Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 28/1999/TTLT hướng dẫn Quyết định 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng do Bộ Kế hoạch đầu - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 28/1999/TTLT
Ngày ban hành 03/02/1999
Ngày có hiệu lực 03/02/1999
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân,Nguyễn Văn Đẳng,Nguyễn Xuân Thảo
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/1999/TTLT

Hà Nội , ngày 03 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT- BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ- BỘ TÀI CHÍNH SỐ 28 /1999/TTLT NGÀY 3 THÁNG 2 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 661/QĐ-TTG NGÀY 29/7/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG

Thi hành Quyết định số 661/QĐ-TTg Ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ "Về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng";

Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO VÀ NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG

1. Mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo:

Mục tiêu và nguyên tắc chỉ đạo của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã được thể hiện trong Quyết định 661/QĐ-TTg vừa thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng vừa bảo vệ có hiệu quả 9,3 triệu ha rừng hiện có, nhằm góp phần đảm bảo an ninh môi trường, cung cấp đầy đủ lâm sản cho công nghiệp hoá, đồng thời đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân ở vùng trung du miền núi đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc. Quyết định đã nêu rõ nguyên tắc chỉ đạo là huy động sức mạnh của toàn dân để trồng rừng, quản lý và bảo vệ rừng bền vững; đồng thời, huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển rừng trong giai đoạn 1998-2010.

2. Nhiệm vụ.

a - Các địa phương và các ngành có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị 286/TTg và 287/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng, nhằm bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trọng tâm là rừng tự nhiên thuộc các khu rừng đặc dụng, phòng hộ ở nơi rất xung yếu và xung yếu, rừng sản xuất có trữ lượng giàu và trung bình, diện tích rừng đã trồng theo chương trình 327.

b- Trồng rừng.

- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng (2 triệu ha).

+ Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung 1 triệu ha.

Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung được thực hiện trên đất đã mất rừng nhưng có khả năng tái sinh thuộc vùng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu, xung yếu và thuộc khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng. Bao gồm 2 hình thức:

* Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh do dân tự trồng bổ sung bằng các loại cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây đặc sản có tán như cây rừng.

* Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có kết hợp trồng bổ sung bằng cây rừng do nhà nước đầu tư.

+ Trồng rừng mới 1 triệu ha: Trên vùng đất trống đồi núi trọc không còn khả năng tái sinh tự nhiên được quy hoạch là rừng đặc dụng, vùng phòng hộ rất xung yếu, xung yếu tập trung chủ yếu ở các lưu vực sông lớn, các hồ chứa và công trình thuỷ điện lớn, bảo vệ các thành phố lớn, các vùng đất ven biển đang xói lở, cát bay và những nơi có yêu cầu cấp bách về phục hồi sinh thái. Đặc biệt ưu tiên vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ che phủ rất thấp, vùng miền Trung thường xẩy ra lũ lụt.

- Trồng 3 triệu ha rừng sản xuất bao gồm:

+ Trồng rừng sản xuất bằng cây lâm nghiệp : 2 triệu ha

Trong đó:

* Rừng nguyên liệu cho công nghiệp : 1,6 - 1,62 triệu ha, chủ yếu trồng các loài cây keo, tre luồng, thông, bồ đề, mỡ, bạch đàn,...

* Rừng gỗ trụ mỏ: 80.000ha, trồng các loài cây thông, sa mộc, bạch đàn,...

* Rừng cây đặc sản: 200.000ha, bao gồm các loài cây quế, hồi, thông nhựa, trúc sào, táo mèo, sở, cây lấy măng.v.v...

* Rừng gỗ quý hiếm: 100.000ha bao gồm các loài cây lim, đinh, sến, pơmu, cẩm lai, gõ đỏ... thuộc nhóm Ia, IIa theo nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của HĐBT (nay là Chính phủ).

+ Trồng cây công nghiệp lâu năm và cây lấy quả : Khoảng 1 triệu ha.

Cây công nghiệp lâu năm được xác định nằm trong dự án trồng mới 5 triệu ha rừng bao gồm: Cao su, đào lộn hột, ca cao, cây đặc sản và các loại cây lấy quả vừa có giá trị kinh tế vừa có tán che phủ như cây rừng. Đối với cây chè và cây cà phê phải trồng theo đúng quy hoạch, không được phá rừng để lấy đất trồng và phải trồng kết hợp với cây rừng ít nhất 300 cây/ha: Riêng cây chè tuyết san có thể trồng thuần loại.

II. CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP

1. Cơ cấu cây trồng:

a- Đối với rừng đặc dụng: Về nguyên tắc tuyển chọn cây trồng phải phù hợp với mục tiêu phục hồi hệ sinh thái nguyên sinh, đó là các loài cây bản địa tại chỗ, nơi quá cằn cỗi thì trồng cây che bóng và cải tạo đất trước, cây bản địa sau, và phải lấy xúc tiến tái sinh tự nhiên là biện pháp chính để phục hồi rừng theo hướng nguyên sinh.

[...]