BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1565/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT “ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÂM NGHIỆP”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng
01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm
2009 của Chính phủ về sửa Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày
05/02/2007 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt
Nam giai đoạn 2006 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011
- 2020;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành
nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển
đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh
tranh giai đoạn 2013 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm
nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp với các nội dung
chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội
và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất
lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi
trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4 - 4,5%;
- Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu
dùng trong nước và xuất khẩu;
- Góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải
thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
II. ĐỊNH HƯỚNG
1. Cơ cấu các loại rừng
- Diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2
- 16,5 triệu ha, trong đó: rừng sản xuất 8,132 triệu ha, rừng phòng hộ 5,842
triệu ha và rừng đặc dụng 2,271 triệu ha.
- Rừng phòng hộ: bố trí 5,842 triệu ha chủ yếu là cấp
xung yếu, gồm 5,6 triệu ha rừng phòng hộ đầu nguồn, 0,18 triệu ha rừng phòng hộ
chắn sóng, lấn biển, 0,15 triệu ha rừng chắn gió, cát bay, 70 ngàn ha rừng
phòng hộ bảo vệ môi trường cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và các khu rừng
phòng hộ biên giới, hải đảo.
- Rừng đặc dụng: củng cố hệ thống rừng hiện có 2,14
triệu ha theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị đa dạng sinh học, đảm bảo đạt
tiêu chí chất lượng của rừng. Đối với hệ sinh thái chưa có hoặc còn ít, phát
triển thêm một vài khu mới ở vùng núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và các
vùng đất ngập nước ở đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ, với diện tích khoảng 60 ngàn
ha.
- Rừng sản xuất: bố trí khoảng 8,132 triệu ha, diện
tích rừng sản xuất là rừng trồng trong giai đoạn tới khoảng 3,84 triệu ha, gồm
2,4 triệu ha rừng trồng hiện có, 1,0 triệu ha trồng mới và 0,35 triệu ha cải tạo
rừng tự nhiên nghèo kiệt, trong đó quy hoạch và xây dựng các vùng trồng rừng gỗ
lớn tập trung với diện tích khoảng 1,2 triệu ha để cung cấp nguyên liệu cho
công nghiệp chế biến.
2. Nâng cao giá trị gia tăng của ngành
a) Thay đổi cách tiếp cận tổng hợp theo chuỗi hành
trình của sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu cho tới khai thác, chế biến và tiêu
thụ sản phẩm, trong đó thị trường lâm sản (nội địa và xuất khẩu) và cơ chế,
chính sách giữ vai trò quan trọng trong định hướng cơ cấu cây trồng chủ lực để
trồng rừng phục vụ sản xuất hàng hóa lâm sản.
b) Phát triển, nâng cao chất lượng rừng
- Rừng tự nhiên:
+ Nâng cao trữ lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất
lên 25% so với hiện nay, đạt tăng trưởng bình quân từ 4-5 m3/ha;
Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để đạt tỷ lệ gỗ thương phẩm bằng 75% trữ lượng
gỗ cây đứng. Nuôi dưỡng 0,7 triệu ha rừng phục hồi; khoanh nuôi xúc tiến tái
sinh 0,75 triệu ha; làm giàu 1,1 triệu ha rừng; cải tạo 0,35 triệu ha rừng
nghèo kiệt.
+ Đến năm 2015, diện tích đủ điều kiện đưa vào khai
thác chọn khoảng 50 ngàn ha, khoảng 117 ngàn ha vào năm 2020 và khoảng 215 ngàn
ha vào năm 2030, với lượng khai thác bình quân 30 m3/ha.
- Rừng trồng:
+ Nâng cao năng suất rừng đạt bình quân 15 m3/ha/năm,
đến năm 2020, diện tích rừng trồng sản xuất đạt khoảng 3,84 triệu ha, mỗi năm
khai thác và trồng lại 0,25 triệu ha, với trữ lượng bình quân khoảng 150 m3/ha
đối với rừng gỗ lớn, chu kỳ bình quân 12 năm; 70 m3/ha đối với rừng
gỗ nhỏ, chu kỳ bình quân 7 năm.
+ Nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ
thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó 40% gỗ lớn và 60% gỗ nhỏ.
