Quyết định 957/QĐ-BNN-TCLN năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 957/QĐ-BNN-TCLN
Ngày ban hành 08/05/2014
Ngày có hiệu lực 08/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 957/QĐ-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề Muối, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Kèm theo Quyết định số: 957/QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT)

MỞ ĐẦU

Việt Nam có những thuận lợi về nguồn lao động giá rẻ, số lượng các doanh nghiệp trong ngành lớn, có năng lực xuất khẩu, sản phẩm Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường quốc tế về chất lượng, mẫu mã và khả năng thay đổi, nắm bắt nhanh thị hiếu của khách hàng. Ngành gỗ đang có nhiều triển vọng phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hiện đứng thứ 5 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch đạt 5,7 tỷ USD trong năm 2013 và chiếm hơn 4 % thị phần thương mại đồ gỗ nội thất thế giới.

Dự báo, cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thị phần gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới. Nếu có giải pháp đúng và chính sách hỗ trợ hiệu quả thì Việt Nam có thể xuất khẩu đạt 15 đến 20 tỷ USD trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây với dân số gần 90 triệu, bình quân tiêu dùng đồ gỗ nội địa trong 5 năm gần đây khoảng 2,25 tỷ USD, còn rất nhiều tiềm năng thị trường nội địa chưa khai thác.

Tuy nhiên, cả thị trường xuất khẩu và nội địa cho ngành gỗ đang có những thách thức lớn. Đối với thị trường xuất khẩu, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được khẳng định rõ ràng, lại đang có xu hướng áp đặt nhiều hàng rào kỹ thuật, nhất là về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam còn yếu, tính hợp tác và liên kết lỏng lẻo, trong khi đó vai trò của hiệp hội rất mờ nhạt, chưa đủ khả năng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Thị trường đồ gỗ nội địa thiếu kênh phân phối, đang bị mất dần thị phần ở một số địa bàn quan trọng.

Phần I

THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM, CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VÀ CÁC HIỆP ĐỊNH TỰ DO THƯƠNG MẠI ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG

I. THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG

1. Thị trường nội địa

Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất sản xuất tại Việt Nam so với hàng nội thất nhập khẩu là 40/60, tăng mạnh so với năm 2009-2010 với tỷ lệ là 20/80. Bình quân tiêu dùng đồ gỗ trong 5 năm gần đây khoảng 2,25 tỷ USD và khoảng 31,7 USD/người. Đối tượng tiêu dùng chủ yếu gỗ nội địa như sau:

- Công trình xây dựng: 40%

- Tiêu dùng nông thôn: 30%

- Tiêu dùng thành thị: 30%

Việt Nam mới có một số ít hệ thống phân phối nội địa, quy mô nhỏ. Việc thiếu kênh phân phối là một điểm yếu nhất của thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân chính do các cửa hàng bán lẻ đồ gỗ phần lớn là độc lập theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc tự sản tự tiêu, chưa có hệ thống đủ mạnh để phủ sóng cả nước và định hướng tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó còn thiếu chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nội địa.

[...]