Thông tư 63/2004/TT-BNN hướng dẫn Nghị định 139/2004/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 63/2004/TT-BNN
Ngày ban hành 11/11/2004
Ngày có hiệu lực 17/12/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Vi phạm hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

******

Số: 63/2004/TT-BNN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

******

TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 11 năm 2004

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 139/2004/NĐ-CP NGÀY 25/6/2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ RỪNG, BẢO VỆ RỪNG VÀ QUẢN LÝ LÂM SẢN

Ngày 25/6/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 139/2004/NĐ-CP). Để áp dụng thống nhất trong cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể một số quy định tại Nghị định số 139/2004/NĐ-CP như sau:

 

I. VỀ MỘT SỐ ĐIỂM TRONG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Gỗ nhập khẩu

Gỗ từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam quy định tại Khoản 1, Điều 1 của Nghị định 139/2004/NĐ-CP được hiểu như sau:

- Gỗ từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam là các loại gỗ có hồ sơ hoàn thành thủ tục hải quan như tờ khai hải quan cửa khẩu, lý lịch gỗ, tên gỗ do nước ngoài lập. Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu gỗ, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, khi vận chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu về kho, chế biến, tiêu thụ phải ghi vào sổ nhập xuất lâm sản làm cơ sở cho việc quản lý, giám sát trong quá trình chế biến, tiêu thụ theo quy định về kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản và quy định về đóng búa kiểm lâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gỗ nhập khẩu hợp pháp không áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2004/NĐ-CP.

- Khi tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu tiêu thụ gỗ có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khác (kể cả trường hợp tái xuất khẩu) thì phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam; nếu có sai phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể, chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP.

2. Xử lý đối với trường hợp tái phạm

Các trường hợp tái phạm được xác định theo quy định tại khoản 5, Điều 2 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP. Để tích cực ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tái phạm theo tinh thần của Bộ luật Hình sự năm 1999, hướng xử lý đối với các trường hợp tái phạm như sau:

a) Các hành vi vi phạm gồm: "Khai thác cây rừng trái phép", "Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép", "Đốt phá, huỷ hoại rừng, gây cháy rừng", "Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm và sản phẩm của chúng" (quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999), thì người tái phạm một trong các hành vi này phải bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Đối với các hành vi vi phạm khác (ngoài các hành vi hướng dẫn tại điểm a trên đây), thì tái phạm được coi là tình tiết tăng nặng để xem xét quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính tương ứng.

3. Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm, nhiều người thực hiện một hành vi vi phạm

a) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm là trường hợp một người cùng một lúc bị phát hiện đã thực hiện từ hai hành vi vi phạm trở lên quy định từ Điều 6 đến Điều 21 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP. Như một người vừa vi phạm quy định về khai thác gỗ (Điều 9), vừa vi phạm quy định về khai thác củi (Điều 10) thì bị xử phạt về cả hai hành vi vi phạm.

b) Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm là tại thời điểm phát hiện vi phạm có từ hai người trở lên cùng thực hiện hành vi vi phạm quy định từ Điều 6 đến Điều 21 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP. Mỗi người vi phạm chịu trách nhiệm về thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Trường hợp một số người trong cùng gia đình hoặc cùng một tổ chức, theo yêu cầu của chủ gia đình, của tổ chức, cùng gây ra một thiệt hại chung đối với rừng, lâm sản, thì chủ gia đình, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định có tình tiết tăng nặng đối với thiệt hại chung do họ gây ra.

4. Những trường hợp không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính

Những trường hợp dưới đây không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà phải chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự:

a) Hành vi vi phạm gây thiệt hại đối với thực vật hoặc động vật hoang dã thuộc nhóm IA, IB quy định trong Danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP, khi thực vật hoặc động vật hoang dã có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên.

b) Các hành vi vi phạm: “Khai thác cây rừng trái phép”, “Vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép”, “Đốt phá, huỷ hoại rừng, gây cháy rừng”, “Săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm và sản phẩm của chúng” (những hành vi thuộc các tội phạm về rừng quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999), mà gây thiệt hại vượt quá mức thiệt hại tối đa đối với mỗi loại rừng, loại lâm sản quy định tại Điều 7, Điều 9, Điều 11, Điều 13, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP.

c) Người vi phạm xâm hại từ hai loại rừng trở lên hoặc từ hai loại gỗ, hai loại động vật hoang dã trở lên, thì mức độ vi phạm được xác định trên cơ sở tổng hợp mức phạt tiền đối với từng loại rừng, loại gỗ, loại động vật hoang dã thành mức phạt tiền chung. Nếu tổng hợp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm mà vượt quá 30.000.000 đồng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Hoàng Minh N khai thác trái phép 12,00m3 gỗ nhóm VI ở rừng sản xuất, 4,00m3 gỗ nhóm IIA ở rừng đặc dụng.

Tuy khối lượng mỗi loại gỗ mà Hoàng Minh N khai thác trái phép chưa đến mức chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 20m3 nhóm IV đến nhóm VIII, theo điểm a, Khoản 1 Điều 9; dưới 5m3 gỗ nhóm IIA theo điểm c, Khoản 3, Điều 9 của Nghị định số 139/2004/NĐ-CP), nhưng tổng mức phạt tiền tạm tính ở mức trung bình (không có tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng) đối với hành vi vi phạm trên là 31.700.000 đồng (vượt quá 30.000.000 đồng), nên  phải xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với của Hoàng Minh N.

d) Trường hợp tái phạm quy định tại tiết a, điểm 2 mục này.

5. Xử lý đối với trường hợp hồ sơ vụ án hình sự đã khởi tố được chuyển để xử phạt vi phạm hành chính.

a) Đối với trường hợp đối tượng bị xâm hại là thực vật, động vật hoang dã thuộc nhóm IA, IB quy định tại Danh mục thực vật, động vật hoang dã ban hành kèm theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP, thì xử lý như đối với thực vật, động vật hoang dã thuộc nhóm IIA, IIB.

b) Trường hợp vượt quá mức xử phạt hành chính, trường hợp tái phạm, thì áp dụng mức xử phạt cao nhất về hành vi vi phạm tương ứng.

[...]