+ Đưa tỉ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được
công nhận vào sản xuất lên 60 - 70% vào năm 2020, đảm bảo cung cấp đủ giống có
chất lượng, góp phần đưa năng suất rừng trồng tăng 10% vào năm 2015 và tăng 20%
vào năm 2020 so với năm 2011.
c) Phát triển công nghiệp chế biến gỗ
- Công nghiệp chế biến và thương mại sản phẩm gỗ được
coi là động lực phát triển kinh tế lâm nghiệp Việt Nam, xây dựng công nghiệp chế
biến gỗ thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, đồng bộ (từ sản
xuất, cung ứng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm), có khả năng cạnh
tranh cao; tăng kim ngạch xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa; có sự
tham gia đầy đủ của các thành phần kinh tế.
- Điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ,
nhất là các sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng
nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ
gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô (bao gồm cả dăm
gỗ).
- Quy hoạch sản phẩm theo vùng, tiểu vùng gắn với
quy hoạch trồng rừng nguyên liệu để đảm bảo hiệu quả đầu tư chung.
- Cơ cấu sản phẩm gỗ thị trường trong nước: đồ gỗ
45%, gỗ nhân tạo 55% (ván sợi MDF 26%, ván ghép thanh 26%).
- Sản xuất ván nhân tạo: 2,3 triệu m3 sản
phẩm vào năm 2015, 03 triệu m3 sản phẩm vào năm 2020, và 3,9 triệu m3
sản phẩm vào năm 2030.
- Sản xuất đồ gỗ: đồ gỗ nội địa đạt 2,8 triệu m3
sản phẩm vào năm 2020 và 4,0 triệu m3 sản phẩm/năm vào năm 2030; đồ
gỗ xuất khẩu đạt 5,0 triệu m3 sản phẩm vào năm 2020 và 7,0 triệu m3
sản phẩm vào năm 2030.
- Nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu trong nước,
giảm tỷ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu dùng cho công nghiệp chế biến gỗ. Đến năm
2015, sản lượng gỗ nguyên liệu trong nước có khả năng cung cấp cho công nghiệp
chế biến là 10,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu; năm
2020, đạt 14,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 62% nhu cầu; đến năm
2030, đạt 24,5 triệu m3, đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu.
- Quy mô doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ:
+ Rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống cơ sở chế
biến gỗ quy mô vừa và nhỏ, đồng thời phát triển cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn.
+ Quy hoạch, bố trí hợp lý các nhà máy theo các
vùng, trong đó ưu tiên xây dựng các nhà máy ở miền núi có đủ nguyên liệu để tạo
việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nông thôn miền núi; quy mô nhà máy chế biến là 60.000 - 100.000 m3
sản phẩm/năm đối với MDF, 20.000 m3 sản phẩm/năm đối với ván dăm,
10.000 m3 sản phẩm/năm trở lên đối với chế biến đồ gỗ.
- Phát triển làng nghề mộc: nâng cấp một số làng
nghề, phố nghề chế biến đồ mộc dân dụng ở vùng Đông Bắc bộ và miền Trung thành
các doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng cụm công nghiệp trong khu vực nông thôn,
chủ yếu sản xuất đồ mộc dân dụng phục vụ thị trường trong nước, liên kết với
doanh nghiệp công nghiệp gỗ lớn trong vùng.
- Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chế biến lâm sản
ngoài gỗ chiết xuất hoạt chất tự nhiên từ nguồn dược liệu; doanh nghiệp, cơ sở
thủ công mỹ nghệ gỗ và mây tre.
3. Các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp
a) Các tổ chức quản lý rừng
- Điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng
theo hướng các tổ chức của nhà nước trực tiếp quản lý khoảng 50% tổng diện tích
rừng toàn quốc, bao gồm toàn bộ diện tích rừng đặc dụng, 65% diện tích rừng
phòng hộ và 30% diện tích rừng sản xuất.
- Rà soát, sắp xếp, thành lập mới các Ban quản lý rừng
trên cơ sở rà soát quy hoạch rừng.
- Thúc đẩy các loại hình tổ chức quản lý bảo vệ rừng
phát triển theo hướng bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo tính phù hợp
giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong lâm nghiệp.
b) Công ty lâm nghiệp nhà nước được hình thành từ
lâm trường quốc doanh
Trên cơ sở rà soát quy hoạch rừng chuyển đổi Công
ty lâm nghiệp theo các hình thức:
- Cổ phần hóa và nhà nước giữ cổ phần chi phối.
