QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND và UBND;
Căn cứ Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003
của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 -
2010;
Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005
của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày
31/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm
2010;
Căn cứ Thông tư số 07/TT-BKH ngày 11/9/2003 của
Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập các dự án quy hoạch phát triển và đầu
tư xây dựng chợ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư và Giám đốc Sở Thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự
án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến
năm 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN:
1. Mục tiêu chung đến năm 2020:
- Xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng khang trang, văn minh hiện đại, đảm bảo
cho nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn
thành phố và đáp ứng được nhu cầu lưu thông, phân phối sản phẩm hàng hóa của cả
vùng đồng bằng sông Cửu Long;
- Quy hoạch chợ gắn với quy hoạch phát triển các
siêu thị, trung tâm thương mại, quy hoạch những vị trí thuận lợi, có tiềm năng
để bố trí xây dựng trung tâm thương mại cấp quận, huyện. Đặc biệt, những quận
trung tâm thành phố quy hoạch xây dựng một số siêu thị, trung tâm thương mại cấp
vùng, quốc gia; phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng đa mục
tiêu;
- Xây dựng và phát triển các chợ chuyên doanh
hàng nông sản, công nghệ phẩm, hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chợ
nguyên - phụ liệu phục vụ các ngành công nghiệp phù hợp với tiến trình phát triển
kinh tế - xã hội của thành phố;
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại cấp thành phố, vùng, quốc gia; gắn đầu tư xây dựng
hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với việc thực hiện quy hoạch phát
triển đô thị, dân cư, thương mại trên từng địa bàn cụ thể; phải đảm bảo đúng
không gian quy hoạch hợp lý và phù hợp, nhằm đảm bảo giao lưu giữa chợ với các
loại hình kinh doanh thương nghiệp khác, thuận tiện cho hoạt động sản xuất và
tiêu dùng của những người tham gia;
- Công tác quản lý, khai thác kinh doanh chợ thực
hiện theo quy định tại Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về
việc phát triển và quản lý chợ;
- Củng cố và phát triển mạng lưới chợ trên địa
bàn thành phố: sắp xếp chợ theo quy hoạch, nâng cấp các chợ đã xây dựng bán
kiên cố, xây mới các chợ ở những địa bàn cần thiết; đồng thời, tiến hành quy hoạch
và xây dựng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phù hợp với tình hình phát
triển đô thị và vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Mục tiêu cụ thể:
a. Giai đoạn 2006 - 2010:
- Hoàn thành và đưa vào hoạt động 03 chợ đầu mối
chuyên doanh giai đoạn I: chợ lúa gạo, chợ thủy sản, chợ nông sản;
- Hoàn thành đưa vào hoạt động chợ trung tâm quận,
huyện; đồng thời, nâng cấp mở rộng chợ trung tâm quận, huyện theo hướng kiên cố
hóa (nhà lồng chợ) 60% các chợ loại 2, loại 3, xóa các chợ tự phát lấn chiếm
lòng, lề đường;
- Xây dựng các điểm chợ mới tại các khu vực dân
cư đô thị, các trung tâm xã, thị tứ, địa bàn nông thôn;
- Hoàn thành và đưa vào hoạt động tại mỗi quận,
huyện ít nhất một siêu thị kinh doanh tổng hợp có quy mô từ loại III trở lên; một
phần Trung tâm thương mại cấp vùng, Trung tâm thương mại Thốt Nốt và Trung tâm
thương mại Bình Thủy;
- Bộ máy quản lý chợ phù hợp và được đào tạo
nghiệp vụ, hình thức chủ yếu là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh và quản lý
chợ;
Ngoài các chợ đầu mối lúa gạo, thủy sản, nông sản
còn có các siêu thị chuyên ngành như: thời trang, sách,…
b. Giai đoạn 2011 - 2015:
- Thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn II các chợ
đầu mối chuyên doanh;
- Hoàn chỉnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ
trung tâm quận, huyện cũng như các chợ loại 2, 3 tại khu vực đô thị và nông
thôn; kiên cố và bán kiên cố thay thế hoàn toàn chợ tạm bợ;
- Bên cạnh hệ thống chợ truyền thống được xây dựng
và hoạt động ổn định, tại mỗi trung tâm quận, huyện hình thành ít nhất một
trung tâm thương mại từ loại II trở lên, một số siêu thị từ loại II trở lên nằm
trong hoặc ngoài trung tâm thương mại.
