Nghị định 18-HĐBT năm 1992 quy định danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 18-HĐBT
Ngày ban hành 17/01/1992
Ngày có hiệu lực 17/01/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-HĐBT

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 1992 

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 18-HĐBT NGÀY 17-1-1992 QUY ĐỊNH DANH MỤC THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG QUÝ HIẾM VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, BẢO VỆ  

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Điều 19 của Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 19 tháng 8 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm quy định trong Nghị định này gồm những loại có giá trị đặc biệt về khoa học, kinh tế và môi trường, có số lượng, trữ lượng ít hoặc đang có nguy cơ bị diệt chủng.

Thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm được sắp xếp thành hai nhóm theo tính chất và mức độ quý, hiếm của chúng (có danh mục kèm theo):

Nhóm I: Gồm những loại thực vật (IA) và những loại động vật (IB) đặc hữu, có giá trị đặc biệt về khoa học và kinh tế, có số lượng, trữ lượng rất ít hoặc đang có nguy cơ bị diệt chủng.

Nhóm II: Gồm những loại thực vật (IIA) và những loài động vật (IIB) có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt và có nguy cơ diệt chủng.

Điều 2. - Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm trong phạm vi cả nước. Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý này.

Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm trong phạm vi địa phương mình theo luật pháp, chính sách chế độ, thể lệ của Nhà nước.

Điều 3. - Nhà nước nghiêm cấm việc khai thác sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm I. Hạn chế việc sử dụng, khai thác thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm thuộc nhóm II.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang và mọi công dân có nghĩa vụ bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm.

Điều 4. - Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm.

II. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ BẢO VỆ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG QUÝ, HIẾM

Điều 5. - Mọi diện tích rừng trong cả nước có thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm đều được xác định cụ thể trên bản đồ và trên thực địa.

Những vùng, những khu rừng tập trung nhiều thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm (cả số lượng, trữ lượng) cần được khoanh giữ, tổ chức việc quản lý, bảo vệ chặt chẽ, có nội quy và bảng niêm yết bảo vệ.

Điều 6. - Cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp các cấp phải lập phương án, kế hoạch, tổ chức điều tra, theo dõi nắm tình hình diễn biến về số lượng, trữ lượng từng loại cây, con vật quý, hiếm; tổ chức hướng dẫn và chỉ đạo chủ rừng thực hiện việc quản lý, bảo vệ, gây nuôi, phát triển nguồn lợi này; có bản đồ sổ sách theo dõi cụ thể, chặt chẽ; tổ chức quản lý, bảo vệ những diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý.

Điều 7. - Mọi tổ chức, cá nhân khi tiến hành hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong khu rừng có thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm đã được khoanh giữ, bảo vệ, phải chấp hành nội quy bảo vệ của khu rừng đó. Nghiêm cấm chặt phá, săn bắt hoặc làm hại môi trường sống của thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm.

Điều 8. - Việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm được quy định như sau:

1. Đối với nhóm I, nghiêm cấm khai thác, sử dụng. Trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng cây, con vật sống, sản phẩm của cây, con vật và hạt giống phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc yêu cầu về quan hệ và hợp tác quốc tế, phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

2. Đối với nhóm II, hạn chế khai thác, sử dụng cụ thể là:

a) Cây lấy gỗ: chỉ được phép khai thác với mức độ hạn chế về chủng loại, số lượng, khu vực và được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp cấp giấy phép; khi khai thác phải chấp hành đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp.

Những loại gỗ này chỉ được sử dụng để xây dựng các công trình đặc biệt của Nhà nước, chế biến hàng mỹ nghệ, đồ mộc cao cấp phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ sơ chế.

b) Các loại cây mọc tự nhiên khác: Việc khai thác phải theo kế hoạch hàng năm và được cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh cho phép. Khi khai thác phải chấp hành đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Lâm nghiệp và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của chủ rừng.

c) Đối với động vật rừng sống hoang dã: chỉ được bẫy bắt trong trường hợp thật cần thiết như tạo giống gây nuôi, phục vụ nghiên cứu khoa học; trao đổi quốc tế về giống hoặc phục vụ những yêu cầu cần thiết khác nhưng phải được Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp cho phép.

Điều 9. - Việc khai thác, sử dụng thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn nuôi trồng được quy định như sau:

[...]