- Chuyển đổi sang Ban quản lý rừng.
- Giải thể hoặc chuyển đổi hình thức khác.
c) Phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác
- Xây dựng mô hình hợp tác trong lâm nghiệp, đưa số
hợp tác xã trong lâm nghiệp ít nhất tăng 200% vào năm 2020 so với năm 2011.
- Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế và
các hình thức đa dạng, linh hoạt để nông dân, hộ gia đình góp giá trị quyền sử
dụng đất cùng doanh nghiệp nhằm tập trung tích tụ đất cho tổ chức sản xuất lâm
nghiệp quy mô lớn.
- Phát huy vai trò của trang trại, gia trại lâm
nghiệp; khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền lâm nghiệp nhiệt đới, xây dựng
và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại và gia
trại; xây dựng tiêu chí gia trại, đưa số trang trại, gia trại lâm nghiệp lên
150% vào năm 2015 và 200% vào năm 2020 so với năm 2011.
4. Về huy động và sử dụng các nguồn lực tài
chính
a) Đầu tư từ ngân sách nhà nước
Trong giai đoạn 2011 - 2020, nguồn vốn đầu tư từ
ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục tăng do thực hiện các cơ chế chính sách mới đối
với rừng đặc dụng.
Giai đoạn 2013 - 2020, nguồn vốn ODA cho lâm nghiệp
ước tính từ 18% đến 20% tổng nhu cầu vốn, bình quân một năm khoảng 700 - 800 tỷ
đồng (đầu tư trực tiếp cho các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng là 250 tỷ đến
400 tỷ) là nguồn vốn đầu tư phát triển được dùng làm căn cứ để cân đối nhiệm vụ
bảo vệ và phát triển rừng cho các địa phương vùng dự án Bảo vệ và phát triển rừng.
b) Đầu tư ngoài ngân sách nhà nước
Đầu tư ngoài ngân sách là nguồn lực tài chính chủ yếu
được huy động và sử dụng đầu tư phát triển lâm nghiệp trong thời kỳ tới. Để trồng
gần 3 triệu ha rừng cần khoảng 40 nghìn tỷ đồng, chiếm 71% tổng nhu cầu vốn. Đặc
biệt tăng nhanh trong thời kỳ tới là nguồn vốn từ chi trả dịch vụ môi trường rừng,
dự kiến đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, cần tranh thủ nguồn thu tiềm năng
từ các nguồn hỗ trợ tài chính khác.
5. Phát triển theo vùng kinh tế - sinh thái lâm
nghiệp
a) Vùng Tây Bắc: xây dựng, củng cố hệ thống rừng
phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nằm trong
lưu vực của các thủy điện bậc thang để tăng hiệu quả phòng hộ, tạo điều kiện
cho các địa phương hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường
rừng.
b) Vùng Đông Bắc: xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn
nhất cả nước, cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho công nghiệp giấy và ván nhân tạo ở
các khu vực gần nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn ở các khu vực xa hơn;
xây dựng, củng cố hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển.
c) Vùng Đồng bằng sông Hồng: đẩy mạnh trồng cây
phân tán, tạo nguồn gỗ gia dụng cho các tỉnh đồng bằng.
d) Vùng Bắc Trung bộ: xây dựng vùng nguyên liệu gỗ
lớn thứ hai của cả nước cung cấp nguyên liệu gỗ cho công nghiệp giấy và ván
nhân tạo ở các khu vực gần nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn ở các khu
vực xa hơn cho các nhà máy chế biến đồ mộc trong và ngoài vùng; xây dựng, củng
cố hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn của dãy Trường Sơn, phòng hộ ven biển chống
cát bay, chắn sóng và chống sạt lở bờ biển.
đ) Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: xây dựng vùng
nguyên liệu gỗ lớn thứ ba của cả nước chủ yếu cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho
công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và vùng Đông Nam bộ; xây dựng, củng cố hệ
thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển chống cát bay, chắn sóng và chống
sạt lở bờ biển.
e) Vùng Tây Nguyên: củng cố, bảo vệ hệ thống rừng
phòng hộ đầu nguồn là rừng tự nhiên nhằm duy trì độ che phủ rừng tự nhiên thông
qua các hình thức đồng quản lý và lâm nghiệp cộng đồng.
g) Vùng Đông Nam bộ: củng cố, bảo vệ hệ thống rừng
phòng hộ đầu nguồn cho các công trình thủy điện, thủy lợi và phòng hộ môi trường
cho các khu công nghiệp trong vùng.
h) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: xây dựng và củng cố
các khu rừng phòng hộ chắn sóng ven biển; phục hồi, phát triển hệ sinh thái rừng
ngập mặn, rừng Tràm phục vụ cho bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; tổ chức
sản xuất kinh doanh tổng hợp nông lâm thủy sản để phát triển bền vững.
