Quyết định 835/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 835/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/10/2013
Ngày có hiệu lực 24/10/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Hải
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 835/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1134/TTr-SCT ngày 04/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo Quyết định này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN3.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 835/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

I. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh hàng năm đều có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất công nghiệp gây ra đáng kể, ngày càng có chiều hướng gia tăng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 ra đời đã tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp chỉ tập trung xử lý cuối đường ống nhằm các quy định về bảo vệ môi trường.

Để phát triển công nghiệp bền vững đi đôi với việc bảo vệ môi trường thì sản xuất sạch hơn (SXSH) là giải pháp cần thiết giúp cơ sở sản xuất công nghiệp cải tiến từng bước các thiết bị và sắp xếp lại quy trình sản xuất cho phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liên, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, giảm phát thải. Hiệu quả việc áp dụng SXSH là "lợi ích kép", không chỉ giải quyết về ô nhiễm môi trường mà còn mang lại lợi ích rất lớn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhưng hiện nay rất ít cơ sở sản xuất nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc áp dụng SXSH. Lợi ích của SXSH chưa được cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ để trở thành nhu cầu cấp thiết trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Ngày 07/9/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020". Để thực hiện có hiệu quả các nội dung và nhiệm vụ của Chiến lược, UBND tỉnh Kon Tum xây dựng và ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum" để thúc đẩy việc triển khai áp dụng SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu phát thải... góp phần thực hiện mục tiêu hướng đến phát triển nên công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) SXSH được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là chú trọng vào các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao, nhất là các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh có khả năng đầu tư áp dụng SXSH.

b) Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật áp dụng SXSH trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu môi trường và lợi ích kinh tế.

c) Áp dụng SXSH ở các cơ sở sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, có lộ trình và các giải pháp áp dụng SXSH phải có tính khả thi, phù hợp với khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý của của cơ sở.

d) SXSH trong công nghiệp được thực hiện trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp về lợi ích được mang lại từ việc áp dụng SXSH.

[...]