Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 03-BXD/VKT năm 1994 về việc xây dựng đơn giá xây dựng cơ bản và lập dự toán các công trình xây dựng cơ bản do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 03-BXD/VKT
Ngày ban hành 30/03/1994
Ngày có hiệu lực 14/04/1994
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-BXD/VKT

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 03-BXD/VKT NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN VÀ LẬP DỰ TOÁN CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN

Thực hiện Quyết định số 92/TTg ngày 7-3-1994 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý chống lãng phí thất thoát và tiêu cực trong đầu tư và xây dựng; Nghị định số 05/CP ngày 26-1-1994 của Chính phủ về quy định tạm thời việc thực hiện mức lương mới đối với người đương nhiệm trong các cơ quan của Nhà nước, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang và trong các doanh nghiệp và Văn bản số 4076/LĐBTXH/TL ngày 29-11-1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết chế độ tiền lương cho công nhân ngành xây dựng, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xây dựng đơn giá xây dựng cơ bản và lập dự toán các công trình xây dựng như sau:

I. XÂY DỰNG ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN

1. Đơn giá xây dựng cơ bản địa phương

a) Hiện nay, cùng với việc thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Xây dựng đã ban hành tập định mức dự toán xây dựng cơ bản theo Quyết định số 56/BXD-VKT ngày 30-3-1994, sửa đổi những định mức bất hợp lý và bổ sung định mức cho những loại công tác xây lắp chưa có để thay thế cho tập định mức dự toán xây dựng cơ bản hiện hành (ban hành kèm theo Quyết định số 22-UBXD ngày 12-4-1982 của Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước). Như vậy, các cơ sở chủ yếu để lập đơn giá xây dựng cơ bản đã thay đổi. Tình hình đó đòi hỏi các địa phương phải khẩn trương tiến hành xây dựng tập đơn giá xây đựng cơ bản mới cho phù hợp với những quy định mới để áp dụng từ ngày 01-4-1994 nhằm quản lý chặt chẽ và tiết kiệm vốn xây lắp. Đơn giá xây dựng cơ bản địa phương lần này được xác định như sau:

- Chi phí nhân công trong đơn giá bao gồm tiền lương cơ bản của nhóm 1, bảng lương A6 kèm theo Nghị định 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ; phụ cấp lưu động ở mức thấp nhất (20%), phụ cấp không ổn định sản xuất ở mức bình quân (10%) một số khoản lương phụ (nghỉ lễ, tết, phép...) bằng 12% và một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% so với tiền lương cơ bản.

Đối với những loại công tác mà tiền lương theo quy định thuộc các nhóm II, III hoặc IV bảng lương A6 thì chi phí nhân công trong đơn giá của những loại công tác này cũng được xác định theo cách trên.

- Chi phí vật liệu trong đơn giá tính theo mặt bằng giá đầu quý 2 (tháng 4/1994) theo mức giá do Liên Sở Xây dựng và Tài chính - Vật giá của địa phương thông báo. Trong tập định mức dự toán đã được sửa đổi, bổ sung không bao gồm các công tác sản xuất, gia công khuôn cửa, cửa gỗ các loại, cửa sắt thép các loại cũng như các loại hoa văn trang trí bằng sắt thép, nên đề nghị Liên sở Xây dựng và Tài chính - Vật giá các địa phương bổ sung danh mục giá của các loại sản phẩm này và thông báo giá cả hàng tháng (quý) của địa phương mình.

- Chi phí sử dụng máy thi công trong đơn giá tính theo bảng giá ca máy ban hành theo Quyết định số 57/BXD-VKT ngày 30-3-1994 của Bộ Xây dựng.

- Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ trong việc xây dựng các tập đoàn đơn giá xây dựng cơ bản của địa phương theo các quy định trên.

b) Các tập đoàn đơn giá xây dựng cơ bản địa phương từ nay chỉ dùng để làm cơ sở xác định giá trị dự toán xây lắp công trình phục vụ cho công tác lập kế hoạch và quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm thuộc sở hữu Nhà nước; không dùng trực tiếp để thanh toán khối lượng công tác xây lắp hoàn thành.