III. GIẢI PHÁP
1. Rà soát, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn chiến lược với
quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch bảo vệ
và phát triển rừng.
- Đến 2015, hoàn thành rà soát đánh giá lại quy hoạch
rừng, xác định để duy trì hợp lý diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng (lâm
phận ổn định quốc gia), chuyển số diện tích rừng còn lại sang phát triển vùng rừng
nguyên liệu tập trung.
- Thực hiện Quy hoạch bảo vệ và phát triển rùng
toàn quốc, vùng và từng địa phương theo cơ cấu mới trên cơ sở thực hiện các Dự
án quy hoạch lâm nghiệp.
- Thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu
cho công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ở cấp quốc
gia và theo vùng kinh tế sinh thái lâm nghiệp.
- Tổ chức rà soát, xác định thực trạng sử dụng rừng
và đất lâm nghiệp thuộc các chủ quản lý, điều chỉnh và thu hồi đất của các tổ
chức, cá nhân đã được giao nhưng sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục
đích.
- Quy hoạch và quản lý diện tích nương rẫy, bảo đảm
duy trì diện tích canh tác ổn định cho đồng bào.
2. Nâng cao giá trị gia tăng ngành
- Phát triển, nâng cao chất lượng rừng: tổ chức triển
khai các Đề án
+ Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm
nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, chọn tạo được ít nhất 10 - 15 giống mới (keo, bạch
đàn và một số giống trồng rừng chính).
+ Đề án nâng cao năng suất rừng và chất lượng rừng ở
Việt Nam: phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên
liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến và sản xuất đồ gỗ (gỗ lớn); xác định tập
đoàn loài cây phù hợp cho trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán đáp ứng nhu
cầu gỗ chế biến cho 6 - 8 vùng sinh thái có diện tích trồng rừng lớn; xây dựng
quy trình kỹ thuật thâm canh rừng trồng bền vững.
- Triển khai đầy đủ các hoạt động dịch vụ môi trường
rừng, bao gồm cả thị trường các bon; nghiên cứu xây dựng giải pháp công nghệ phục
vụ theo dõi, giám sát tài nguyên và môi trường rừng, tiềm năng dịch vụ môi trường
rừng.
- Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh
tranh cao.
- Đẩy mạnh chế biến ván nhân tạo, giảm dần chế biến
dăm giấy xuất khẩu; khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ
rừng trồng.
- Đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu
mã sản phẩm chế biến phù hợp với thị hiếu thị trường. Đẩy mạnh xây dựng thương
hiệu và cấp chứng chỉ cho các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời triển khai xây dựng
hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả.
- Xây dựng các vùng cung cấp nguyên liệu tập trung
gắn với các trung tâm chế biến gỗ và đồ gỗ.
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp (đường
giao thông, đường băng cản lửa..., thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng) bằng
ngân sách nhà nước và của các doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất (vận chuyển
cây giống, phân bón, đi lại, vận xuất vận chuyển gỗ khai thác, phòng chống cháy
rừng).
3. Các tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh rừng
a) Tổ chức rà soát sắp xếp lại các tổ chức quản lý
rừng trên cơ sở kết quả rà soát đánh giá lại quy hoạch rừng, phân định rõ lâm
phận ổn định quốc gia và diện tích phát triển vùng nguyên liệu.
b) Đổi mới cơ chế và tổ chức quản lý rừng theo hướng
nâng cao quyền tự chủ cho các hộ gia đình, ban quản lý rừng và doanh nghiệp
thông qua Đề án tái cấu trúc các tổ chức quản lý rừng.
c) Công ty lâm nghiệp nhà nước
- Về đất đai:
+ Tổ chức rà soát đất đai, cắm mốc và cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành vào năm 2015, kinh phí do Ngân sách nhà nước
cấp.
+ Rà soát, chuyển giao đất về cho địa phương, hoàn
thành vào năm 2014.
+ Tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán, thí điểm
đồng quản lý rừng.
+ Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, hợp đồng
hợp tác kinh doanh giữa công ty lâm nghiệp với các thành phần kinh tế khác, với
tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản
phẩm; tạo mối liên kết gắn bó, ổn định giữa vùng nguyên liệu, người sản xuất
cung cấp nguyên liệu với cơ sở chế biến nông, lâm sản.
+ Giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai.
- Về tài chính, đầu tư, tín dụng: tập trung xử lý
công nợ, tài sản trên đất, xây dựng cơ chế tài chính đặc thù.
- Sắp xếp lại lao động.
d) Kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác
- Kinh tế tư nhân:
+ Rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho hộ gia đình, cá nhân.
+ Rà soát lại quy hoạch phát triển sản xuất nông
lâm nghiệp, xác định các vùng phát triển trang trại, gia trại lâm nghiệp, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ đất rừng sản xuất để phát triển quy mô
trang trại lâm nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân, công bố quỹ đất có
thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại lâm nghiệp.
+ Khuyến khích các hộ gia đình mở rộng các hoạt động
sản xuất kinh doanh và dịch vụ, hỗ trợ xúc tiến thương mại.
+ Nhà nước hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân, trang trại
hình thành hiệp hội, hội các chủ rừng.
- Kinh tế hợp tác:
+ Liên kết, liên doanh giữa các thành phần kinh tế,
trong nội bộ các thành phần kinh tế, đặc biệt là liên kết, liên doanh giữa các
công ty lâm nghiệp với hộ gia đình để trồng rừng nguyên liệu, chế biến và tiêu
thụ sản phẩm.
+ Khuyến khích liên kết các doanh nghiệp và các tác
nhân trong các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến, dịch vụ, ... để hình thành
chuỗi giá trị của sản phẩm lâm nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường
trong nước và thế giới.
+ Tổ chức các hộ nông dân liên kết hợp tác trồng rừng
theo kế hoạch quản lý rừng chung của tổ hợp tác/hợp tác xã dịch vụ trên cơ sở
hài hòa giữa kế hoạch sản xuất của hộ gia đình và kế hoạch chung của tổ hợp
tác/hợp tác xã, nhằm có được diện tích đủ lớn và ổn định để có thể cung cấp khối
lượng gỗ đủ lớn hàng năm cho thị trường.
4. Phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng chính sách đãi ngộ, thu hút lao động nghề
rừng trong các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng nhà nước.
- Khuyến khích, tạo thuận lợi để doanh nghiệp và các
tổ chức đào tạo thực hiện hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong đào tạo, nâng cao kỹ
năng cho lao động của doanh nghiệp.
- Đào tạo nghề cho người lao động: mở rộng các hình
thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao kỹ thuật và
quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân; đào tạo các làng nghề, các vùng sản
xuất chuyên canh.
- Tăng cường các hình thức đào tạo trong và ngoài
nước cho cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, và cán bộ về marketing để tăng cường
và bổ sung đội ngũ các nhà doanh nghiệp kinh doanh gỗ giỏi trên thương trường
quốc tế.
5. Phát triển hình thức tổ chức sản xuất liên kết,
tập trung hóa, tổng hợp hóa trong công nghiệp chế biến gỗ
- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm (liên kết
dọc), từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản
phẩm.
- Hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng
vùng kinh tế, lấy các doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp đầu tàu hiện có làm trung
tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất
khẩu.
6. Mở rộng thị trường
a) Thị trường quốc tế
- Dự báo, đàm phán ký kết song phương, đa phương
các cam kết quốc tế (hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu với các
nước xuất khẩu gỗ,...) theo lộ trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới và hạn
chế rủi ro trong thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại: xây dựng các trung
tâm triển lãm thường xuyên về đồ gỗ tại 3 miền, xây dựng trung tâm thông tin về
chế biến và thương mại gỗ để nắm bắt nhu cầu và biến đổi của thị trường, có
chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp gỗ Việt Nam tham gia hội chợ triển
lãm đồ gỗ ở nước ngoài.
