Điều 1.
Mục tiêu
1. Trồng mới 5 triệu ha rừng
cùng với bảo vệ diện tích rừng hiện có, để tăng độ che phủ của rừng lên 43%,
góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ,
bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.
2. Sử dụng có hiệu quả diện tích
đất trống, đồi núi trọc, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần
xoá đói, giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông
thôn miền núi, ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng
biên giới.
3. Cung cấp gỗ làm nguyên liệu để
sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản khác
cho tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với phát triển công
nghiệp chế biến lâm sản, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
Điều 2.
Nguyên tắc chỉ đạo
1. Nhân dân là lực lượng chủ yếu
trồng, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và hưởng lợi ích từ nghề rừng. Nhà nước
tạo môi trường pháp lý thuận lợi; tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; có
các chính sách khuyến khích người làm nghề rừng; hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn
ngân sách hoặc vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
2. Kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng,
khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ diện tích rừng hiện có với nhiệm vụ định canh, định
cư, xoá đói, giảm nghèo.
3. Phát huy hiệu quả tổng hợp
các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của rừng bằng một hệ thống nông
lâm kết hợp bền vững với cơ cấu cây trồng hợp lý, đa tác dụng, áp dụng công nghệ
thâm canh gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến.
4. Phân bổ hợp lý nhiệm vụ trồng
rừng phòng hộ và rừng sản xuất giữa các vùng, nhưng phải tập trung cho các khu
vực ưu tiên, kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán.
- Với rừng phòng hộ, ưu tiên đầu
tư cho vùng phòng hộ xung yếu trọng điểm, đầu nguồn các dòng sông, các hồ chứa
nước, đặc biệt là đầu nguồn các công trình thuỷ điện, các thành phố, các vùng
phòng hộ ven biển và những vùng có nhu cầu cấp bách về phục hồi nhu cầu sinh
thái.
- Với rừng sản xuất, phải ưu
tiên phát triển các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời có tác dụng
phòng hộ môi trường cả cho trước mắt và lâu dài.
5. Việc trồng rừng trong từng
giai đoạn được tổ chức thực hiện thông qua các dự án được xây dựng từ cơ sở, có
sự tham gia của dân và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện
hành, phải thực hiện khẩn trương, nhưng vững chắc, bảo đảm tiến độ và hiệu quả
của từng dự án.
Điều 3.
Nhiệm vụ
1. Bảo vệ có hiệu quả vốn rừng
hiện có, trước hết phải bảo vệ diện tích rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu, kể cả rừng phòng hộ đã trồng theo
Chương trình 327, rừng sản xuất có trữ lượng giàu và trung bình. Thực hiện ngay
từ giai đoạn đầu việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
gắn với định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo để bảo vệ, khoanh nuôi rừng kết
hợp trồng bổ sung và trồng mới.
2. Trồng rừng:
a. Trồng 2 triệu ha rừng phòng hộ,
rừng đặc dụng: khoanh nuôi tái sinh kết hợp bổ sung 1 triệu ha, trồng mới 1 triệu
ha gắn với định canh, định cư.
b. Trồng 3 triệu ha rừng sản xuất:
rừng nguyên liệu công nghiệp giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ, cây đặc sản, rừng gỗ
quý hiếm... khoảng 2 triệu ha; cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả khoảng 1
triệu ha; đồng thời huy động các tổ chức và nhân dân triệt để tận dụng diện
tích đất trống để trồng cây phân tán.
Dự án trồng rừng của từng giai
đoạn như sau:
- Giai đoạn 1998-2000: trồng mới
700.000 ha (trong đó 260.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng), khoanh nuôi tái sinh
kết hợp trồng bổ sung 350.000 ha.
- Giai đoạn 2001-2005: trồng mới
1,3 triệu ha (trong đó 350.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng), khoanh nuôi tái
sinh kết hợp trồng bổ sung 650.000 ha;
- Giai đoạn 2006-2010: trồng mới
2 triệu ha (trong đó 390.000 ha rừng phòng hộ, đặc dụng).
Điều 4.