Để có căn cứ thanh toán khối lượng công tác xây lắp hoàn thành các bên giao, nhận thầu phải căn cứ vào định mức dự toán của từng loại công tác, mức vật giá vật liệu được công bố hàng tháng (quý) của địa phương và những thay đổi về giá ca máy hoặc hệ số điều chỉnh tiền lương của trhời điểm đó (nếu có) để xác định đơn giá xây dựng cơ bản phù hợp với mặt bằng giá cả tại thời điểm thanh toán hoặc dùng phương pháp bù trừ chênh lệch giá của khối kượng công tác xây lắp hoàn thành được thanh toán. Các cơ quan thanh toán phải kiểm tra sự đúng đắn của đơn giá xây dựng cơ bản này hoặc số bù trừ chênh lệch giá trước khi thanh toán. Nghiêm cấm việc quy định tỷ lệ điều chỉnh chi phí vật liệu để thanh toán chung cho cả công trình hoặc hạng mục công trình.

Đối với các công trình đấu thầu việc thanh toán được thực hiện trên cơ sở giá trúng thầu theo quy chế đấu thầu xây lắp và những quy định cụ thể trong hợp đồng giao nhận thầu.

2. Đơn giá công trình

Các công trình được lập đơn giá riêng cũng cần tiến hành điều chỉnh, sửa đổi lại tập đơn giá công trình hiện hành. Trong đó:

- Đơn giá của những công tác xây lắp áp dụng theo định mức dự toán 22/UBXD, nay phải điều chỉnh lại theo định mức dự toán mới.

- Đơn giá của những loại công tác xây lắp theo định mức riêng thì Ban đơn giá phải kiểm tra, rà soát lại, báo cáo cơ quan quản lý đơn giá riêng của công trình đó xem xét quyết định, đồng thời gửi kết quả cho Bộ Xây dựng để theo dõi. Riêng chi phí nhân công trong đơn giá công trình tính theo phương pháp chung, trong đó tiền lương tính theo chế độ áp dụng đối với khu vực xây dựng công trình đó và các khoản phụ cấp được các cơ quan có thẩm quyền quy định riêng cho công trình (nếu có)

Trường hợp một số công trình áp dụng đơn giá tiền lương cao hơn mức thu nhập tính theo chế độ tiền lương mới thì tạm thời giữ nguyên đơn giá tiền lương đã được quy định trước đây cho đến khi có hướng dẫn của Liên Bộ Lao động - Thương binh Xã hội - Tài chính. Đối với các công trình này chủ quản đầu tư cần làm việc với Bộ Xây dựng để điều chỉnh định mức chi phí chung cho phù hợp với từng công trình.

II. LẬP DỰ TOÁN XÂY LẮP CÔNG TRÌNH

Giá trị dự toán xây lắp bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thuế và lợi nhuận định mức.

1. Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng máy thi công. Đối với những chi phí phát sinh không lường trước trong quá trình thi công như chi phí vét bùn, tát nước, bơm nước do bị mưa hoặc có mạch nước ngầm ... cũng thuộc chi phí trực tiếp mà không tách thành một khoản mục "trực tiếp phí khác" như trước đây và cũng không nằm trong thành phần của chi phí chung như quy định tại Thông tư số 167/BXD-VKT ngày 4-7-1990 của Bộ Xây dựng.

- Chi phí vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sử dụng máy thi công được xác định trên cơ sở tiền lương và đơn giá xây dựng cơ bản của công tác xây lắp tương ứng.

Riêng chi phí nhân công nếu công trình lập dự toán theo đơn giá xây dựng cơ bản của địa phương mà được hưởng thêm các các khoản lương phụ, phụ cấp lương và các chế độ chính sách khác chưa tính trong thành phần đơn giá xây dựng cơ bản đã nêu ở trên hoặc được hưởng phụ cấp lưu động ở mức cao hơn 20% hay được hưởng phụ cấp không ổn định sản xuất ở mức lớn hơn 10%, thì được bổ sung các khoản này vào chi phí nhân công theo hướng dẫn ở phụ lục 1 kèm theo thông tư này.

- Một số khoản phụ cấp chỉ áp dụng riêng đối với từng công trình cụ thể theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hoặc hướng dẫn của Bộ Xây dựng gồm:

+ Phụ cấp lưu động ở mức 60% đối với những người làm việc tại công tình xây dựng ở miền núi cao, đảo xa.

+ Phụ cấp không ổn định sản xuất cao hơn mức bình quân 10%.

+ Chi phí cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt ở những nơi thiếu nước ngọt đưa vào dự toán xây lắp công trình cùng với nước ngọt phục vụ sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

[...]