biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt.
3. Chi phục vụ
cho công tác xử lý vi phạm (Điều 27)
Căn cứ Khoản 6, Điều 27 của Nghị
định 77/CP và khoản 6, điểm B, mục II của Thông tư số 52-TC/CSTC ngày 12/9/1996
của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu và sử dụng tiền xử phạt đối với hành vi vi
phạm hành chính, các Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế để
bàn bạc, thống nhất hướng dẫn trong phạm vi địa phương về nội dung các khoản
chi, chế độ tạm ứng và thanh quyết toán các khoản chi cho các vụ vi phạm pháp
luật về rừng đã xử lý.
4. Hiệu lực
thi hành Nghị định 77/CP
Tại Điều 30 của Nghị định 77/CP,
đã quy định Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, tức ngày
29/11/1996 và Nghị định này thay thế Nghị định 14/CP ngày 05/12/1992 của Chính
phủ ban hành Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý và bảo
vệ rừng.
Như vậy, các vụ vi phạm đã được
phát hiện, lập biên bản và đến nay chưa được xử lý thì phải xử phạt thống nhất
theo Nghị định 77/CP, không được xử phạt theo Nghị định 14/CP đã mất hiệu lực.
*
* *
Nhận được Thông tư này, các Bộ,
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm nghiên
cứu quán triệt Nghị định 77/CP, Thông tư này và triển khai thực hiện trong các
ngành, các cấp đến cơ sở. Các Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện, trước hết là chỉ đạo lực lượng
Kiểm lâm ở địa phương thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định, theo dõi tổng hợp tình
hình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương để báo cáo Uỷ ban nhân
dân tỉnh, thành phố và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Cục Kiểm lâm có trách nhiệm theo
dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện, tổng hợp tình hình chung và từng thời
gian báo cáo kết quả lên Bộ Nông nghiệp và PTNT và Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ký. Bộ sẽ ban hành hệ thống mẫu biểu và hướng dẫn thực hiện để bảo đảm thực
hiện các thủ tục pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng,
bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định tại Nghị định 77/CP.