c. Giai đoạn 2016 - 2020:
- Xã hội hóa hoàn toàn việc quản lý, khai thác
chợ và đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh hiện đại;
- Hệ thống chợ truyền thống, các chợ đầu mối
chuyên doanh cùng với các siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối
được hình thành và phát triển theo đúng quy hoạch trở thành một hệ thống liên
hoàn hoạt động ổn định và hiệu quả, phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhu cầu
mua sắm của khách tham quan, du lịch, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh
tốc độ phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ của thành phố Cần Thơ và nhanh
chóng trở thành thị trường trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
II. PHẠM VI DỰ ÁN: Trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
III. NỘI DUNG CHỦ YẾU:
1. Hệ thống chợ: Từ nay đến năm 2020,
thành phố Cần Thơ xây dựng và phát triển chợ theo các mô hình và loại hình như
sau:
a. Mô hình:
- Chợ chuyên doanh ngành hàng vải, may mặc: quy
mô tương đương chợ loại 2 với khoảng 200-500 hộ kinh doanh cố định;
- Chợ chuyên doanh ngành nông, thủy sản: năm
2010 thành phố Cần Thơ tiến hành xây dựng hoàn chỉnh 01 chợ chuyên doanh gạo cấp
vùng tại huyện Thốt Nốt, 01 chợ chuyên doanh hàng nông sản cấp vùng tại quận
Cái Răng, 01 chợ chuyên doanh thủy sản giai đoạn I tại phường Hưng Lợi - quận
Ninh Kiều, giai đoạn II sẽ hoàn chỉnh tại quận Cái Răng vào các năm tiếp theo;
- Chợ kinh doanh tổng hợp: đây là loại hình chợ
phát triển phổ biến, thực hiện với quy mô chợ loại I tại các đô thị lớn, chủ yếu
tại quận trung tâm và huyện có vị trí tiếp giáp các tỉnh trong khu vực, chợ loại
II tại các đô thị đông dân cư và các thị trấn, thị tứ cấp huyện, chợ loại III
chủ yếu tại các địa bàn nông thôn và dân cư đông đúc như ấp, xã, phường…;
- Chợ thực phẩm tươi sống tại các khu, cụm dân
cư đô thị: là loại hình có quy mô nhỏ, đây là loại hình không khuyến khích phát
triển và phải chấm dứt hoạt động sau năm 2010 tại các quận trung tâm như: Ninh
Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và các phường trung tâm quận Ô Môn;
- Chợ trời, chợ du lịch: chủ yếu là củng cố, sắp
xếp, xây dựng phát triển chợ nổi trên sông đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và
mỹ quan; với quy mô đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa và đáp ứng được thị
hiếu của du khách đến tham quan du lịch. Riêng loại hình chợ trời, chợ đêm trên
đất liền trong thời kỳ quy hoạch không khuyến khích phát triển;
- Chợ nguyên - phụ liệu: phát triển một số chợ
nguyên - phụ liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp cho cả vùng;
b. Loại hình: hiện nay, trên địa bàn
thành phố phát triển chủ yếu là loại hình chợ kinh doanh tổng hợp nhưng có sự
khác biệt về quy mô và phạm vi ảnh hưởng; bên cạnh là chợ thực phẩm tươi sống
phục vụ tiêu dùng hàng ngày của dân cư;
- Đối với chợ kinh doanh tổng hợp: phát triển tại
các khu vực đô thị tập trung dân cư các trung tâm quận, huyện, xã, thị trấn;
- Đối với chợ thực phẩm tươi sống: đầu tư xây dựng
cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của dân cư, đảm bảo môi trường
văn minh đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm.
