Thông báo số 153/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 153/TB-VPCP |
Ngày ban hành | 11/05/2009 |
Ngày có hiệu lực | 11/05/2009 |
Loại văn bản | Thông báo |
Cơ quan ban hành | Văn phòng Chính phủ |
Người ký | Phạm Văn Phượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 153/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2009 |
Ngày 21 tháng 4 năm 2009, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 134) về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (Chương trình 135). Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Ủy ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Kiểm toán Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân 49 tỉnh, 61 huyện nghèo và một số huyện, xã tiêu biểu trong tổ chức thực hiện Quyết định 134; đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Phó Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo của Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Quyết định 134 và sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 135, ý kiến phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội và của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
1. Biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định 134, Chương trình 135, sự hỗ trợ của cộng đồng và nỗ lực vươn lên của người nghèo và đồng bào các dân tộc thiểu số.
2. Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là chiến lược có ý nghĩa cách mạng bền bỉ và lâu dài, trong đó thực hiện Quyết định 134 và Chương trình 135 là chương trình cốt lõi nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng căn cứ cách mạng của đất nước, là nỗ lực phấn đấu bền bỉ, tinh thần và quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương; phù hợp với lòng dân; có ý nghĩa tổng hợp cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, thể hiện tính nhân văn, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta, giúp tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện công bằng xã hội.
3. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình tốt, qua đó cũng rút ra được một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn về công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của những người được hưởng lợi từ các chương trình trên; kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện; huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn.
Các địa phương thực hiện tốt Quyết định 134 và Chương trình 135 là các địa phương quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng trong cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và người dân để hiểu và nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện các chủ trương chính sách tại Quyết định 134 và Chương trình 135, đồng thời chủ động huy động nguồn lực ngân sách địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, của cộng đồng và đóng góp của chính đối tượng được hưởng chính sách.
Công tác chỉ đạo, điều hành có vai trò quyết định trong quá trình triển khai cũng như kết quả thực hiện các chương trình, dự án: địa phương nào, cấp ủy Đảng quán triệt tốt, có nghị quyết, kế hoạch, thực hiện lồng ghép với các chương trình trên địa bàn, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai bàn bạc với dân; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các cơ quan chuyên môn của địa phương, với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tìm ra được các mô hình thích hợp thì sẽ đạt kết quả cao.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010:
Sau Hội nghị này các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, các huyện cần tổ chức rút kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, coi việc chỉ đạo thực hiện Quyết định 134, Chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các chương trình xóa đói giảm nghèo khác để nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc; trong đó, cần lấy đồng bào nghèo làm chủ thể và tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Đối với Quyết định l34: tiếp tục thực hiện Quyết định 134 đến hết năm 2010 để hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của Đề án đã được duyệt, đồng thời rà soát bổ sung đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
a) Về nhà ở và đất ở: phải giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, theo đó cần rà soát lại, lên danh sách các đối tượng thụ hưởng để có kế hoạch hỗ trợ; đối với các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP và các xã, thôn bản thuộc Chương trình 135 việc hỗ trợ nhà phải xong trước tháng 2 năm 2010, còn lại các địa bàn khác phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2010. Chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã phải đảm bảo có đất để cho đồng bào dân tộc nghèo làm nhà ở.
Mức và phương thức hỗ trợ: thực hiện theo cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Về đất sản xuất: các địa phương phải rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, đưa nhiệm vụ giải quyết đất sản xuất cho nông dân thiếu đất sản xuất vào quy hoạch sử dụng đất của xã, huyện, tỉnh. Nơi nào còn quỹ đất phải tập trung giải quyết bằng được, việc giải quyết đất phải gắn với dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn; nơi nào không còn quỹ đất thì giao khoán bảo vệ rừng, hướng dẫn cho đồng bào chuyển đổi sang hoạt động dịch vụ, học nghề để tự chuyển đổi nghề gắn với giải quyết việc làm của địa phương và tham gia xuất khẩu lao động.
c) Về nước sinh hoạt: rà soát, bổ sung, điều chỉnh đối tượng thụ hưởng để có kế hoạch giải quyết cho phù hợp với quy định và thời gian; tập trung giải quyết dứt điểm nước sinh hoạt phân tán cho hộ gia đình và những công trình nước sinh hoạt tập trung ở thôn, bản đang xây dựng chưa hoàn thành, những công trình thuộc Đề án thực hiện Quyết định 134 đã được duyệt.
2. Đối với Chương trình 135 giai đoạn II: các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần bám sát mục tiêu của Chương trình đã đề ra để chỉ đạo quyết liệt hơn, với quyết tâm cao để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo các xã xuống dưới 30% (mỗi năm giảm 3 – 4%); đến năm 2010 phải hoàn thành một bước quan trọng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, kể cả hạ tầng bưu chính viễn thông.
a) Chú trọng lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo trên cùng địa bàn; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, các ngành nghề nông nghiệp, đặc biệt về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ, mô hình sản xuất, cách thức làm ăn thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo; tập trung ưu tiên cho địa bàn các xã, thôn bản thuộc Chương trình 135 và các xã bãi ngang ven biển.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng Chương trình, nhất là đối với một số địa phương thực hiện chậm tiến độ.
1. Ủy ban Dân tộc:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các nội dung của Quyết định 134, đồng thời đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các quy định cần thiết trong tháng 5 năm 2009 để bảo đảm hết năm 2010 hoàn thành tất cả các mục tiêu của Quyết định 134.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu vận dụng các quy định tại các Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 231/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết đất sản xuất cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất trình Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình giảm nghèo của Chính phủ trong quý II năm 2009.
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng kinh phí theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định mức hỗ trợ cho các dự án thuộc Chương trình 135 phù hợp với tình hình hiện nay để làm căn cứ triển khai thực hiện từ năm 2010.
d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2011 - 2015, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 năm 2010.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc xác định cụ thể mức kinh phí tăng thêm do điều chỉnh tăng mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện Quyết định 134, Chương trình 135 năm 2009 - 2010, trình Thủ tướng Chính phủ bố trí kinh phí đầu tư hoàn thành dứt điểm các trung tâm cụm xã hiện chưa hoàn thành do chưa có kinh phí để hoàn thành trong năm 2009, ưu tiên các trung tâm cụm xã thuộc các huyện nghèo; đồng thời cân đối, bố trí kinh phí cho các địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng hướng dẫn các tỉnh có vùng thiếu nước sinh hoạt (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ - tỉnh Hà Giang; vùng Lục Khu - tỉnh Cao Bằng,…) lập dự án giải quyết nước sinh hoạt; phê duyệt theo quy định báo cáo Thủ tướng Chính phủ.