Quyết định 2897/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 2897/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2014
Ngày có hiệu lực 31/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2897/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến 2020;

Căn cứ văn bản số 1269/BNN-KH ngày 27/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thỏa thuận nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến 2020.

Căn cứ Nghị quyết số 126/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái.

b) Phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực, lao động và tài nguyên đất đai, rừng, khí hậu. Kết hợp giữa phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao với ổn định, phát triển các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống ở nông thôn; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.

c) Phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy nội lực, ý thức tự chủ, tự lực tự cường, truyền thống cần cù trong lao động của nông dân; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, văn minh, giàu mạnh. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, đô thị; nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân, chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.

d) Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, coi trọng bảo vệ đất, nguồn nước và đa dạng sinh học; giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, thiên tai và tác động biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Mục tiêu chung:

- Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ; gắn sản xuất nông nghiệp với bảo quản sau thu hoạch và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.

- Phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển; nâng cao giá trị rừng trồng, rừng sản xuất đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến lâm sản, ưu tiên chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái.

- Xây dựng nông thôn mới với cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng phát triển và từng bước hiện đại, xã hội nông thôn ổn định, thu nhập và dân trí được nâng cao, dân cư nông thôn tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội và phúc lợi công cộng, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ổn định và vững mạnh.

b) Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản:

- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,5-8,0%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,5-6%/năm.

- Cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2015: nông nghiệp 97,5%, lâm nghiệp 1,7%, thủy sản 0,8%. Đến 2020: nông nghiệp 96-97%, lâm nghiệp 2- 2,5%, thủy sản 1-1,5%

- Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đến năm 2015: trồng trọt 81%; chăn nuôi 16%; dịch vụ 3%; đến năm 2020: trồng trọt 73-78%; chăn nuôi 18-22%; dịch vụ 4-5%.

- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến 2015 đạt trên 15% về diện tích, chiếm 25-30% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp; đến 2020 đạt 25-30% về diện tích, chiếm 50-60% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

[...]