Cơ cấu cây trồng
Cây trồng trong dự án này bao gồm
các loại cây lâm nghiệp và cây nông nghiệp lâu năm có tán che phủ, có tác dụng
phòng hộ như cây rừng. Để nâng cao hiệu quả về bảo vệ môi trường, giảm nhẹ
thiên tai, gắn với yêu cầu đa dạng về sinh học và hiệu quả về kinh tế - xã hội,
cơ cấu cây trồng được định hướng như sau:
1. Rừng đặc dụng:
Căn cứ vào yêu cầu phục hồi sinh
thái của từng loại rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng đặc dụng lựa chọn cơ cấu cây
trồng cụ thể phù hợp với hệ sinh thái của vùng được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển
nông thôn hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
2. Rừng phòng hộ ở vùng rất xung
yếu và xung yếu:
Tuỳ yêu cầu phòng hộ của từng
vùng, tuỳ khí hậu đất đai chọn lựa các loại cây trồng có tác dụng phòng hộ tốt,
trồng hỗn loài, chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt, chịu đất xấu, đất dốc và đất
ven biển, có khả năng chống chịu sâu bệnh và chống cháy tốt, ở nơi có điều kiện
phù hợp trồng được các loại cây có giá trị kinh tế thì được khuyến khích. Cơ cấu
loại cây cụ thể do Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
quy định.
3. Rừng sản xuất và rừng phòng hộ
ở vùng ít xung yếu:
Chọn lựa các loại cây có giá trị
kinh tế cao (kể cả cây công nghiệp lâu năm, cây lấy quả, các loại cây đặc sản,
cây làm thuốc... có tán che tốt). Cơ cấu về từng loại cây cụ thể do tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để trồng rừng quyết
định theo quy hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từng bước hình
thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, vừa phù hợp với điều kiện lập
địa, vừa phải gắn với phát triển công nghiệp chế biến và nhu cầu của thị trường.
Điều 5.
Chính sách về đất đai
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông
thôn và Tổng cục Địa chính có trách nhiệm rà soát lại quỹ đất lâm, nông nghiệp
xây dựng quy hoạch sử dụng đất trống, đồi núi trọc cho dự án trồng 5 triệu ha rừng
ở tỉnh, huyện, xã; xác định cụ thể rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung
yếu, xung yếu, ít xung yếu và rừng sản xuất theo quy chế của Bộ Nông Nghiệp và
Phát triển nông thôn; chỉ đạo việc giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo quy định tại Nghị
định số 02/CP ngày 15 tháng 01 năm 1994 của Chính phủ.
1. Giao đất lâm nghiệp gắn với
giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ.
a. Giao đất lâm nghiệp gắn với
giao rừng được quy hoạch xây dựng rừng đặc dụng cho các Ban quản lý rừng đặc dụng
để bảo vệ và xây dựng theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b. Giao đất được quy hoạch để trồng
rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu cho các Ban quản lý rừng phòng hộ.
Ban quản lý rừng phòng hộ giao khoán đất cho các tổ chức (kể cả lâm trường), hộ
gia đình và cá nhân để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
c. Giao đất và cho thuê đất được
quy hoạch xây dựng rừng phòng hộ ở khu vực ít xung yếu để bảo vệ và trồng cây
lâm, nông kết hợp với mục đích sản xuất lâm, nông sản là chính, có kết hợp làm
chức năng phòng hộ theo phương thức giao, cho thuê như đối với rừng sản xuất.
2. Giao đất cho thuê đất và cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy hoạch để trồng rừng sản xuất cho các
tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, hộ gia đình và cá nhân.
a. Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ liên quan rà soát lại quỹ đất
lâm, nông nghiệp đã giao cho các lâm, nông trường trước đây, đồng thời kết hợp
với việc sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của các lâm, nông trường quốc doanh để
xác định mức diện tích và ranh giới đất giao cho các lâm, nông trường. Phần diện
tích đất lâm nghiệp còn lại phải tiến hành giao xong trước năm 2000 cho các tổ
chức, hộ gia đình và cá nhân để trồng rừng.
b. Giao đất và cho thuê đất trống,
đồi núi trọc cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để trồng rừng. Ưu tiên
giao đất cho các hộ gia đình sống tại địa phương.
3. Hạn mức và thời hạn giao đất,
cho thuê đất được quy định như sau:
a. Hạn mức giao đất, cho thuê đất
đối với các tổ chức căn cứ vào dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hạn
mức giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân do Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương quy định phù hợp với tình hình cụ thể của địa
phương.
b. Thời hạn giao đất, cho thuê đất
cho các tổ chức và giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân là 50 năm. Khi
hết thời hạn quy định trên, nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vẫn có nhu cầu và
sử dụng đúng mục đích thì được Nhà nước giao hoặc cho thuê thời hạn tiếp theo.
Nếu trồng các loại cây có chu kỳ trên 50 năm thì sau 50 năm được nhà nước giao
hoặc cho thuê tiếp đến khi thu hoạch.
4. Cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân ngay sau khi được giao đất và cho thuê
đất. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất
phải sử dụng đúng mục đích và trồng rừng theo tiến độ của dự án được duyệt.
Điều 6.
Chính sách đầu tư và tín dụng.
1. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách
Nhà nước:
a. Tiếp tục thực hiện chính sách
bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung yếu trên diện tích khoảng 2
triệu ha đã thực hiện theo Chương trình 327 với mức được phân bổ cho các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương không quá 50.000 đồng/1ha/năm, thời hạn không
quá 5 năm.
Khoán khoanh nuôi tái sinh kết hợp
trồng bổ sung không quá 1 triệu đồng/ha, thời hạn khoán 6 năm. Tỷ lệ vốn được
phân bổ hàng năm theo quy trình khoanh nuôi tái sinh rừng kết hợp trồng bổ sung
do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
b. Trồng rừng phòng hộ ở vùng rất
xung yếu và xung yếu với mức đầu tư trực tiếp đến người trồng rừng, bình quân
là 2,5 triệu đồng/ha, gồm trồng mới và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn chỉ đạo các địa phương tổ chức thí điểm đấu thầu cho các tổ chức kinh
tế, kể cả lực lượng thanh niên xung phong để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng
rừng ở những nơi không có điều kiện giao khoán cho hộ gia đình.
c. Hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha
cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng rừng sản xuất là các loại
cây gỗ đặc biệt quý hiếm có chu kỳ trên 30 năm, ưu tiên các loại cây có thể trồng
được thuộc nhóm IA, IIA, quy định tại Nghị định số 18/HĐBT, ngày 17 tháng 1 năm
1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sử dụng các nguồn vốn trên để khoán bảo vệ,
khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hỗ trợ
trồng rừng sản xuất đối với cây gỗ đặc biệt quý hiếm, gắn với định canh, định
cư và xoá đói, giảm nghèo phù hợp với tình hình địa phương.
d. Kinh phí quản lý dự án trồng
rừng phòng hộ, đặc dụng được trích 8% trong tổng mức đầu tư ngân sách của Nhà
nước dành cho dự án, trong đó các ngành ở Trung ương là 0,7%, tỉnh, huyện, xã
là 1,3%, chủ dự án ở cơ sở là 6%.
đ. Vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng,
nghiên cứu khoa học, khuyến lâm, khuyến nông, thiết kế phí, kinh phí để giao đất
và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài
chính cân đối cho các ngành và các địa phương phù hợp với yêu cầu của các dự
án. Cơ chế quản lý tài chính đối với vốn đầu tư bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh kết
hợp trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ và đặc dụng được quy định như sau:
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp
phát qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
- Nhà nước ứng trước tiền chuẩn
bị giống cây rừng năm đầu, từ năm thứ 2 trở đi chủ dự án phải thu lại tiền giống
trong đơn giá trồng rừng của năm đó để luân chuyển, chuẩn bị cây giống cho năm
sau. Khi kết thúc dự án trồng rừng, chủ dự án có trách nhiệm thu hồi, trả lại
ngân sách tiền ứng trước chuẩn bị giống của năm đầu.
- Hàng năm, khi các dự án được cấp
có thẩm quyền giao kế hoạch và có thiết kế dự toán được duyệt, Kho bạc Nhà nước
tạm ứng 30% kinh phí dự án, sau khi các dự án thực hiện đạt tiến độ 50%, được ứng
tiếp 40%; cuối năm, sau khi có biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu cấp
tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thì thanh toán hết vốn
cho dự án.
2. Vốn tín dụng đầu tư
Các tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ ở vùng ít xung yếu, rừng sản
xuất (kể cả trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây đặc sản và cây làm
thuốc...) và phát triển các cơ sở chế biến lâm nông sản được hưởng các chế độ
ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi), được
vay vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác, vốn
ODA của các nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn vay khác.
Chủ rừng là các tổ chức ngoài quốc
doanh, hộ gia đình và các cá nhân được sử dụng rừng sản xuất và quyền sử dụng đất
lâm nghiệp được giao làm tài sản thế chấp khi vay vốn tại ngân hàng.
Điều 7.
