Thông tư liên tịch 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC hướng dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 - 2010 do Liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC
Ngày ban hành 02/05/2008
Ngày có hiệu lực 16/06/2008
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp,Hứa Đức Nhị,Cao Viết Sinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN-BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TÀI CHÍNH
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-------

Số: 58/2008/TTLT-BNN-BKH-BTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định 661/QĐ-TTg.

Liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007 - 2010 như sau:

I. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ DỰ ÁN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI RỪNG

1. Đối với rừng đặc dụng:

a) Chủ rừng là các Ban quản lý Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng bằng lực lượng chuyên trách của mình. Chỉ thực hiện khoán bảo vệ rừng ở những nơi không đủ lực lượng chuyên trách tính theo mức 500 ha/1biên chế kiểm lâm (Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ). Một số trường hợp đặc biệt, khu rừng đặc dụng có diện tích không lớn nhưng số dân sống trong rừng nhiều, có nguy cơ xâm hại cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xem xét chấp thuận đầu tư khoán bảo vệ rừng;

b) Sau khi rà soát lại quy hoạch các khu rừng đặc dụng, các phân khu chức năng trong rừng đặc dụng, diện tích chưa có rừng nếu cần phục hồi lại rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên là chính. Chỉ thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung ở phân khu phục hồi sinh thái và trong trường hợp đã có những kết quả nghiên cứu áp dụng thành công, được hội đồng khoa học chuyên ngành nghiệm thu;

c) Việc trồng mới rừng chỉ thực hiện đối với vườn sưu tập thực vật, rừng đặc dụng ven biển và những diện tích không có khả năng tự phục hồi rừng ở phân khu phục hồi sinh thái (nếu thật sự cần thiết);

d) Việc ổn định và sắp xếp dân cư trong các khu rừng đặc dụng thực hiện theo đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoặc đề án của UBND tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

2. Đối với rừng phòng hộ:

a) Những khu rừng phòng hộ có diện tích nhỏ lẻ (dưới 500 ha), không liền khu liền khoảnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng rà soát để tách ra khỏi diện tích được giao quản lý và thiết lập ngay hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền để giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó ưu tiên cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình tại chỗ và các tổ chức ngoài quốc doanh đang nhận khoán trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên diện tích đó. Những diện tích này Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho bảo vệ rừng thông qua cơ chế khoán bảo vệ rừng như trước đây mà chủ yếu gắn việc bảo vệ rừng với hưởng lợi từ rừng;

b) Những diện tích rừng phòng hộ đã giao cho các cộng đồng dân cư thôn, các hộ gia đình, nhưng chưa có nguồn hưởng lợi từ rừng và tại những vùng rất nhạy cảm về bảo vệ rừng, UBND các tỉnh quyết định việc hỗ trợ bảo vệ rừng một phần từ kinh phí khoán bảo vệ rừng của tỉnh đã được Trung ương giao;

c) Chủ rừng là các Ban quản lý rừng phòng hộ tự tổ chức thực hiện việc bảo vệ rừng phòng hộ. Nhà nước chỉ đầu tư khoán bảo vệ rừng đối với những khu rừng phòng hộ ở khu vực có nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, có nguy cơ xẩy ra mất rừng cao và chưa có các nguồn lợi thường xuyên từ rừng phòng hộ này.

Với những khu rừng phòng hộ đã có những nguồn lợi thu nhập thường xuyên theo quy định, nếu cần và nếu có nhu cầu của nhân dân địa phương thì các Ban quản lý rừng phòng hộ có thể khoán ổn định lâu dài cho các cá nhân, hộ gia đình và tổ chức mà không có tiền khoán bảo vệ rừng hàng năm của nhà nước;

d) Diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch là đất rừng phòng hộ nhưng có khả năng tự phục hồi rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Không thực hiện biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung mới đối với rừng phòng hộ, chỉ tiếp tục thực hiện đối với những diện tích đã trồng bổ sung từ năm 2007 về trước;

e) Việc trồng mới rừng phòng hộ chỉ thực hiện đối với những khu vực không thể tự phục hồi rừng như đất trống trọc, đất cát hoang hóa, đất ngập mặn, ngập phèn. Ưu tiên trồng rừng cho các dự án vùng phòng hộ chống cát bay, chắn sóng ven biển, rừng phòng hộ các hồ đập, công trình thuỷ điện trọng điểm và dự án rừng phòng hộ biên giới;

f) Cơ cấu loài cây trồng và việc Điều chỉnh mật độ cây trồng đối với rừng trồng phòng hộ, bao gồm cả việc khai thác cây phù trợ và tỉa thưa cây trồng chính, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

g) Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiến hành quy hoạch chi tiết trên bản đồ và trên thực địa xác định những diện tích đất trống cần trồng rừng phòng hộ (đến từng lô đất rừng), trong đó có xác định những diện tích trồng rừng phòng hộ ưu tiên cho 3 năm tới.

3. Đối với rừng sản xuất:

a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có hoạt động trồng mới rừng sản xuất, trồng cây phân tán, khai thác và chế biến lâm sản được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015;

b) Các Công ty lâm nghiệp, lâm trường, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia trồng rừng trong các dự án trồng rừng nguyên liệu được cấp có thẩm quyền phê duyệt được vay vốn từ Ngân hàng phát triển Việt Nam.

4. Thực hiện việc đóng cọc mốc ranh giới các loại rừng theo nguyên tắc:

a) Các chủ rừng phải tự đóng cọc mốc để quản lý rừng, ngân sách nhà nước đầu tư cho các chủ rừng thuộc nhà nước để đóng cọc mốc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Đối với rừng sản xuất các chủ rừng tự bỏ kinh phí để đóng cọc mốc;

b) Chỉ đóng cọc mốc đối với ranh giới giữa đất lâm nghiệp với đất khác, hoặc ranh giới rừng đặc dụng với lộ giới kết hợp làm biển báo;

c) Đối với rừng phòng hộ đóng cọc mốc ở những nơi khó nhận biết ranh giới, nơi dễ xảy ra tranh chấp; không đóng tràn lan gây lãng phí;

d) Quy cách cọc mốc, số hiệu cọc mốc, xác định nơi đóng cọc mốc các loại rừng cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

II. NỘI DUNG ĐẦU TƯ, MỨC ĐẦU TƯ

[...]