- Các tham tán thương mại tại nước ngoài: hỗ trợ,
cung cấp thông tin thị trường đồ gỗ và luật pháp của nước sở tại cho các Hiệp hội
chế biến gỗ trong nước; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá
sản phẩm (đặc biệt tại các thị trường mới như Nga, Đông Âu, Mỹ La tinh,...).
b) Thị trường trong nước
- Đẩy mạnh tổ chức các kênh phân phối, tiêu thụ sản
phẩm gỗ, tổ chức hệ thống buôn bán sản phẩm gỗ tại các địa phương có nhu cầu lớn
như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ...theo hướng văn minh, hiện đại.
- Tăng cường xây dựng thương hiệu riêng cho các sản
phẩm gỗ.
- Thực hiện thanh tra giám sát trên thị trường đối
với sản phẩm gỗ đã đăng ký chất lượng, ghi nhãn hàng hóa.
7. Nguồn đầu tư và sử dụng đầu tư
- Huy động và gắn kết các nguồn lực, lồng ghép các
kế hoạch, chương trình, dự án; quản lý vận hành cấu trúc tài chính mới. Lồng
ghép kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,
các chương trình, dự án khác trên cùng địa bàn để nâng cao hiệu quả tổng hợp về
kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương tập
trung cho các dự án trồng rừng phòng hộ quy mô lớn, các vườn quốc gia, các dự
án ở địa bàn các huyện theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về
chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, vùng
Tây Bắc, Tây Nguyên; hỗ trợ phát triển rừng sản xuất; hỗ trợ xây dựng đường lâm
nghiệp ở những vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung nhưng điều kiện giao thông
còn khó khăn; các dự án nghiên cứu thử nghiệm; các dự án đầu tư trang thiết bị
công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quy hoạch, quản
lý, bảo vệ rừng; đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao trong chọn giống, sản
xuất giống gốc, công nghệ trồng rừng thâm canh, vốn ngân sách địa phương bố trí
cho các dự án còn lại theo chính sách chung.
- Vốn sự nghiệp kinh tế của nhà nước bảo đảm cho việc
khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu có nguy cơ bị
xâm hại cao, khoanh nuôi tái sinh, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp,
các chi phí sự nghiệp khác.
- Triển khai thực hiện “Định hướng thu hút, quản lý
và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế cho ngành lâm nghiệp giai đoạn
2013-2020” theo hướng ưu tiên hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát
triển lâm nghiệp và Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020.
- Ngân sách nghiên cứu khoa học tập trung để nghiên
cứu ứng dụng các giống đã qua thử nghiệm, điều tra lập địa để xác định diện
tích trồng rừng phù hợp với giống cây trồng và chuyển giao công nghệ trồng rừng
thâm canh gỗ lớn và gỗ nhỏ cho các vùng sinh thái khác nhau;
- Chuyển giao công nghệ trồng rừng gỗ lớn và giống
có năng suất cao từ các nước có điều kiện tương tự Việt Nam bằng vốn ngân sách
nhà nước, các dự án ODA, FDI, và các doanh nghiệp lớn;
- Vốn từ ngoài ngân sách nhà nước tập trung cho đầu
tư phát triển rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ, chế biến và tiêu thụ lâm sản,
khai thác các nguồn lợi, dịch vụ từ rừng; xúc tiến thương mại và phát triển thị
trường; đầu tư vào các lĩnh vực vẫn thường sử dụng ngân sách nhà nước như phát
triển giống cây lâm nghiệp, đào tạo nghề lâm nghiệp, cung cấp các dịch vụ kỹ
thuật, khuyến lâm,...
- Các nguồn vốn hợp pháp khác như chi trả dịch vụ
môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, tín chỉ các bon,... được cân đối
với nguồn ngân sách nhà nước, ODA, ngoài ngân sách để sử dụng hiệu quả nhằm thực
hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm được Chính phủ
giao...
- Rà soát, bổ sung, xây dựng lại kế hoạch đầu tư, kế
hoạch tài chính ngành lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2020, thể hiện được toàn bộ
các nguồn lực phù hợp cơ cấu mới.
8. Cơ chế, chính sách
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế,
chính sách; khung thể chế tài chính được thiết lập (các Nghị quyết của Đảng, Luật,
Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định, quy định về quản lý, sử dụng ngân sánh, đầu
tư, tín dụng, huy động, sử dụng các nguồn lực...), vận hành một cách đồng bộ và
hiệu quả, nhằm huy động, điều phối, xã hội hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực
tài chính cho phát triển ngành Lâm nghiệp.