c. Di chuyển vị trí và xóa bỏ một số chợ:
từ nay đến năm 2015 tổng số chợ hiện có trên địa bàn thành phố Cần Thơ cần giải
tỏa, di dời đến vị trí mới là 13 chợ, trong đó có 10 chợ phải giải tỏa gồm các
chợ: Đề Thám, chợ Sắt, Cả Đài, Cầu Củi, An Lạc (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận
Ninh Kiều), chợ cá giai đoạn I, Tân An, Tầm Vu (thuộc địa bàn quận Ninh Kiều),
chợ Ngã ba Hồi Lực (quận Bình Thủy), chợ Dân Lập (huyện Thốt Nốt); 02 chợ di dời
tập trung về chợ mới 3/2 quận Ninh Kiều là Chợ Đại học khu I và chợ 91B; 01 chợ
di dời đến địa điểm mới là chợ An Nghiệp (quận Ninh Kiều).
d. Mô hình tổ chức, quản lý chợ: từ nay đến
năm 2020 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003
của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và các văn bản pháp luật liên quan
có hiệu lực thi hành khác của nhà nước.
2. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại:
- Xây dựng và quản lý siêu thị và Trung tâm
thương mại trên địa bàn theo quy định tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày
24/9/2004 của Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương
mại và các văn bản pháp luật liên quan có hiệu lực thi hành;
- Từ nay đến năm 2020, xây dựng mạng lưới siêu
thị, trung tâm thương mại đều khắp trên địa bàn và đặc biệt tại vị trí trung
tâm quận hoặc cửa ngõ ra, vào thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi
hàng hóa của mọi tầng lớp nhân dân trong thành phố, khu vực đồng bằng sông Cửu
Long và cả nước nói chung.
3. Quy mô, nhu cầu vốn đầu tư phát triển chợ,
siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn:
a. Quy mô:
- Đối với hệ thống chợ:
+ Chợ chuyên doanh: diện tích mặt bằng cần thiết
để xây dựng các công trình chợ cũng như đảm bảo sự lưu thông người và hàng hóa
trong khu vực chợ có thể dao động trong khoảng từ 30.000 m2 -
200.000 m2;
+ Chợ loại I: đối với chợ mới thì diện tích mặt
bằng cần thiết để xây dựng các công trình chợ cũng như đảm bảo sự lưu thông người
và hàng hóa trong khu vực chợ tương tự như chợ chuyên doanh. Đối với các chợ loại
I hiện có hoặc được nâng cấp từ chợ loại II lên loại I do điều kiện hạn chế về
mặt bằng nên tùy theo điều kiện cụ thể để đề ra phương án quy mô, nhưng phải đảm
bảo diện tích mặt bằng tối thiểu cho các công trình phụ trợ từ 10.000 m2
- 20.000 m2;
+ Chợ loại II: thuộc loại hình chợ tổng hợp thì diện
tích mặt bằng cần thiết để xây dựng các công trình chợ cũng như đảm bảo sự lưu
thông người và hàng hóa trong khu vực chợ có thể dao động trong khoảng từ
10.000 - 20.000 m2. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2010 diện tích mặt bằng
cho các công trình chợ, kể cả diện tích nền chợ trống có thể thực hiện trong
khoảng từ 3.000 m2 - 5.000 m2;
+ Chợ loại III: do hạn chế về quỹ đất và quy mô,
tính chất kinh doanh của các hộ trong chợ, cũng như lượng người đến chợ mua
hàng ngày là không lớn nên diện tích mặt bằng xây dựng chợ có thể là từ 500 m2
- 2.000 m2;
- Đối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại:
+ Siêu thị: do tính chất kinh doanh mặt hàng có
chất lượng cao đã qua chế biến, hoặc sơ chế,… nên yêu cầu diện tích mặt bằng xây
dựng không cần thiết phải lớn, trừ những siêu thị cấp thành phố, vùng hay quốc
gia phải trên 5.000 m2;
+ Trung tâm thương mại: đây là loại hình kinh
doanh chợ tổng hợp gắn với khu dân cư mật độ cao và dãy phố dân cư liền kề, có
thể nói đây là loại hình kinh doanh chợ có quy mô lớn, hiện đại nên diện tích
chiếm đất xây dựng phải từ 10.000 m2 trở lên.
b. Nhu cầu vốn đầu tư:
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 là 2.528
tỷ đồng.