Chính sách hưởng lợi và tiêu thụ sản phẩm
1. Đối với rừng đặc dụng và các
rừng phòng hộ:
a. Ưu tiên khoán cho các hộ thuộc
diện định canh, định cư, các hộ nghèo, hộ ở gần rừng và hộ đã nhận khoán trước
đây để bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở vùng rất xung
yếu và xung yếu. Khi hết thời hạn khoán nếu hộ nhận khoán có nguyện vọng và
trong quá trình nhận khoán thực hiện bảo vệ rừng tốt thì được nhận khoán chu kỳ
tiếp theo.
b. Hộ nhận khoán bảo vệ rừng
phòng hộ ở vùng rất xung yếu và xung yếu được khai thác củi, lâm sản phụ dưới
tán rừng.
c. Hộ nhận khoán khoanh nuôi tái
sinh kết hợp trồng bổ sung rừng phòng hộ được hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa,
lâm sản phụ dưới tán rừng.
d. Hộ trồng rừng phòng hộ được
hưởng toàn bộ sản phẩm tỉa thưa, nông sản và các lâm sản phụ dưới tán rừng.
2. Đối với rừng sản xuất:
a. Hộ đầu tư trồng rừng sản xuất
là chủ rừng, có quyền quyết định thời điểm và phương thức khai thác rừng, nhưng
phải có nghĩa vụ tái tạo lại rừng trong phạm vi không quá 2 năm sau khi khai
thác.
b. Mọi sản phẩm khai thác từ rừng
trồng, tre, nứa và lâm sản phụ khai thác từ rừng tự nhiên được tự do lưu thông
trên thị trường.
Gỗ và lâm sản khai thác từ rừng
tự nhiên tái sinh thuộc rừng sản xuất của các chủ rừng là hộ gia đình và cá
nhân, được tự do lưu thông trên thị trường (trừ những loại được ghi trong danh
mục động, thực vật quý hiếm quy định tại Nghị định số 18/HĐBT ngày 17 tháng 1
năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng nay là Chính phủ). Khi khai thác và tiêu thụ,
chủ rừng chỉ cần báo với cơ quan kiểm lâm gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân xã, thị
trấn sở tại để trong vòng 10 ngày được cấp giấy chứng nhận các sản phẩm này là
sản phẩm hợp pháp.
c. Nhà nước khuyến khích chế biến
và xuất khẩu sản phẩm rừng trồng đã qua chế biến. Trong trường hợp các cơ sở chế
biến trong nước không sử dụng hết nguyên liệu, hoặc chưa đủ điều kiện đầu tư
xây dựng cơ sở chế biến thì được phép xuất khẩu sản phẩm rừng trồng dưới dạng
nguyên khai.
d. Nhà nước có chính sách tiêu
thụ sản phẩm rừng trồng và các chính sách khác, đảm bảo lợi ích của người trồng
rừng.
Điều 8.
Chính sách thuế
1. Các nhà đầu tư, các tổ chức,
hộ gia đình và cá nhân trồng rừng, trồng cây nông nghiệp lâu năm trên đất hoang
hoá, đồi núi trọc, chế biến nông, lâm sản được hưởng các ưu đãi về thuế theo
quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).
2. Miễn thuế tài nguyên đối với
lâm sản khai thác từ rừng sản xuất là rừng tự nhiên được phục hồi bằng biện
pháp khoanh nuôi tái sinh.
3. Miễn thuế buôn chuyến đối với
lâm sản thu gom hợp pháp từ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ khai thác từ rừng tự
nhiên.
Điều 9.
Chính sách về khoa học và công nghệ
1. Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, tập trung chỉ đạo
việc nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo, nhập nội các giống cây rừng có khả năng
thích ghi tốt, đạt hiệu quả cao và kỹ thuật trồng rừng thâm canh, các biện pháp
bảo vệ và phòng, chống cháy rừng... để phổ biến nhanh ra diện rộng.
2. Bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biện pháp khuyến
khích phát triển các cơ sở sản xuất giống thuộc các thành phần kinh tế, hỗ trợ
đầu tư công tác tạo giống, thực hiện việc cấp chứng chỉ hạt giống, kiên quyết
không sử dụng giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Điều 10.
Về hợp tác đầu tư nước ngoài
1. Khuyến khích các nhà đầu từ
nước ngoài liên doanh với các tổ chức và cá nhân trong nước để đầu tư trồng rừng
và chế biến lâm sản, tiếp tục làm thử phương thức cho thuê đất, đầu tư 100% vốn
nước ngoài để trồng rừng.
Các nhà đầu tư nước ngoài được
hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài, Nghị định số
10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ về một số biện pháp khuyến
khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
2. Giao Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ
Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan ưu tiên bố
trí nguồn vốn ODA, đồng thời tranh thủ nguồn tài trợ các nước và các tổ chức quốc
tế để có thêm nguồn vốn cho dự án trồng 5 triệu ha rừng.