- Triển khai thực hiện “Định hướng thu hút, quản lý
và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế
khác cho ngành lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2020”.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư ban đầu, cho
vay tín dụng ưu đãi để trồng rừng phù hợp với từng loại cây trồng, thời gian
hoàn trả vốn vay khi có sản phẩm khai thác chính.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm quản lý
bền vững rừng tự nhiên theo chức năng của rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất),
chính sách phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ.
- Nghiên cứu đề xuất chính sách khuyến khích huy động
và sử dụng các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho mục tiêu bảo vệ và
phát triển rừng đến năm 2020.
- Điều chỉnh lại chính sách hưởng lợi từ rừng.
- Thử nghiệm mô hình đồng quản lý rừng giữa tổ chức
quản lý rừng với người dân và cộng đồng địa phương để làm cơ sở nhân rộng.
- Thử nghiệm mô hình hợp tác công tư trong bảo vệ,
phát triển rừng.
- Khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác
thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi đối với tổ chức hợp tác, như hỗ trợ vốn đầu
tư ban đầu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp cận thị trường ...
- Xây dựng cơ chế, chính sách liên kết giữa người sản
xuất gỗ, các công ty lâm nghiệp với các cơ sở, công ty chế biến gỗ; khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp theo mô hình khép kín từ sản xuất, chế
biến, tiêu thụ, người nông dân góp vốn với doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất
và họ như các cổ đông của doanh nghiệp, được chia sẻ lợi ích.
- Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng vùng
nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến gỗ.
- Có chính sách minh bạch trong thu hút vốn FDI.
- Xây dựng chính sách ưu đãi về đầu tư (tín dụng,
thuế, tiền thuê...) đất đối với doanh nghiệp chế biến ván sợi MDF, ván ghép
thanh.
- Xây dựng chính sách khuyến khích cho vay tín dụng
đối với các làng nghề và các cơ sở chế biến nhỏ ở nông thôn để sơ chế các sản
phẩm sơ chế cung cấp ổn định cho các doanh nghiệp chế biến gỗ tinh hoàn chỉnh;
Tín dụng ưu đãi dài hạn đối với các chủ rừng trồng rừng gỗ lớn; cho phép trang
trại, gia trại được vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển của nhà nước.
- Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế
ngoài quốc doanh tham gia phát triển rừng trồng; khuyến khích cấp chứng chỉ cho
rừng trồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục Lâm nghiệp
a) Xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các giải
pháp triển khai Đề án theo giai đoạn đến 2015 và từ 2016 đến 2020, định kỳ báo
cáo Bộ về tiến độ và kết quả thực hiện.
b) Chủ trì và phối hợp với các Cục, Vụ liên quan
xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án và nhiệm vụ:
- Đề án Quản lý nâng cao chất lượng giống cây trồng
lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2020;
- Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng
tự nhiên giai đoạn 2013 - 2020;
- Đề án nâng cao chất lượng rừng sản xuất giai đoạn
2012 - 2020;
- Đề án đổi mới cơ chế và tổ chức quản lý rừng giai
đoạn 2013 - 2020;
- Đề án Tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng
vùng Tây Nguyên;
- Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn Hỗ
trợ phát triển chính thức, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế khác cho ngành lâm nghiệp
giai đoạn 2013 - 2020;
- Tăng cường năng lực cho Quỹ bảo vệ và phát triển
rừng Việt Nam;
- Các chương trình, đề án khác có liên quan.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực
hiện đề án như sau:
a) Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và
nghề muối: triển khai thực hiện Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
b) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường: chủ trì, phối
hợp với các đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới tiêu chuẩn, quy chuẩn
quốc gia trong lĩnh vực lâm nghiệp hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vục;
nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất
lượng rừng, chất lượng sản phẩm gỗ.
3. Các địa phương
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch đất
đai, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, cơ cấu sản xuất, thị trường, vốn,
nhân lực theo hướng phát huy lợi thế của địa phương và khả năng cạnh tranh của
sản phẩm; hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa lại các
doanh nghiệp lâm nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền.
b) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy hoạch công nghiệp
chế biến gỗ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 phù hợp với tình
hình thực tế của địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ
trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT; Tài chính; Công Thương; KH&CN; TN&MT;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Các hội, hiệp hội chế biến gỗ;
- Lưu: VT, TCLN. (200 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|