Trong đó:
+ Xây dựng chợ: 794 tỷ đồng;
+ Xây dựng siêu thị: 319 tỷ đồng;
+ Xây dựng trung tâm thương mại: 1.415 tỷ đồng.
- Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
+ Nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế:
2.319 tỷ đồng (thực hiện xã hội hóa việc đầu tư kinh doanh, khai thác và quản
lý hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại);
+ Nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:
209 tỷ đồng (theo quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của
Chính phủ).
- Nhu cầu vốn theo từng giai đoạn:
* Giai đoạn 2006 - 2010: 1.631 tỷ đồng
. Xây dựng mới và nâng cấp chợ: 611 tỷ đồng;
. Xây dựng siêu thị: 230 tỷ đồng;
. Xây dựng trung tâm thương mại: 790 tỷ đồng;
* Giai đoạn 2011 - 2015: 653 tỷ đồng.
. Xây dựng mới và nâng cấp chợ: 166 tỷ đồng;
. Xây dựng siêu thị: 17 tỷ đồng;
. Xây dựng trung tâm thương mại: 470 tỷ đồng;
* Giai đoạn 2016 - 2020: 244 tỷ đồng.
. Xây dựng mới và nâng cấp chợ: 17 tỷ đồng;
. Xây dựng siêu thị: 72 tỷ đồng;
. Xây dựng trung tâm thương mại: 155 tỷ đồng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Về vốn:
a. Vốn từ ngân sách nhà nước (bao gồm
ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương):
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ
thuật đối với các dự án chợ đầu mối nông sản; các chợ trung tâm quận, huyện mà
thành phố cần phải đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư;
- Xây dựng và nâng cấp sửa chữa các chợ thuộc
vùng sâu, vùng xa thuộc Chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm
nghèo nhằm khuyến khích phát triển mạng lưới chợ những khu vực này.
b. Vốn tín dụng:
Các Chủ đầu tư xây dựng các dự án phát triển chợ
thực hiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành.
c. Vốn huy động từ các chủ thể sản xuất, kinh
doanh và nhân dân:
Các Chủ đầu tư xây dựng các dự án chợ được huy động
vốn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh, cộng đồng cư dân và
các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng chợ theo quy hoạch.
2. Về cơ chế, chính sách phát triển chợ:
Hoạt động đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính
sách ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số
03/1998/QH10 ngày 20/5/1998, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước; riêng
ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2006 và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày
22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh
nghiệp và các văn bản quy định khác có hiệu lực thực hiện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
- Sở Thương mại là cơ quan quản lý dự án quy hoạch;
đồng thời phối hợp với các Sở ngành có liên quan lập kế hoạch tổ chức triển
khai thực hiện dự án quy hoạch, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng và
phát triển thương mại;
Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành liên quan và UBND quận,
huyện xây dựng dự án phát triển chợ trên phạm vi toàn thành phố; đồng thời, lập
danh mục đầu tư xây dựng chợ, nâng cấp, sửa chữa, giải tỏa, di dời trình Ủy ban
nhân dân thành phố phê duyệt, trên cơ sở ghi vốn và phân kỳ đầu tư.
- Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành
thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa
phương có trách nhiệm phối hợp Sở Thương mại tổ chức thực hiện dự án quy hoạch
nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
thành phố đến năm 2020 với quy hoạch ngành và các lĩnh vực của địa phương.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở, Thủ trưởng
cơ quan Ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện có trách nhiệm thi hành
quyết định này./.